Mượn danh nhà ở cho người thu nhập thấp?
Năm 2008, lấy lý do là cấp bách, cần thiết phải có khu nhà cho người thu nhập thấp, công nhân ở, Ban quản lý các KCN Vĩnh Phúc xin chủ trương thực hiện dự án cho nhóm đối tượng này. Dự án được UBND tỉnh Vĩnh Phúc chấp thuận và giao cho Công ty cổ phần Đầu tư và Thiết kế xây dựng Việt Nam (nay là Công ty cổ phần Tập đoàn VIDEC) thực hiện. Vị trí xây dựng dự án là ở xã Tiền Phong, huyện Mê Linh (nay thuộc TP Hà Nội) với tổng diện tích hơn 144.000 m2, tổng vốn đầu tư hàng trăm tỉ đồng.
Khi được phê duyệt, dự án đã mang lại sự kỳ vọng cho người thu nhập thấp và công nhân trong khu vực có cơ hội tiếp cận, có chỗ ở ổn định. Tuy nhiên, đến nay nhà thu nhập thấp cho người dân không thấy đâu mà chỉ thấy chủ đầu tư phân lô nhà liền kề, biệt thự để bán nền dưới dạng huy động vốn.
Dự án “đóng băng”, người thu nhập thấp, công nhân lao động không có cơ hội tiếp cận, hưởng lợi từ dự án mang ý nghĩa xã hội này đã gây bức xúc trong dư luận.
Anh Nguyễn Văn Việt (Mê Linh, Hà Nội) bức xúc: “Dự án có từ khi người dân huyện Mê Linh chúng tôi chưa nhập về Hà Nội. Chúng tôi đã kỳ vọng vào dự án, nhưng đến nay hàng chục năm trời, nhưng có căn nhà xã hội, thu nhập thấp nào được xây dựng đâu? Họ lợi dụng cái vỏ bọc là dự án cho người thu nhập thấp, cho công nhân lao động để trục lợi chính sách, để lấy đất rồi phân lô bán nền” - anh Việt nói.
Trong tổng diện tích được giao, dự án cho người thu nhập thấp The Diamond Park có tới hơn 100 lô đất là nhà biệt thự, hơn 200 lô là nhà liền kề… Khu đất dùng làm nhà ở cho người thu nhập thấp chỉ chiếm một phần diện tích hết sức khiêm tốn tại dự án (khoảng 17.000 m2).
Trước các dấu hiệu bất thường này của dự án, cuối tháng 12/2018, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND TP Hà Nội chỉ đạo thanh tra toàn diện đối với dự án này.
Lộ mặt
Kết luận thanh tra số 1795/KL-TTTP (P1) vừa được ông Nguyễn An Huy - Chánh Thanh tra TP Hà Nội ký đã chỉ rõ một loạt sai phạm tại dự án The Diamond Park.
Thanh tra xác định chủ đầu tư dự án đã ký hợp đồng huy động vốn và hợp tác đầu tư… tương ứng 163 căn biệt thự và nhà liền kề, tổng giá trị hợp đồng là gần 314 tỉ đồng. Chủ đầu tư đã thu về gần 170 tỉ đồng.
“Dự án không được lập nhiệm vụ quy hoạch chi tiết 1/500 là vi phạm Thông tư 07/2008TT-BXD về việc hướng dẫn lập, thẩm định và quản lý quy hoạch. Quyết định thu hồi đất, giao đất, thực hiện công tác bồi thường GPMB trước khi có quyết định cho phép đầu tư; Không có biên bản bàn giao mốc giới tại thực địa là không đúng quy định theo Nghị định 02 của Chính phủ. UBND tỉnh Vĩnh Phúc chỉ định chủ đầu tư chưa thực hiện đầy đủ trình tự theo quy định tại Thông tư 04/2006 của Bộ Xây dựng” - Kết luận của Thanh tra TP Hà Nội nêu.
Khi thay đổi nội dung đầu tư dẫn đến nâng tổng mức đầu tư dự án nhưng các sở, ngành tham mưu của tỉnh Vĩnh Phúc không thẩm định lại năng lực tài chính của chủ đầu tư là vi phạm quy định do Chính phủ ban hành. Thanh tra TP Hà Nội cũng chỉ rõ việc UBND tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt giá thu tiền sử dụng đất trước khi GPMB và bàn giao đất thực tế là không phù hợp với quy định tại Điều 4, Nghị định 84/2007 của Chính phủ.
Về việc ưu đãi đầu tư miễn tiền sử dụng đất đối với diện tích xây dựng nhà chung cư tại dự án The Diamond Park được xác định là không đúng với thẩm quyền được quy định theo hướng dẫn của Bộ Tài chính. Sau giai đoạn điều chỉnh địa giới hành chính huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc hợp nhất về TP Hà Nội thì trong công tác GPMB chủ đầu tư đã không công khai, lấy ý kiến của các hộ dân có đất bị thu hồi... Trách nhiệm thuộc về Hội đồng bồi thường GPMB huyện Mê Linh.
Cơ quan hữu trách Hà Nội xác định việc chủ đầu tư dự án The Diamond Park ký 74 hợp đồng huy động vốn trước khi GPMB và chưa xây dựng hạ tầng là vi phạm rất rõ ràng. Thông tư 04/2006 của Bộ Xây dựng quy định rõ: “Việc huy động vốn để đầu tư xây dựng nhà ở trong dự án KĐTM được thực hiện nhiều lần thông qua hợp đồng giữa bên bán và bên mua. Lần đầu chỉ được huy động khi chủ đầu tư đã GPMB và bắt đầu triển khai xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật theo giai đoạn đầu tư…”.
Các sai phạm của chủ đầu tư dự án được giao cho Sở Tài chính, Sở QH&KT, Sở Xây dựng, Sở TN&MT… theo chức năng nhiệm vụ xử lý vi phạm hành chính đối với chủ đầu tư. UBND huyện Mê Linh chỉ được đề nghị… nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc để xảy ra sai phạm, tồn tại trong công tác thu hồi đất, GPMB dự án.