Nghe học viên trình bày những gì đã và đang tiến hành, cô Tricia Roesler - Chuyên gia cao cấp về GD ĐH của ĐH Queensland (Australia) rất hài lòng nhận định đây là hướng đi chủ động để chuẩn bị cho bước tự chủ ĐH.
Nguồn thu còn nhiều hạn chế
PGS.TS Nguyễn Triệu Sơn đưa ra các phân tích về thực trạng, điểm mạnh, điểm yếu, thách thức, cơ hội của Trường ĐH Tây Bắc. Trong đó, bức tranh về tài chính có một số điểm đáng chú ý: Trường Đại học Tây Bắc là đơn vị sự nghiệp công lập, nguồn tài chính cho hoạt động của trường được hình thành từ ngân sách Nhà nước cấp và thu học phí, lệ phí và thu hoạt động sự nghiệp. Trong thời gian gần đây, số lượng sinh viên giảm dẫn đến nguồn thu từ học phí giảm theo.
Khả năng phát triển nguồn tài chính của nhà trường còn hạn chế, chủ yếu dựa vào nguồn tài chính từ ngân sách Nhà nước, học phí thu được từ đào tạo đại học hệ vừa làm vừa học, một phần từ nguồn đào tạo đại học hệ chính quy. Nguồn thu từ hoạt động khoa học và công nghệ thấp; chất lượng nghiên cứu chưa đồng đều, ít sản phẩm có tính thương mại hóa, chưa có bằng phát minh sáng chế, quy trình công nghệ được bảo hộ sở hữu trí tuệ. Số giảng viên tham gia nghiên cứu khoa học có công trình công bố, có sản phẩm ứng dụng chiếm tỷ lệ thấp.
Về các thách thức đối với nhà trường, PGS.TS Nguyễn Triệu Sơn cho biết: Yêu cầu của xã hội về chất lượng nguồn nhân lực ngày càng cao, đa dạng về ngành nghề đào tạo. Đòi hỏi nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, khẳng định uy tín của trường đại học ở khu vực Tây Bắc. Đòi hỏi chất lượng tuyển sinh; tăng cơ hội việc làm phù hợp với ngành đào tạo của người học sau khi tốt nghiệp. Đòi hỏi về tự chủ đại học dẫn tới nguồn ngân sách Nhà nước đầu tư cho nhà trường ngày càng giảm. Bên cạnh đó, xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, sự cạnh tranh giữa các trường đại học ngày càng gay gắt.
Ổn định nguồn tài chính, từng bước tự chủ
Trong thời gian chuẩn bị để tiến hành dự án ứng dụng của mình, PGS.TS Nguyễn Triệu Sơn cũng đồng thời được giao làm Trưởng nhóm phụ trách tham gia vào việc điều chỉnh bổ sung kế hoạch chiến lược của nhà trường. Trong giai đoạn 2018 - 2023, tầm nhìn đến năm 2030. Nội dung dự án về phát triển nguồn tài chính đã được đưa vào kế hoạch chiến lược tổng thể của nhà trường.
Dựa trên phân tích trên, Trường ĐH Tây Bắc xác định mục tiêu là ổn định nguồn tài chính, từng bước tự chủ, đồng thời đảm bảo phục vụ cho các hoạt động của nhà trường. Các giải pháp được đưa ra: Đa dạng hóa các nguồn tài chính, đảm bảo tính ổn định: Ngoài nguồn thu từ ngân sách Nhà nước, nguồn thu từ học phí, lệ phí, tăng thêm nguồn thu từ khoa học công nghệ, chuyển giao công nghệ và các nguồn thu từ các dịch vụ khác.
Để quản lý sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính, nhà trường sẽ xây dựng bộ quy định về công tác lập kế hoạch, phân bổ, sử dụng các nguồn thu nhằm đảm bảo các mục tiêu hoạt động của nhà trường; Xây dựng bộ quy định về thanh toán, thủ tục thanh toán chi thường xuyên; Phân bổ hợp lý các nguồn thu nhằm đảm bảo các mục tiêu cho hoạt động của trường, nâng cao thu nhập cho giảng viên và cán bộ, công chức.
Bên cạnh đó tăng cường chi cho các hoạt động nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ. Hoàn thành dự án đầu tư xây dựng hoàn thiện Trường ĐH Tây Bắc. Tăng tần suất sử dụng tài sản của nhà trường. Chú trọng việc sử dụng tiết kiệm các dịch vụ công cộng, tiền điện, nước, hội thảo, hội nghị… Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động tài chính.
Theo PGS.TS Nguyễn Triệu Sơn, Trường ĐH Tây Bắc sẽ từng bước thực hiện tự chủ theo lộ trình chung, trong đó giai đoạn từ 2018 - 2013 bước đầu xây dựng quy định tự chủ ở các đơn vị và thí điểm giao cho một số đơn vị tự chủ như lập đề án thiết lập cơ chế tự thu, tự chi cho khu nội trú; lập đề án sử dụng khu thực nghiệm, nhà ăn, các khu dịch vụ khác đảm bảo phục vụ công tác đào tạo, nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh có đóng góp kinh phí về nhà trường hằng năm…
“Hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng tạo cũng chính là cơ hội để huy động các nguồn lực tài chính, mở rộng hợp tác, liên kết trong nước và quốc tế, thu hút đội ngũ có trình độ cao tham gia vào quá trình đào tạo, nghiên cứu khoa học”. PGS.TS Nguyễn Triệu Sơn |
Kinh nghiệm: Đoàn kết nội bộ, mở rộng hợp tác
PGS.TS Nguyễn Triệu Sơn phấn khởi cho biết, việc đa dạng hóa nguồn thu trong đó có tuyển sinh, thúc đẩy việc đào tạo bồi dưỡng ngắn hạn (các khóa học bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng) đã cho ra kết quả rất khả quan. Trong mấy tháng vừa qua, trường đã bồi dưỡng ngắn hạn cho hơn 2.000 học viên. Cùng đó, mở được 2 ngành mới là Quản lý tài nguyên rừng và Quản lý Du lịch và Lữ hành. Hiện trường đang chuẩn bị hồ sơ để mở thêm 4 ngành dựa trên nhu cầu của thực tiễn của vùng Tây Bắc và nhu cầu của đối tượng là học sinh, sinh viên vùng Tây Bắc.
Từ kinh nghiệm triển khai dự án, PGS Nguyễn Triệu Sơn cho rằng để thực hiện đổi mới thành công, điều quan trọng nhất là sự đoàn kết, hợp tác. Trong nhà trường các cán bộ, giảng viên, sinh viên cùng biết được các thách thức để phát triển một trường ĐH, từ đó cùng trao đổi, thảo luận để tìm cách tháo gỡ.
Còn ở bên ngoài, trường cần có sự hợp tác sâu rộng. Việc công bố kế hoạch chiến lược rộng rãi của trường sẽ giúp cộng đồng các trường, các đơn vị cùng khu vực có sự liên quan đến kế hoạch chiến lược của Trường ĐH Tây Bắc có thể nắm bắt được xu hướng phát triển để hợp tác với nhau, từ đó nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển nguồn tài chính cho trường.