“Bổ”dự án thành nhiều gói thầu?
Như đã nói ở các số báo trước, ngân sách Nhà nước, ngân sách tỉnh Thái Nguyên và các nguồn vốn khác trong những năm qua đã đầu tư hàng trăm tỉ đồng để xây dựng các khu TĐC, khu dân cư tập trung. Mục tiêu là giúp người dân vùng thiên tai, vùng núi khó khăn có chỗ ở ổn định, thoát khỏi sự đe dọa về tài sản, tính mạng đến từ thiên nhiên. Các khu TĐC khi lập đề án được kỳ vọng là sẽ giúp thay đổi, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Thực tế, cho thấy người dân Thái Nguyên thụ hưởng dự án từ chính sách mang ý nghĩa, chiến lược dân sinh tầm quốc gia kỳ vọng bao nhiêu khi dự án phôi thai thì họ thất vọng bấy nhiêu khi nó thành hình hài. Người dân vẫn phải đối diện với cái nghèo, với những thiếu thốn, những công trình, hạng mục nằm “đắp chiếu”, hoen gỉ.
Câu chuyện tồn đọng về sự lãng phí, kém hiệu quả….tại các dự án TĐC tới đây sẽ được cơ quan hữu trách tỉnh Thái Nguyên kiểm tra. Và nếu UBND tỉnh Thái Nguyên làm nghiêm túc, trách nhiệm trước số tiền đầu tư khổng lồ từ ngân sách thì chắc chắn phải có đơn vị, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm.
Vậy Chi cục Phát triển nông thôn Thái Nguyên (Chi cục PTNT, chủ đầu tư các dự án) quản lý sử dụng vốn đầu tư công như thế nào? Tiết kiệm được cho ngân sách ra sao? Có hay không “lợi ích nhóm” thông qua hoạt động đấu thầu lựa chọn nhà thầu thực hiện dự án?
Điều tra của GĐ&TĐ cho thấy trong giai đoạn 2017- 2018, Chi cục PTNT Thái Nguyên với vai trò chủ đầu tư thực hiện hiện lựa chọn nhà thầu cho các hạng mục đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, ổn định dân cư tại các xã Phúc Tân, Lục Ba, Vạn Thọ, Tân Thái, Bình Thuận.
Đây là các hạng mục thuộc dự án đầu tư tổng thể bố trí, ổn định dân cư vùng bán ngập hồ Núi Cốc được UBND tỉnh Thái Nguyên phê duyệt với tổng vốn đầu tư hàng trăm tỉ đồng. Dự án trên đã được Chi cục PTNT Thái Nguyên “bổ” ra thành nhiều gói thầu nhỏ.
Quá trình đấu thầu, lựa chọn nhà thầu cho các công trình dự án này tiết kiệm được rất ít cho tiền đầu tư. Có dấu hiệu bất thường khi có hàng chục gói thầu nhà thầu trúng sát giá mặc dù là “đấu thầu rộng rãi”.
Tại gói thầu số 01- xây lắp đường giao thông công trình nâng cấp mở rộng đường liên xã Bình Thuận đi xã Mỹ Yên kết nối từ đường tỉnh ĐT.261 đi tỉnh lộ ĐT.263B xã Bình Thuận huyện Đại Từ, xác minh cho thấy, sau khi tổ chức đấu thầu, ngày 17/7/2018, Chi cục PTNT Thái Nguyên có quyết định số 176/QĐ-CCPTNT phê duyệt Công ty TNHH xây dựng Trường Giang trúng thầu với giá hơn 3.638.165.000 đồng.
Giá mời thầu trước đó được Chi cục PTNT Thái Nguyên đưa ra là 3.640.732.505 đồng. Như vậy qua đấu thầu, gói thầu này Chi cục PTNT Thái Nguyên chỉ tiết kiệm được cho đầu tư công vẻn vẹn trên 2 triệu đồng.
|
“Phần nổi” của tảng băng trôi
Cũng thuộc dự án trên, ở gói thầu xây lắp công trình nhà văn hóa xã Bình Thuận (huyện Đại Từ), Công ty Cổ phần Xây dựng Đức Thu (tổ 10, phường Tân Thịnh, TP Thái Nguyên) trúng thầu với giá 3.022.735.000 đồng. Giá mới thầu của gói thầu là 3.027.172.191đồng. Như vậy tại công trình Nhà văn hóa xã Bình Thuận, qua tổ chức đấu thầu Chi cục PTNT Thái Nguyên chỉ tiết kiệm được cho đầu tư ngân sách hơn 5 triệu đồng.
Khi lập dự toán cho việc xây dựng công trình nâng cấp, mở rộng đường bê tông liên xóm ĐT 261 đi xóm Thành Lập (xã Lục Ba, huyện Đại Từ) thuộc dự án: Đầu tư tổng thể bố trí, ổn định dân cư vùng bán ngập Hồ Núi Cốc thì giá dự toán được Chi cục PTNT Thái Nguyên xây dựng giá dự toán là 6.817.326.536đồng; Giá gói thầu là 6.691.561.601 đồng.
Ngày 05/7/2018, Chi cục PTNT Thái Nguyên có Quyết định số 148/QĐ-CCPTNT lựa chọn Công ty Cổ phần Xây dựng giao thông II Thái Nguyên là đơn vị trúng thầu với mức giá 6.807.913.016 đồng.
Mức giá trên là cao hơn giá gói thầu do chủ đầu tư đưa ra (nằm trong sự cho phép của giá dự toán). Như vậy so với giá dự toán gói thầu gần 7 tỉ đồng này Chi cục PTNT Thái Nguyên chỉ tiết kiệm cho vốn đầu tư ngân sách chưa tới 10 triệu đồng.
|
Điều tra của Báo GD&TĐ cho thấy tình trạng này tiếp tục lặp lại ở công trình đường từ xóm 10, xã Vạn Thọ, huyện Đại Từ (đoạn KM 1+ 816- Km3 + 894,34) thuộc dự án trên. Ngày 16/7/2018, Chi cục PTNT Thái Nguyên có Quyết định 169/QĐ-CCPTNT lựa chọn Doanh nghiệp tư nhân Duy Tùng trúng thầu với giá 10.277.306.582đồng, chỉ tiết kiệm cho ngân sách hơn 10 triệu đồng (giá mời thầu đưa ra là10.287.398.631 đồng)…
Để bảo đảm tính công khai, minh bạch, đạt hiệu quả, tiết kiệm tối đa cho tiền đầu tư ngân sách, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn có liên quan đã quy định rất chặt chẽ. Ở các dự án TĐC tại Thái Nguyên việc tuân thủ các quy định về đấu thầu khi thực hiện các dự án diễn ra như thế nào? Vì sao liên tiếp xuất hiện các gói thầu tiền tỉ có tỉ lệ tiết kiệm cực thấp? Ai, tổ chức nào hưởng lợi (nếu có) từ các gói thầu tiết kiệm thấp này? Hiệu quả, chất lượng ra sao? Đó là các vấn đề mà dư luận người dân tại Thái Nguyên mong muốn cơ quan thanh kiểm tra, kiểm toán làm rõ.