Đủ điều kiện cho thí sinh dự tuyển

GD&TĐ - 13 giờ ngày 16/8, điểm thi đợt 2 – Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 được công bố công khai để thí sinh tra cứu và xã hội giám sát.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Đây cũng là điều kiện cần và đủ để thí sinh xác nhận nhập học vào các trường đại học; trước mắt là cơ sở để thí sinh điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển.

Ai cũng hiểu, trước diễn biến phức tạp, khó lường của đại dịch Covid-19, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay được tổ chức thành hai đợt. Điều đáng nói là, cả hai đợt thi đều diễn ra an toàn, thành công và được xã hội hoan nghênh, ghi nhận. Đây là cố gắng rất lớn của Ban Chỉ đạo thi từ Trung ương đến địa phương.

Theo các chuyên gia, một trong những điểm nhấn của kỳ thi năm nay là phổ điểm thi giữa đợt 1 và đợt 2 có sự tương đồng. Điều đó khẳng định, đề thi giữa đợt 1 và đợt 2 tương đương nhau; công tác tổ chức coi thi và chấm thi nghiêm túc, đúng quy chế; bảo đảm công bằng, khách quan cho thí sinh.

Một số người nhận xét, điểm thi giữa các môn trong kỳ thi năm nay đều cao hơn so với năm 2020, nhưng nhìn vào phổ điểm cho thấy điểm thi năm chỉ “nhỉnh” hơn một chút so với năm ngoái. Vì thế, không có gì bất ngờ và “đột biến”, thậm chí còn phù hợp với thực tiễn khách quan. Ai cũng biết, việc dạy – học năm nay chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch Covid-19, nên đề thi được ra theo hướng nhẹ nhàng, bám sát với điều kiện thực tế dạy – học của thầy – trò và phù hợp với mục tiêu xét tốt nghiệp THPT.

Ngoài việc tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc và chất lượng, kết quả kỳ thi còn là cơ sở để các địa phương đối sánh trung bình điểm thi với trung bình điểm học bạ lớp 12 của thí sinh. Đáng mừng là, từ kết quả thi cho thấy: Việc dạy - học và kiểm tra, đánh giá ở các trường phổ thông đã cơ bản đáp ứng yêu cầu đánh giá đúng năng lực của học sinh, theo chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình.

Nói như một chuyên gia hàng đầu về khảo thí, cơ bản trung bình điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2021 và trung bình điểm học bạ lớp 12 theo từng môn học có sự tương đồng và khoảng cách được thu hẹp hơn so với năm 2020. Cũng từ kết quả thi tốt nghiệp THPT, các địa phương có thêm căn cứ thực tiễn, khách quan để điều chỉnh việc dạy học, kiểm tra, đánh giá ở các trường phổ thông, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục.

Điểm trung bình cao và xuất hiện số lượng bài thi có điểm 8 trở lên nhiều, dải điểm rộng hơn; do đó việc xét tuyển của các cơ sở giáo dục đại học sẽ thuận lợi hơn. Trước mắt là, việc xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của các cơ sở đào tạo cũng “thuận buồm xuôi gió”.

Như vậy, thí sinh tham dự kỳ thi đã biết được điểm thi của mình, đây là cơ sở quan trọng để các em “bấm nút” để “chốt hạ” nguyện vọng xét tuyển đại học. Năm nay, các em được quyền điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển 3 lần, bằng phương thức trực tuyến. Vì thế, các em nên tận dụng cơ hội này để lựa chọn đúng và trúng ngành học, trường học mà mình yêu thích.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ