“Điểm chết” tại các dự án
Thực hiện chức năng giám sát, cuối tháng 4/2019, HĐND tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức đoàn khảo sát về tính hiệu quả trong hoạt động của các dự án bố trí dân cư theo hình thức TĐC tập trung thuộc Chương trình bố trí dân cư các vùng thường xảy ra thiên tai, vùng đặc biệt khó khăn tại Thái Nguyên.
Báo cáo số 49/BC-ĐKS (ngày 23/4/2019) do Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Thái Nguyên, Nguyễn Khắc Lâm ký, đã chỉ ra một loạt “điểm chết” tại các dự án. Theo đó, tổng vốn đầu tư cho riêng 7 dự án là trên 174 tỷ đồng. Trong đó vốn Trung ương là gần 86 tỷ đồng, ngân sách địa phương là 77,66 tỷ đồng còn lại là các nguồn vốn khác (trong đó có vốn sự nghiệp kinh tế, bố trí dân cư).
Các dự án TĐC cho người dân vùng thiên tai được Chính phủ đặc biệt quan tâm. Ngay từ năm 2006, Chính phủ đã có Quyết định số 193 phê duyệt Chương trình bố trí dân cư các vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo… Đó là chương trình lớn của Nhà nước, mang tính an sinh xã hội rất lớn. Việc sử dụng vốn đầu tư ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương phải tuân thủ tuyệt đối quy định của pháp luật về đầu tư, quản lý vốn. Trong trường hợp lợi dụng dự án, chính sách để trục lợi, làm thất thoát, lãng phí thì tổ chức, cá nhân liên quan phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Điều102, Luật Đầu tư công quy định về quyền và trách nhiệm củachủ chương trình, chủ đầu tư trong quản lý, thực hiệnchương trình, dự án khi mà để xảy ra thất thoát, lãng phí thìtùy theo tính chất, mức độ vi phạmmàbị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự….
Đoàn khảo sát của HĐND tỉnh Thái Nguyên nói rõ: Việc lựa chọn vị trí xây dựng các dự án bố trí dân cư tập trung chưa phù hợp với tập quán, điều kiện sản xuất của người dân. Các dự án mới chỉ tập trung vào việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, bố trí đất xây dựng nhà ở, chưa quan tâm đúng mức tới việc lập phương án sản xuất cho người dân.
Tại văn bản này cũng chỉ rõ: Tại một số khu TĐC tập trung có tình trạng sạt lở, không bảo đảm an toàn để di chuyển các hộ dân đến ở (Khu TĐC Tam Va, xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ; Khu TĐC xã Vạn Thọ, huyện Đại Từ). Việc người dân thiếu nguồn nước sinh hoạt, phối hợp lỏng lẻo giữa các địa phương thụ hưởng với chủ đầu tư cũng được đoàn khảo sát HĐND tỉnh Thái Nguyên chỉ rõ tại báo cáo này.
Trong các ngày 24 - 25/4, Thường trực HĐND tổ chức phiên giải trình về các vấn đề có liên quan. Khi đó, các đại biểu HĐND tỉnh Thái Nguyên đã đề nghị lãnh đạo UBND tỉnh, 6 Ủy viên UBND tỉnh là giám đốc các sở, ban, ngành và thủ trưởng các cơ quan liên quan giải trình.
Ngày 10/5, tại Văn bản số 54/TB-HĐND yêu cầu: UBND tỉnh Thái Nguyên phải đánh giá toàn diện việc triển khai thực hiện các dự án TĐC theo Quyết định 1776/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Xác định rõ tồn tại, hạn chế và xây dựng các giải pháp để từng bước khắc phục.
|
Xử lý, không bao che
Chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước UBND tỉnh Thái Nguyên về bảo toàn, sử dụng nguồn vốn ngân sách có hiệu quả, tránh thất thoát lãng phí trong đầu tư các dự án TĐC ở Thái Nguyên là Chi cục Phát triển nông thôn (thuộc Sở NN&PTNT Thái Nguyên). Chi cục Phát triển nông thôn là chủ đầu tư thực hiện các dự án.
Để làm rõ vấn đề trách nhiệm của chủ đầu tư như thế nào trong trường hợp để xảy ra thất thoát, lãng phí, kém hiệu quả tại các dự án, ngày 19/6, Báo GD&TĐ đã có buổi làm việc với ông Phạm Văn Sỹ - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thái Nguyên (ông Sỹ mới được điều chuyển từ Huyện ủy Đồng Hỷ về làm Giám đốc Sở NN&PTNT Thái Nguyên thay ông Ngô Xuân Hải vào cuối tháng 8/2018). Tại buổi làm việc, Giám đốc Sở NN&PTNT Thái Nguyên nêu quan điểm rõ ràng rằng: Cần phải nhìn thẳng sự thật, giải quyết tích cực, cái gì giải quyết được là phải làm ngay, cái gì khó thì khắc phục dần dần. “Nguyên nhân dẫn đến tồn tại ở các dự án TĐC như báo phản ánh phải nói là có sự phối hợp chưa tốt giữa địa phương và chủ đầu tư thực hiện dự án. Ngoài ra còn có nguyên nhân về cơ chế chính sách” - Giám đốc Sở NN&PTNT Thái Nguyên nói.
Ông Sỹ cho biết sẽ tham mưu với UBND tỉnh thành lập tổ công tác gồm đại diện các sở, ngành liên quan và lãnh đạo chính quyền địa phương, kiểm tra rà soát từng dự án và có phương án khắc phục.
Khi Báo GD&TĐ đặt vấn đề: Các dự án đều do Chi cục Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư. Việc thực hiện các dự án đầu tư nói chung, đầu tư công nói riêng phải tuân thủ chặt chẽ theo quy định của pháp luật hiện hành. Khi kiểm tra nếu có sai phạm, có thất thoát, lãng phí tiền đầu tư ngân sách tại các dự án TĐC đã đầu tư thì sẽ xử lý trách nhiệm của chủ đầu tư như thế nào? Ông Phạm Văn Sỹ khẳng định: Sai, thiếu sót ở đâu sẽ xử lý ở đó. Tinh thần là xử lý kiên quyết theo quy định của pháp luật, không bao che.
Được biết, ông Nguyễn Văn Hợp - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Thái Nguyên đang được cho tạm dừng điều hành vì lý do sức khỏe.