Dự đoán sự sụp đổ tài chính của Mỹ do lệnh trừng phạt Nga

GD&TĐ - Tờ New York Post cho rằng các lệnh trừng phạt chống Nga khiến đồng USD gặp nguy hiểm và Mỹ có nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng nợ.

Tiền tệ Mỹ.
Tiền tệ Mỹ.

Washington bị tước khả năng gây áp lực trên trường quốc tế vì các biện pháp trừng phạt chống Nga dẫn đến việc nhiều quốc gia từ chối USD – một bài báo đăng trên tờ New York Post ngày 11/3 cho hay.

"Việc từ bỏ đồng USD sẽ giáng một đòn mạnh vào vị thế của Mỹ trên trường quốc tế. Kỷ nguyên mà khả năng in một số lượng USD không giới hạn có thể chấm dứt, và cùng với nó là khả năng mua hàng hóa nước ngoài của chúng ta trong quá khứ với giá rẻ cũng hết” – theo bài báo trên.

Theo tác giả Jay Newman, có hơn 100 quốc gia không ủng hộ các biện pháp chống Nga từ phương Tây. Về vấn đề này, các liên minh kinh tế phát sinh sử dụng các loại tiền tệ thay thế để bán hàng hóa. Việc thiếu phương tiện tương tự với đồng USD hóa ra chỉ là ảo tưởng.

Ông Jay Newman chỉ ra, việc các nước sử dụng đồng tiền quốc gia của họ trong giao dịch thương mại dẫn đến giảm nhu cầu đối với đồng USD. Kết quả là, giá trị của USD bị giảm đi.

Do sự sụp đổ của đồng USD, Mỹ sẽ mất vị thế trên trường quốc tế, cũng như có nguy cơ rơi vào “hố nợ”. Đồng thời, để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng, Washington có thể cố gắng giảm số lượng các đối thủ chiến lược và tìm cách khôi phục lại trật tự trong nền kinh tế của chính mình.

Ngày 11/3, Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) ở Mỹ phá sản trong vòng chưa đầy 2 ngày. Sau khi ngân hàng này có một hoạt động không thành công với chứng khoán, người gửi tiền bắt đầu đột ngột rút tiền từ tài khoản của họ khỏi SVB.

Ngày hôm sau, hãng tin Axios cho rằng chính quyền Tổng thống Biden sẽ sớm đối mặt với một cuộc khủng hoảng trong hệ thống ngân hàng. Ấn phẩm lưu ý rằng nếu chính phủ Mỹ không tìm cách cứu người gửi tiền tại SVB trước khi các chi nhánh mở cửa vào ngày 13/3, nội các sẽ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng thảm khốc.

Đồng thời, có thông tin cho rằng chính quyền Mỹ không xem xét khả năng mua lại SVB đã phá sản.

Theo Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen, tình hình hiện nay khác với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, khi chính phủ cứu trợ nhiều ngân hàng để bảo vệ nền kinh tế đất nước.

Đổi lại, Tổng thống Joe Biden đã cố gắng thuyết phục người dân Mỹ rằng họ có thể tin tưởng vào sự an toàn của hệ thống ngân hàng của đất nước.

Ông hứa sẽ yêu cầu Quốc hội và "các cơ quan quản lý ngành ngân hàng thắt chặt các quy tắc đối với ngân hàng, giảm thiểu nguy cơ ngân hàng sụp đổ tương tự", cũng như bảo vệ việc làm và các doanh nghiệp nhỏ trong nước.

Trong khi đó, ngày 14/2, nhà khoa học chính trị người Mỹ John Varoli nói với hãng tin Izvestia rằng hệ thống tài chính Mỹ với hình thức tồn tại ngày nay đang chờ đợi một sự sụp đổ không thể tránh khỏi.

Trong một diễn biến khác, lãnh đạo Mikhail Sukhov từ Cơ quan Đánh giá Tín dụng Phân tích (ACRA) của Nga nói rằng những diễn biến về tài chính trên ở Mỹ không ảnh hưởng tới thị trường và ngân hàng Nga.

Lý do là vì lệnh trừng phạt, các ngân hàng lớn nhất Nga không phải là đối tác của Mỹ. Ngoài ra, các nhà đầu tư Nga chủ yếu đầu tư trên thị trường chứng khoán vào tài sản có nguồn gốc từ Nga.

Ông nhấn mạnh rằng những tiến bộ trong thanh toán và đầu tư bằng đồng nhân dân tệ khiến khu vực tài chính của Nga thậm chí còn được bảo vệ nhiều hơn trước những rủi ro từ Mỹ.

Theo TASS/IZ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ