Dự án Nghĩa trang Nhân dân TP Sơn La: Che mắt, bịt tai người dân?

GD&TĐ - Gần một năm nay, nhiều hộ dân kịch liệt phản đối vị trí mà Sơn La lựa chọn để làm Nghĩa trang Nhân dân, lò hỏa táng (Nghĩa trang Sơn La) trong lòng thành phố. Họ kêu cũng nhiều, “đâm đơn” kiến nghị cũng chẳng ít, thế nhưng dường như chính quyền sở tại không những làm ngơ, thậm chí còn tìm biện pháp để “che mắt, bịt tai” bà con(?).

Ông Hà Văn Hồng, bản Giảng Lắc, phường Quyết Thắng bức xúc bởi Sơn La triển khai dự án khi dân chưa được thông qua
Ông Hà Văn Hồng, bản Giảng Lắc, phường Quyết Thắng bức xúc bởi Sơn La triển khai dự án khi dân chưa được thông qua

“Cưỡng bức” tâm tư?

Mấy ngày hôm nay, ông Hà Văn Hồng, Nhóm trưởng nhóm Liên gia tự quản bản Giảng Lắc, phường Quyết Thắng, TP Sơn La rơi vào trạng thái “mất ăn, mất ngủ”. Nhà ông Hồng và hơn 20 hộ gia đình trong nhóm liên gia ở gần vị trí đặt Nghĩa trang Sơn La nhất. Qua nhiều kênh thông tin, các hộ dân ở đây mới biết được chủ trương xây dựng nghĩa trang của tỉnh quá gần khu dân cư nên họ đã phản đối mạnh mẽ. Gửi đơn lên tỉnh mấy ngày, ông Hồng thấy có cán bộ Công an thành phố về “tìm hiểu”, rồi thì các lực lượng khác ở phường về điều tra này nọ khiến ông hết sức bức xúc.

Mới hôm 5/6, ông Hồng thấy có đến 2 đoàn công tác của phường về, mỗi đoàn gồm 3, 4 cán bộ chuyên môn về địa chính, các ban bệ đầy đủ cả về điều tra từng hộ gia đình trong nhóm liên gia xem có đúng các hộ đã đồng thuận với nội dung đơn thư hay không. Song mục đích chủ yếu vẫn là “yêu cầu” dân “rút” đơn.

“Tôi làm đơn gửi văn phòng Tỉnh ủy được khoảng 3 ngày thì họ có công văn phản hồi rằng đã nhận được đơn. Ngay ngày hôm sau đã có chú Khánh, cán bộ Công an thành phố vào để xác minh nội dung đơn thư. Tôi cho chú ấy biết, đơn chỉ có 2 nội dung: Thứ nhất là vấn đề ô nhiễm nguồn nước. Thứ 2 là nguy cơ khói bụi nếu lò hỏa táng hoạt động và dân chúng tôi là những người gần nhất, chịu ảnh hưởng nhiều nhất”, ông Hồng kể lại.

Ông Hồng còn nhớ như in câu chuyện diễn ra cách đây khi cán bộ Công an tên Khánh đến. Theo như lời ông Hồng kể thì chính cán bộ này cũng thừa nhận vị trí đặt nghĩa trang gần khu dân cư. “Hôm đó Khánh vào rồi xem thực tế. Khánh còn nói: “Thế này thì gần thật””, ông Hồng kể tiếp.

Theo như phản ánh, gần đây, cán bộ phường Quyết Thắng, TP Sơn La còn tạo “sức ép” để yêu cầu bà con thu hồi lại những lá đơn mà họ đau đáu hằng đêm để viết lên những tâm tư, nguyện vọng chính đáng với thiết tha đề nghị tỉnh Sơn La lựa chọn vị trí xây dựng nghĩa trang phù hợp hơn.

“Cán bộ địa chính gọi tôi ra rồi nói: Lãnh đạo phường yêu cầu anh rút đơn kiến nghị đi. Nhưng quan điểm của tôi là không được vì đó là tâm tư, nguyện vọng chính đáng của 23 hộ dân chứ không phải của cá nhân tôi. Họ còn cho rằng, chúng tôi gửi đơn vượt cấp, nhưng thực tế nếu có gửi ra phường thì họ cũng chẳng giải quyết được việc gì”, ông Hồng tâm sự.

Khi chưa có đánh giá tác động môi trường, Sơn La đã rầm rộ triển khai một số hạng mục của dự án nghĩa trang
  • Khi chưa có đánh giá tác động môi trường, Sơn La đã rầm rộ triển khai một số hạng mục của dự án nghĩa trang

Sao không tuyên truyền, gặp gỡ dân?

Trước đây, Báo GD&TĐ đã phản ánh về những bức xúc của các hộ dân khi họ cho rằng: Thay vì việc phải tuyên truyền, vận động để “đả” thông tư tưởng cho bà con nhân dân thì Sơn La lại lựa chọn phương án “dằn mặt”. Anh Đèo Văn Sáng, trưởng bản Khoang thuộc xã Chiềng Ngần, TP Sơn La khẳng định gia đình anh cũng như 83 hộ dân (sống rải rác cách nghĩa trang mới khoảng 300m) còn lại ở bản này chưa hề được tham dự bất kỳ cuộc họp nào, nghe phổ biến về chủ trương xây dựng nghĩa trang nhân dân, lò hoả táng để có điều kiện góp ý.

Bản Khoang có 83 hộ dân thì có đến 81 hộ đã kí vào lá đơn phản đối vị trí đặt nghĩa trang. Trong số những người tham gia kí đơn phản đối có hơn chục đảng viên. Chẳng biết thông tin từ đâu “bay” đến cấp uỷ, chính quyền xã Chiềng Ngần mà đơn thư bà con mới soạn còn chưa khô dấu mực và chưa được gửi đi thì ông Bí thư Đảng uỷ Lù Văn Tích và ông Chủ tịch UBND xã Chiềng Ngần, Lò Văn Phúc đã điện “xanh” điện “đỏ” cho bí thư chi bộ bản và trưởng bản Khoang để “dò la” nội dung đơn thư.

Cũng thật trùng hợp, trước đó mấy ngày, anh cán bộ an ninh Sùng Dương thuộc Công an TP Sơn La tăng cường về xã cũng đến “thăm hỏi” bà con, nhân tiện “xin đơn” để có nội dung kịp thời “báo cáo” cấp trên(?).

“Họ gây sức ép rồi đấy! Có thông tin bà con làm đơn, lãnh đạo Đảng uỷ, Ủy ban phường đã gọi điện hỏi là có người từ bên ngoài vào lấy chữ ký của bà con phải không? Nhưng mà có phải đâu, bà con người ta có ý kiến và bà con tự làm đơn đấy chứ. Về hỏi cả bí thư chi bộ bản và trưởng bản theo kiểu dò la. Tôi nghĩ có mối liên quan, họ không muốn cho bà con làm đơn khiếu nại”, anh Sáng tâm sự.

“Quan điểm của Đảng và Nhà nước rất rõ: “Dân biết, dân bàn, dân làm và dân kiểm tra”. Nó là một cái chủ trương lớn của tỉnh, nhưng làm không đúng. Các ông ý có họp dân đâu? Có lấy ý kiến của dân đâu thế mà đã cho máy móc vào làm đường sá hết rồi. Điều này là vi phạm quy trình xây dựng. Thứ 2 nữa là không tôn trọng ý kiến của nhân dân”, ông Đoàn Hùng Tuyến, thương binh 4/4, hội viên Hội Cựu giáo chức Trường Đại học Tây Bắc gay gắt.

Dự án Nghĩa trang Sơn La được điều chỉnh theo Quyết định 3107/QĐ-UBND ngày 5/12/2017 của UBND tỉnh Sơn La, có vị trí: Phía Bắc giáp núi đá, giáp đất sản xuất của dân cư bản Buổn, phường Chiềng Cơi; phía Đông giáp bãi rác bản Khoan, hiện đã đóng cửa; phía Tây giáp núi đá và đất quân sự Tiểu đoàn K4. Khu quy hoạch nghĩa trang có quy mô 40 ha, trong đó diện tích bảo tồn rừng tái sinh 20 ha, diện tích đất an táng 10 ha, diện tích đất cây xanh mặt nước, giao thông nội bộ và các công trình phụ trợ 10 ha.

Theo QCXDVN 01:2008/BXD, nghĩa trang xây dựng mới phải bố trí ở ngoài đô thị... không ảnh hưởng đến môi trường dân cư xung quanh; Nghĩa trang hung táng, nghĩa trang chôn cất một lần không được bố trí trong nội thị. Trong khi dự án này được triển khai tại Phiêng Khá, bản Buổn, phường Chiềng Cơi, TP Sơn La, tiếp giáp một phần với phường Quyết Tâm và xã Chiềng Ngần. Ranh giới nghĩa trang bị bao bọc bởi hai đơn vị hành chính cấp phường và một cấp xã thuộc TP Sơn La.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ