Các trường tốp dưới sẽ khó về nguồn tuyển
Theo PGS.TS Đỗ Anh Tài, cách tính điểm bài thi THPT quốc gia 70%, trung bình cả năm 30% sẽ đánh giá tương đối chính xác chất lượng học tập của HS. “Thực tế cho thấy không ít trường hợp có sự chênh lệch khá nhiều giữa điểm bài thi và điểm trong quá trình học. Điều này cho thấy, điểm quá trình học của HS trong một số nhà trường vẫn có gì đó mang “bệnh thành tích”. Vì vậy, việc tăng tỷ lệ điểm thi THPT quốc gia (70%) so với trước (50%) để xét tốt nghiệp sẽ đề cao vị trí, vai trò của điểm thi THPT quốc gia, nâng cao ý thức học tập của HS lớp 12” – PGS.TS Đỗ Anh Tài phân tích.
Bên cạnh đó, PGS.TS Đỗ Anh Tài còn đưa ra một góc nhìn đặc biệt về “điểm phẩy”. Ví dụ HS trường chuyên học tập trong môi trường rất cạnh tranh, để đạt được điểm số cao là tương đối khó, nhưng khi tính điểm thi tốt nghiệp thì cũng sẽ chỉ được tính theo công thức chung như HS các trường khác. Chính vì vậy, cách tính điểm mới sẽ đảm bảo sự công bằng hơn cho HS ở các trường học có cấp độ khác nhau.
- “Chúng tôi không lo cách tính điểm mới mà lo thí sinh ảo. Trong những năm vừa rồi cho thí sinh đăng ký nhiều nguyện vọng quá dẫn tới ảo trong xét tuyển”.
- PGS.TS Đỗ Anh Tài
Liên quan đến những thay đổi tỷ lệ trong tính điểm thi THPT quốc gia tác động thế nào đến việc tuyển sinh của các trường ĐH, PGS.TS Đỗ Anh Tài cho biết: Nhìn thấy trước là điểm tuyển sinh năm nay sẽ giảm hơn so với những năm trước, dẫn tới có sự thay đổi trong mùa tuyển sinh ĐH của các trường. Các trường ĐH tốp trên điểm số sẽ thấp hơn. Các trường tốp trung như ĐH Thái Nguyên và các đơn vị thành viên của ĐH Thái Nguyên sẽ không bị ảnh hưởng nhiều. Trường ĐH tốp dưới khả năng tuyển đủ sẽ là một vấn đề vì sẽ có nhiều thí sinh trượt tốt nghiệp hoặc điểm rất thấp. Nếu các trường ĐH trước đây có thể xét tuyển tất cả HS tốt nghiệp ở mức thấp thì năm nay sẽ gặp khó khăn.
Cần có sự phân định trách nhiệm cụ thể
PGS.TS Đỗ Anh Tài rất đồng tình với những điều chỉnh liên quan đến tổ chức thi, chấm thi, xét công nhận tốt nghiệp. Theo ông, vai trò của trường ĐH tham gia vào Kỳ thi THPT quốc gia (trước đây là kỳ thi tuyển sinh ĐH) từ trước đến nay luôn thể hiện tính khách quan, công bằng trong tất cả các khâu, đặc biệt là quy trình chấm bài thi trắc nghiệm.
Ưu điểm thấy rõ là việc để trường ĐH chủ trì tổ chức chấm thi trắc nghiệm sẽ đảm bảo sự khách quan. Tuy nhiên, có cái khó là nhà trường phải cử cán bộ, giảng viên xuống các địa phương trong một khoảng thời gian nhất định, cần có sự phối hợp một cách nhịp nhàng ở cơ sở. Cần phải hiểu là trường ĐH chủ trì nhưng không có nghĩa là làm tất cả. Vẫn phải có sự tham gia của đội ngũ ở địa phương. Trường ĐH cần dành thời gian, nhân lực và cả kinh phí khi cử cán bộ đi, lo ăn ở cho họ.
Nhận định chung của vị lãnh đạo trường ĐH là những điều chỉnh trong quy chế tuyển sinh năm nay về cơ bản đã đáp ứng được những yêu cầu để giải quyết một số điểm hạn chế của Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018.