Dự báo ca mắc Covid-19 có thể tăng, không lơ là phòng dịch

GD&TĐ - Các chuyên gia nhận định, ca mắc Covid-19 tại nước ta có thể tăng trong thời gian tới, do đó cần tiếp tục phòng bệnh linh hoạt.

Tỷ lệ bao phủ vắc-xin Covid-19 của nước ta đã ở mức rất cao.
Tỷ lệ bao phủ vắc-xin Covid-19 của nước ta đã ở mức rất cao.

Cần nâng cao cảnh giác với dịch bệnh

Trung Quốc dự kiến mở cửa biên giới và bỏ cách ly kiểm dịch kể từ ngày 8/1. Các chuyên gia đánh giá, việc mở cửa biên giới có thể dẫn đến nhiều ca nhiễm nhập cảnh vào nước ta. Tuy nhiên, Việt Nam khó bùng dịch trở lại do tỷ lệ tiêm vắc-xin cao. Ngoài ra, nhiều người cũng từng nhiễm Covid-19. Do đó, đã có miễn dịch.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu - cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp Sự kiện Y tế công cộng Việt Nam, Việt Nam khó có nguy cơ bùng phát dịch do đã có miễn dịch. Thực tế, Việt Nam cũng đã bỏ việc xét nghiệm ở cửa khẩu từ lâu và hiện vẫn kiểm soát tốt dịch bệnh.

Tuy nhiên, chuyên gia này nhận định, số ca mắc Covid-19 tại nước ta có thể tăng trong thời gian tới. Do đó, Việt Nam cần tiếp tục phòng bệnh linh hoạt, tiêm vắc-xin Covid-19 theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

Bởi, đây vẫn là biện pháp quan trọng trong phòng, chống dịch. Đồng thời, chủ động xây dựng và triển khai các kịch bản, phương án đáp ứng với mọi tình huống dịch bệnh. Tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.

Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Y tế dự phòng, Bộ Y tế, nhận định, trên 90% người dân nước ta đã có miễn dịch do tiêm vắc-xin hoặc từng mắc Covid-19. Tuy nhiên, theo PGS Nguyễn Huy Nga, Việt Nam sắp đón Tết Nguyên đán, nhu cầu di chuyển nhiều.

Do đó, cần cảnh giác, có ý thức bảo vệ sức khỏe như đeo khẩu trang khi ra ngoài. Đây là biện pháp giúp không chỉ phòng Covid-19, mà còn nhiều bệnh hô hấp khác khi mùa đông đến. Đặc biệt, người già, người miễn dịch yếu, có bệnh nền cần hạn chế đi lại.

Tiềm ẩn nguy cơ bùng phát

Trong ngày 31/12/2022, có 4.513 liều vắc-xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc-xin đã được tiêm là 265.498.695 liều. Trong đó, số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 223.216.536 liều: Mũi 1 là 71.081.024 liều; Mũi 2 là 68.692.120 liều; Mũi bổ sung là 14.492.825 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 51.669.901 liều; Mũi nhắc lại lần 2 là 17.280.666 liều.

Số liều tiêm cho trẻ từ 12 - 17 tuổi là 23.861.302 liều: Mũi 1 là 9.127.071 liều; Mũi 2 là 8.955.598 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 5.778.633 liều. Số liều tiêm cho trẻ từ 5 - 11 tuổi là 18.420.857 liều: Mũi 1 là 10.240.097 liều; Mũi 2 là 8.180.760 liều.

Theo Bộ Y tế, tình hình dịch bệnh Covid-19 ở các địa phương tiếp tục được kiểm soát, chiến dịch tiêm chủng đã đạt kết quả khả quan. Tỷ lệ bao phủ vắc-xin của nước ta đã ở mức rất cao và là một trong những biện pháp hiệu quả nhất, có ý nghĩa chiến lược trong phòng, chống dịch bệnh.

Dù dịch bệnh ở các địa phương được kiểm soát, Bộ Y tế dự báo tình hình sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp thời gian tới, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các làn sóng dịch bệnh do biến thể mới. Giai đoạn giao mùa tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các bệnh dịch đường hô hấp, dẫn đến nguy cơ dịch chồng dịch.

Bên cạnh đó, sự xuất hiện, tiến hóa của các biến thể mới dẫn đến khả năng miễn dịch của cơ thể giảm theo thời gian. Điều đó cũng gây khó khăn cho quá trình dự báo xu hướng dịch. Đồng thời, sự vào cuộc và tham gia của chính quyền và các ban ngành các cấp ở một số địa phương đã giảm đáng kể, không còn quyết liệt như giai đoạn đầu. Tâm lý chủ quan, lơ là phòng dịch cũng như tiêm chủng trong xã hội cũng đang xuất hiện. Những yếu tố này cũng có thể làm tăng nguy cơ bùng phát dịch ở nước ta.

Vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh việc kiểm soát tốt hơn dịch Covid-19 và các loại dịch bệnh khác, không để dịch chồng dịch. Đồng thời, khắc phục các vấn đề liên quan tới thuốc, vật tư, trang thiết bị, nhân lực y tế. Bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Cung ứng các điều kiện cần thiết để bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Thực hiện nghị quyết ngày 11/10/2021 của Chính phủ về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, Ban Chỉ đạo Quốc gia và các tiểu ban, các bộ, cơ quan, địa phương đã quyết liệt chỉ đạo công tác phòng, chống dịch, bảo đảm an sinh xã hội, triển khai phân bổ nguồn vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, cung ứng đủ vắc-xin và đẩy mạnh tiêm chủng phòng Covid-19, nhất là cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi.

Đẩy mạnh tuyên truyền thông điệp “2K (Khẩu trang, Khử khuẩn) + vắc-xin + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp khác để phòng chống dịch Covid-19 trong tình hình mới...

Trên thế giới, theo công bố của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), số ca tử vong do Covid-19 hằng tuần hiện chỉ bằng khoảng 1/5 so với một năm trước, nhưng vẫn còn ở mức cao. Một số nước vẫn phát hiện hàng nghìn ca mắc mới mỗi ngày.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ