Dự án sử dụng 500 ha đất lúa phải báo cáo Quốc hội

Dự án sử dụng 500 ha đất lúa phải báo cáo Quốc hội

Nâng vốn đầu tư công trình trọng điểm quốc gia lên 35.000 tỷ đồng

Theo Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, sau gần 4 năm thực hiện Nghị quyết số 66/2006/QH11 về dự án, công trình quan trọng quốc gia trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, Quốc hội đã quyết định chủ trương đầu tư đối với 2 dự án và điều chỉnh 2 dự án, tại Kỳ họp thứ bảy này Quốc hội sẽ xem xét để quyết định chủ trương đầu tư dự án đường sắt cao tốc Hà Nội – TP Hồ Chí Minh.

Tới đây sẽ có nhiều dự án, công trình quan trọng với quy mô lớn đầu tư tại Việt Nam và đầu tư ra nước ngoài cần trình Quốc hội quyết định, trong khi đó Nghị quyết hiện hành chỉ áp dụng đối với các dự án, công trình đầu tư trong nước; một số tiêu chí để xác định dự án phải trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư không còn phù hợp với thực tế ví dụ: mức vốn đầu tư được xác định theo thời giá năm 2006; một số tiêu chí khác qua thực tế áp dụng cho thấy chưa được quy định rõ ràng.

Vì vậy, Uỷ ban Kinh tế tán thành với sự cần thiết nêu trong Tờ trình Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số quy định của Nghị quyết số 66/2006/QH11 để phù hợp với tình hình mới và để đồng bộ với hệ thống pháp luật về đầu tư sử dụng vốn nhà nước đang được hoàn thiện.

Dự án sử dụng 500 ha đất lúa phải báo cáo Quốc hội ảnh 1
Ý kiến chung trong Ủy ban Kinh tế đồng ý với loại ý kiến nâng tiêu chí quy mô vốn đầu tư đối với dự án, công trình trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư lên 35.000 tỷ đồng, vì việc quy định về vốn đầu tư tại Nghị quyết số 66/2006/QH11 được tính theo thời giá năm 2006 không phù hợp thực tiễn hiện nay.

Về việc điều chỉnh nâng tiêu chí quy mô tổng vốn đầu tư từ 20.000 tỷ đồng lên 35.000 tỷ đồng đối với dự án đầu tư trong nước. Đa số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế cho rằng, thực tế áp dụng Nghị quyết số 66/2006/QH11 trong thời gian qua cho thấy các dự án, công trình quan trọng trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư có quy mô vốn ngày càng lớn, cụ thể dự án thủy điện Lai Châu có tổng vốn đầu tư khoảng 32.600 tỷ đồng (theo mặt bằng giá quý II năm 2008); dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận có tổng vốn đầu tư khoảng 200.000 tỷ đồng (tại thời điểm lập dự án quý IV năm 2008); dự án đường sắt cao tốc Hà Nội – Tp. Hồ Chí Minh có tổng vốn đầu tư 1.066.792 tỷ đồng (khoảng 55,85 tỷ USD). Mặt khác, nếu tính đến yếu tố trượt giá thì càng thấy rằng quy định hiện hành về tiêu chí quy mô vốn đầu tư là không phù hợp.

Do vậy, ý kiến chung trong Ủy ban Kinh tế đồng ý với loại ý kiến nâng tiêu chí quy mô vốn đầu tư đối với dự án, công trình trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư lên 35.000 tỷ đồng, vì việc quy định về vốn đầu tư tại Nghị quyết số 66/2006/QH11 được tính theo thời giá năm 2006 không phù hợp thực tiễn hiện nay.

Dự án sử dụng 500 ha đất lúa phải báo cáo Quốc hội

Về tiêu chí dự án, công trình có ảnh hưởng lớn đến môi trường hoặc tiềm ẩn khả năng ảnh hưởng đến môi trường, cụ thể là tiêu chí sử dụng đất rừng (điểm 1.2, khoản 1), đa số ý kiến tán thành với quy định về phân loại cụ thể đất rừng và bổ sung một số loại đất rừng (mục b, điểm 1.2, khoản 1, Điều 3) nhưng vẫn giữ giới hạn định lượng về diện tích yêu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng như Nghị quyết số 66/2006/QH11, tuy nhiên đề nghị cần có đánh giá việc áp dụng các tiêu chí này trong thời gian qua có những khó khăn, vướng mắc gì để có cơ sở xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế.

Có ý kiến đề nghị cần cân nhắc lại quy định về sử dụng đất rừng sản xuất để trồng cây cao su vì khi hiệu quả thấp thì một diện tích rừng khá lớn bị phá vỡ.

Một số ý kiến đề nghị bổ sung tiêu chí các dự án, công trình sử dụng đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên với quy mô lớn vì trong thực tế đã và sẽ có những dự án, công trình sử dụng nhiều diện tích đất trồng lúa, có nhiều tác động đến phát triển kinh tế - xã hội của vùng dự án và mục tiêu bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Có ý kiến đề nghị, dự án công trình sử dụng từ 500 ha trở lên đất trồng lúa hai vụ phải báo cáo Quốc hội.

Đa số ý kiến tán thành bổ sung tiêu chí về danh lam thắng cảnh được xếp hạng quốc gia và đồng ý giao Chính phủ quy định tiêu chí cụ thể xác định địa bàn đặc biệt quan trọng đối với quốc gia về quốc phòng, an ninh tại điểm 1.4, khoản 1, Điều 3.

Phải báo cáo Quốc hội khi vốn đầu tư công trình trọng điểm tăng thêm 10%

Về phát sinh tăng vốn đầu tư, kéo dài thời gian thực hiện dự án phải báo cáo Quốc hội (khoản 4, Điều 7), Dự thảo Nghị quyết quy định: “… Khi có thay đổi mục tiêu, phát sinh tăng vốn đầu tư trên hai mươi phần trăm (20%), kéo dài thời gian thực hiện dự án, công trình quan trọng từ một năm trở lên, Chính phủ phải báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất để xem xét, quyết định”.

Qua thảo luận, nhiều ý kiến đồng ý bổ sung quy định cụ thể, rõ hơn tại khoản 4, Điều 6 trường hợp dự án, công trình kéo dài thời gian từ một năm trở lên phải báo cáo Quốc hội vì thực tế hiện nay, một số dự án, công trình đầu tư quan trọng quốc gia đã và đang kéo dài tiến độ thực hiện do nhiều nguyên nhân khác nhau, cần báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định nhưng do chưa có quy định cụ thể về thời gian nên thường lồng ghép vào báo cáo thực hiện dự án vào kỳ họp cuối năm. Mặt khác, việc bổ sung quy định này sẽ là cơ sở để các cơ quan của Quốc hội giám sát tiến độ thực hiện dự án đầu tư và nâng cao trách nhiệm của chủ đầu tư đối với việc triển khai thực hiện dự án, công trình quan trọng quốc gia.

Riêng đối với việc phát sinh tăng vốn đầu tư, nhiều ý kiến cho rằng, quy định khi tăng vốn đầu tư trên hai mươi phần trăm mới trình Quốc hội là không phù hợp, vì mức tăng vốn này là quá lớn đối với các dự án có quy mô đầu tư lớn. Ý kiến chung đề nghị giữ như quy định hiện hành khi phát sinh tăng vốn đầu tư trên mười phần trăm thì phải trình Quốc hội, vì thực tế hàng năm Chính phủ vẫn có trách nhiệm báo cáo Quốc hội tình hình thực hiện dự án đầu tư, trong đó có chỉ tiêu tổng mức đầu tư và khả năng nguồn vốn bảo đảm.

Chiều nay (14/6), Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011.

Quang Anh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ