Dự án xây dựng nghĩa trang nhân dân TP Sơn La: Làm thui chột những ý tưởng sáng tạo

GD&TĐ - Tại Hội nghị quán triệt đề cương tuyên truyền về đề án Quy hoạch Nghĩa trang nhân dân thành phố Sơn La chiều 4/12 do Trường Đại học Tây Bắc tổ chức, hầu hết cán bộ, giảng viên, học sinh sinh viên nhà trường đều thể hiện rõ quan điểm không nhất trí với việc Sơn La xây dựng nghĩa trang nhân dân thành phố ở khu vực hiện tại.  

Đông đảo cán bộ, giảng viên, sinh viên Trường ĐH Tây Bắc tha thiết đề nghị các sở, ngành và tỉnh cần xem xét lại vị trí đặt nghĩa trang
Đông đảo cán bộ, giảng viên, sinh viên Trường ĐH Tây Bắc tha thiết đề nghị các sở, ngành và tỉnh cần xem xét lại vị trí đặt nghĩa trang

Không bao giờ!

Dự hội nghị có đại diện Ban Tuyên giáo tỉnh uỷ, Sở Xây dựng Sơn La cùng toàn thể cán bộ, giáo viên, đại diện sinh viên và Hội Cựu giáo chức Trường Đại học Tây Bắc.

Thêm một lần ông Phan Minh Châu - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Sơn La khẳng định, vị trí quy hoạch nghĩa trang không thuộc đô thị cho dù khu vực này được bao bọc bởi 3 đơn vị hành chính cấp xã, phường thuộc thành phố Sơn La.

“Theo luật quy định, đô thị là nơi tập trung đông dân cư sinh sống, có mật độ cao và chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực kinh tế và là trung tâm chính trị hành chính kinh tế, văn hóa… bao gồm nội thành, ngoại thành của thành phố, nội thị, ngoại thị của thị xã. Đô thị không thể được hiểu cứ phường là đô thị, mà ở đây chúng ta phải hiểu là đất đai để phát triển quy hoạch là ranh giới để phát triển đô thị” - ông Châu nói.

Tại hội nghị, 17 ý kiến của các cán bộ, giảng viên, sinh viên nhà trường đều có chung một thông điệp: Đề nghị các sở, ngành và tỉnh xem xét lại; nên xây nghĩa trang và lò hỏa táng ở nơi khác, bởi khu vực Phiêng Khá, bản Buổn liền kề với ranh giới Trường ĐH Tây Bắc. Ngoài lo ngại về ô nhiễm nước thải, khí thải, rất có thể sẽ ảnh hưởng về tâm lý, văn hóa.

TS Đỗ Hồng Đức, Trưởng phòng Đào tạo Đại học chia sẻ: “Nếu nghĩa trang và lò hỏa táng đã được đặt ở vị trí đó từ trước thì Trường ĐH Tây Bắc có được quy hoạch tại địa điểm này không? Có ai chọn quy hoạch một trường đại học cạnh một cái nghĩa trang và lò hỏa táng không? Và tôi tin rằng sẽ có rất nhiều ý kiến trả lời là “không bao giờ”.

Vậy thì chúng ta đặt ngược vấn đề lại là Trường ĐH Tây Bắc đã được quy hoạch sẵn ở đây với tầm nhìn lâu dài cho sự phát triển văn hóa GD thì có nên xây dựng một cái nghĩa trang và lò hỏa táng bên cạnh không?”.

Ảnh vệ tinh do Đại học Tây Bắc cung cấp cho thấy, khoảng cách từ Tiểu đoàn 1 và Khu K4, TP Sơn La (phần đánh dấu) cách vị trí quy hoạch xây dựng nghĩa trang (màu trắng, hình con cua) chỉ khoảng 186 m
Ảnh vệ tinh do Đại học Tây Bắc cung cấp cho thấy, khoảng cách từ Tiểu đoàn 1 và Khu K4, TP Sơn La (phần đánh dấu) cách vị trí quy hoạch xây dựng nghĩa trang (màu trắng, hình con cua) chỉ khoảng 186 m 

Đối xử không công bằng

NGƯT.TS Vũ Tiến Dũng, Trưởng khoa Giáo dục Mầm non, Trường Đại học Tây Bắc cho rằng, việc triển khai quy hoạch, xây dựng một dự án lớn như nghĩa trang nhân dân ngay liền kề Trường Đại học Tây Bắc mà không thông tin rộng rãi, hoặc không lấy ý kiến của các bên liên quan, lân cận là không thỏa đáng.

PGS.TS Bùi Thanh Hoa - Trưởng khoa Ngữ Văn, bộc bạch: “Tôi đồng cảm với ý kiến của thầy Dũng là sau khi dự hội nghị ngày 27/11, chúng tôi không dạy học được nữa, rất nhiều đồng nghiệp không ngủ được nữa. Những tổn hại ấy chúng ta không đo được bằng những thước đo cụ thể nhưng ảnh hưởng đến tinh thần, ý chí, tâm huyết của chúng tôi - những giảng viên đã vượt qua quá nhiều khó khăn để có được ngày hôm nay... Cái buồn nhất, cái làm cho chúng tôi bức xúc và uất ức nhất đó là, với góc độ một người làm việc trí thức, chúng tôi nhận thấy mình được đối xử không công bằng. Cái ảnh hưởng đến cảm xúc này, ý chí này, quyết tâm này, tôi tin rằng 5, 10, 20 năm nữa nếu dự án được triển khai thì chúng tôi vẫn có những đau khổ như thế và bao nhiêu người sẽ trụ lại được ở đây?”.

Phát biểu kết luận hội nghị, NGƯT.TS Đinh Thanh Tâm, Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Bắc bày tỏ mong muốn đại diện các sở, ngành của tỉnh Sơn La sẽ tiếp thu ý kiến của cán bộ, công chức, viên chức và sinh viên nhà trường, báo cáo với các cấp có thẩm quyền xem xét, cân nhắc trước khi quyết định vị trí xây dựng nghĩa trang nhân dân TP Sơn La. 

NGND.TS Nguyễn Văn Bao, nguyên Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Bắc cho hay: “Nghĩa trang và nơi đặt lò hỏa thiêu bao giờ cũng là biểu trưng cho sự chết chóc, sự tàn tạ, thậm chí là bi thương. Vậy cái bi thương này có giúp cho trung tâm thành phố với hàng trăm nghìn dân cư của TP Sơn La này an tâm không? Tôi nghĩ chắc chắn sẽ ảnh hưởng, các em thường ngày phải nhìn thấy cảnh tượng đó thì sẽ làm thui chột đi những suy nghĩ sáng tạo, cũng như khát vọng sống, khát vọng cống hiến. Cho nên tôi nghĩ về mặt tinh thần cũng không nên đặt ở đó”.

“Em được biết thông tin dự án nghĩa trang qua mạng Internet. Em không phản đối mà tôn trọng, chấp hành chủ trương của tỉnh Sơn La. Nghe báo cáo của Sở Xây dựng thấy khoảng cách xây dựng nghĩa trang đến Trường ĐH Tây Bắc là quá gần. Nghĩa trang là nơi chôn người, chúng em sợ. Bố trí ở khu ký túc xá rất gần khoảng cách xây nghĩa trang nên theo tâm linh chúng em rất sợ” - sinh viên Sy Vụi Bun Phăn - K57 Đại học Giáo dục Chính trị B, Phó Trưởng ban Đại diện Lưu học sinh Lào cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.