Dự án tái định cư “đắp chiếu” ở Thái Nguyên: Tỉnh họp khẩn, chỉ đạo kiểm tra xử lý

GD&TĐ - Liên quan đến các dự án tái định cư (TĐC) ngốn hàng trăm tỉ đồng có dấu hiệu thất thoát, lãng phí như Báo GD&TĐ đã liên tiếp có bài phản ánh, chiều 18/6, ông Dương Văn Lượng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên cho biết, tỉnh đã họp với các đơn vị liên quan để rà soát và xử lý. UBND tỉnh Thái Nguyên cho biết sẽ xem xét trách nhiệm đối với các cơ quan, đơn vị để xảy ra các tồn đọng khi triển khai thực hiện dự án.

Chị Lương Xì bên bên vòi không có nước của dự án
Chị Lương Xì bên bên vòi không có nước của dự án

Mục tiêu lớn của dự án trên 40 tỉ đồng

Đứng trước thực trạng chỉ trong thời gian ngắn (từ năm 2010 đến tháng 6/2016), người dân tại Thái Nguyên phải hứng chịu hậu quả nặng nề về thiên tai (37 người chết, 14 người bị thương, gần 10.000 ngôi nhà bị hư hỏng, hơn 3.000 ngôi nhà bị ngập… tổng thiệt hại về tài sản gần 500 tỉ đồng), việc xây dựng các khu TĐC tập trung là hết sức cấp thiết, mang ý nghĩa dân sinh, xã hội lớn.

Ngoài các khu TĐC ở TP Sông Công, huyện Đại Từ như trước đó Báo GD&TĐ đã phản ánh, tại huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên cũng có quyết định đầu tư dự án hơn 45 tỉ đồng để ổn định đời sống cho gần một trăm hộ dân thuộc xóm Mỏ Nước (xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ).

Điều tra của Báo GD&TĐ cho thấy, tháng 9/2012, UBND tỉnh Thái Nguyên có Quyết định số 2163/QĐ-UBND phê duyệt dự án đầu tư xây dựng khu TĐC tại xóm Tam Va, xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ. Mục tiêu tạo chỗ ở khang trang, hiện đại, an toàn, hợp vệ sinh cho 60 hộ dân vùng thiên tai xã Văn Lăng (trong đó có các hộ dân vùng thiên tai xóm Mỏ Nước, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông).

Theo quyết định được phê duyệt, dự án này có cầu treo, san gạt núi tạo mặt bằng, hệ thống điện, nước, đường nội bộ… Khi dự án đi vào hoạt động sẽ ổn định chỗ ở cho 60 hộ dân với hệ thống hạ tầng, điều kiện sống tốt nhất.

Chi cục Phát triển Nông thôn thuộc Sở NN&PTNT tỉnh Thái Nguyên là chủ đầu tư thực hiện dự án. Nguồn vốn thực hiện từ ngân sách Trung ương và địa phương.

Téc chứa nước để cấp nước đến các hộ dân
  • Téc chứa nước để cấp nước đến các hộ dân

Lời ru buồn ở dự án thiếu đất sản xuất

Vậy dự án được đầu tư và đã hoàn thành giá trị quyết toán 45,349 tỉ đồng này đã phát huy “tác dụng” như thế nào? Nó có giúp người dân ổn định cuộc sống và phát triển kinh tế tốt hơn? Từ trung tâm xã Văn Lăng, phải đi qua 2 chiếc cầu treo và một đập tràn mới vào được xóm Tam Va (nơi xây dựng dự án). Tam Va nằm ở cuối của con đường liên xã, lưng tựa vào núi, im ắng, quạnh hiu.

Ghi nhận của Báo GD&TĐ, cả khu TĐC Tam Va chỉ thấy lác đác một vài trẻ nhỏ quần áo lấm lem chơi bên gốc cây ven đường. Hỏi nhà Trưởng xóm Lý Văn Sì, một thiếu niên người Mông bảo: “Trưởng xóm vào rừng lo cái ăn cho gia đình rồi, chỉ còn trẻ em và người già ở nhà thôi”.

Ngồi thẫn thờ bên gốc cây với cây kim khâu trên tay, chị Lương Xì kể rằng chị không nhớ gia đình chuyển đến khu TĐC này từ bao giờ. Chị Xì cho biết khi chuyển về sống ở Tam Va gia đình chị được Nhà nước hỗ trợ 40 triệu đồng để làm nhà và ổn định cuộc sống. Nhà của chị Xì gồm 3 gian, mái lợp fibro-ximang, sân đất.

Chị Xì bảo: “Nhà mình có 4 miệng ăn, khi về đây ở chỉ được hỗ trợ vỏn vẹn có bấy nhiêu tiền thôi. Mình không có ruộng nương, không có đất sản xuất nên phải đi xin đất để trồng cấy. Không xin được thì mình phải đi làm thuê, hoặc vào rừng tìm cái ăn, nghèo, cực lắm”!

Chị Dương Thị Mai (em dâu trưởng xóm Lý Văn Sì) buồn rầu cho biết, tất cả hộ dân ở khu TĐC này đều không được cấp đất sản xuất. “Đời sống của người dân chúng em cực khổ lắm. Chúng em không đất sản xuất, không công ăn việc làm nên cuộc sống của hơn 40 hộ dân ở đây chẳng biết bấu víu vào đâu. Nước sạch thì họ có xây dựng nhưng nước lắm cặn vôi. Bể lọc nước cho cả khu TĐC bé tí teo và thường xuyên không có nước”, chị Mai buồn rầu nói.

Theo quan sát, khu TĐC Tam Va nghèo nàn với khoảng hơn 40 nóc nhà được xây dựng sơ sài, chắp vá. Cuối khu dự án có hệ thống lọc nước nhưng không có nước dẫn đến trước nhà các hộ dân. Lưng của dự án (phía sát núi) đang xảy ra tình trạng sạt trượt đe dọa đến tính mạng của người dân. Nhiều người dân thường xuyên bỏ nơi TĐC về chỗ ở cũ để sản xuất, tìm cơ hội nuôi sống gia đình. “Nếu cứ ở khu TĐC không đất sản xuất này thì gia đình mình chết đói mất”, một thiếu phụ nói.

Những căn nhà sơ sài của người dân được dựng lên trong khu tái cư Tam Va
  • Những căn nhà sơ sài của người dân được dựng lên trong khu tái cư Tam Va

Chiều 18/6, làm việc với Báo GD&TĐ, ông Hoàng Xuân Trường - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Văn Lăng thừa nhận, hiện tại khu TĐC vẫn chưa được lấp đầy như mục tiêu dự án đề ra. “Nhiều gia đình vẫn lén về nhà cũ để ở và sản xuất. Không có đất sản xuất cấp cho người dân là cái thiếu khó tháo gỡ của dự án, ở đây gần như 100% là hộ nghèo” - ông Trường cho biết.

Chủ tịch UBND xã Văn Lăng thừa nhận tình trạng sạt lở taluy phía sau khu định cư của dự án đang diễn ra, ảnh hưởng đến khoảng 6 lô đất TĐC. “Để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân TĐC, chúng tôi không thể bố trí người dân vào ở khu này được. Xã Văn Lăng chỉ là đơn vị thụ hưởng dự án, việc triển khai, xây dựng các hạng mục là do chủ đầu tư thực hiện. Để khắc phục tình trạng sạt trượt phải tốn tiền tỉ, chúng tôi đang xin cấp trên bố trí vốn để xử lý” - Chủ tịch UBND xã Văn Lăng nói.

Vấn đề được đặt ra là khi lập chủ trương đầu tư, phê duyệt đầu tư, các cơ quan hữu trách tỉnh Thái Nguyên đã không giao đất sản xuất cho người dân TĐC. Từ đó dẫn đến các hệ lụy là người dân nghèo vẫn hoàn nghèo khi đến định cư ở chỗ ở mới.

Xem xét trách nhiệm các cơ quan, đơn vị để xảy ra tồn đọng

Chiều 18/6, ông Dương Văn Lượng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên cho biết, sau khi Báo GD&TĐ phản ánh về những dự án TĐC đắp chiếu trên địa bàn, ông đã chủ trì cuộc họp (ngày 14/6) với các đơn vị liên quan để rà soát và xử lý. Cụ thể là có đại diện các sở ngành, chính quyền địa phương nơi có các dự án TĐC. Trả lời câu hỏi về việc UBND tỉnh Thái Nguyên sẽ xử lý như thế nào đối với các đơn vị liên quan trong việc để xảy ra các tồn đọng tại các khu TĐC, có dấu hiệu làm thất thoát, lãng phí vốn đầu tư công, hiệu quả thấp? Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên cho biết, sẽ kiểm tra, xem xét, nội dung được công khai trên cổng thông tin điện tử của tỉnh trong một hai ngày tới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

GD&TĐ - Gã thuộc mẫu người hướng ngoại: Ưa bay nhảy, thích gặp gỡ kết giao, trà dư tửu hậu với bạn bè hơn đoàn tụ chuyện trò cùng anh em, cha mẹ, vợ con.