Cho rằng, trước khi xây dựng nghĩa trang cần đánh giá tác động môi trường một cách thận trọng, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) – Phó trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã trao đổi: "Như chúng ta đã biết, các vấn đề nghĩa trang gần khu dân cư không chỉ là ô nhiễm trên bề mặt mà còn còn ô nhiễm cả nguồn nước và trong phạm vi rất rộng".
“Ví dụ như: Nghĩa trang Văn Điển, một thời gian dài trước đây, ở mãi ngoài rìa thành phố nhưng cuối cùng lại ảnh hưởng sâu đến vùng nước ngầm, như vậy rất mất vệ sinh” – đại biểu Lưu Bình Nhưỡng viện dẫn, đồng thời lưu ý đến vấn đề về môi trường cảnh quan, âm thanh, hình ảnh, cảm giác, tinh thần… Đặc biệt với khu vực trường học, HSSV rất dễ rất bị ảnh hưởng. Cho nên đặt nghĩa trang ở đâu phải hết sức thận trọng để xem xét.
Cũng theo đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, về khía cạnh lâu dài, nghĩa trang đặt trong thành phố cũng cần phải xem lại vì thành phố còn phát triển, còn đô thị hóa mạnh mẽ. Do đó cần tính đến tầm nhìn dài hơi để xem xét đặt nghĩa trang ở đâu.
“Các đồng chí lãnh đạo địa phương cần phải vào cuộc, xem xét nghiêm túc kiến nghị của nhà trường và người dân. Nếu không cẩn thận chúng ta là cán bộ, chúng ta không quan tâm đến nhân dân, dẫn đến bao che, thậm chí cũng có thể có lợi ích nhóm thì sao? Vì nghĩa trang là câu chuyện của dự án. Có thể dự án này dẫn đến các vấn đề khác” – đại biểu Lưu Bình Nhưỡng quan ngại.
Theo đại biểu, nếu như người dân đã có đề nghị, khiếu nại, tố cáo thì cần thiết dừng việc thực hiện dự án để xem xét đơn thư, nguyện vọng của nhân dân và trả lời cho người dân. Nếu nhân dân đồng tình rồi thì được, còn họ chưa đồng tình, còn tiếp tục khiếu nại thì cũng phải dừng dự án lại để xem xét.