Bất cập trong xây dựng Nghĩa trang Nhân dân TP Sơn La: Phía sau dự án còn mục đích khác?

GD&TĐ - “Tôi không hiểu, Sơn La đất đai rộng, có nhiều chỗ có thể chọn xây dựng nghĩa trang, đâu nhất thiết phải chọn địa điểm gần dân cư và trường học như vậy?”, GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh chia sẻ với Báo GD&TĐ khi đề cập đến dự án xây dựng Nghĩa trang Nhân dân TP Sơn La.

Hạ tầng vào khu đất TP Sơn La dự kiến lập dự án làm nghĩa trang đã có đơn vị dọn đường sẵn?
Hạ tầng vào khu đất TP Sơn La dự kiến lập dự án làm nghĩa trang đã có đơn vị dọn đường sẵn?

Không bảo đảm an toàn môi trường

GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT cho rằng, quy hoạch nghĩa trang không nên đặt trong nội đô bởi vấn đề ô nhiễm nước ngầm có thể xảy ra. Hơn nữa, cũng không vui vẻ gì khi người sống phải ở chung với người chết. Ngay như Nghĩa trang Văn Điển (Hà Nội) đã đưa ra các khu vực xa khu dân cư. Thậm chí, nghĩa trang phải đưa ra gần với đồi núi, nơi đất cằn sử dụng cho nông nghiệp và phi nông nghiệp cũng khó. Đây là giải pháp phù hợp với nhiều phía, với dân cư sống tại các đô thị cũng phù hợp. Chúng ta nên đi theo hướng đó thì tốt hơn là để nghĩa trang chen lấn trong khu đô thị.

Với việc xây dựng nghĩa trang, có cả hung táng, lò hỏa thiêu và nơi để tro cốt, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến môi trường sống xung quanh bởi khí phát tán rất độc hại, gây ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Tôi không hiểu, Sơn La đất đai rộng, có nhiều chỗ có thể chọn xây dựng nghĩa trang, đâu nhất thiết phải chọn địa điểm gần dân cư và trường học như vậy?.

GS. TSKH Đặng Huy Huỳnh

Trong khi đó, dự án xây dựng Nghĩa trang Nhân dân TP Sơn La vi phạm khá nhiều quy chuẩn. Thứ nhất, xây dựng trong khu đô thị đông dân cư, gần nơi ăn ở, học tập và sinh hoạt của gần 1.000 sinh viên, cách 5 nguồn cung cấp nước sinh hoạt từ hơn 600 m - 2.200 m (trong khi theo quy định của Luật Quy hoạch tối thiểu là 2.500 m) như phân tích của các giảng viên Đại học Tây Bắc trong các loạt bài mà Báo GD&TĐ đã đăng tải từ tháng 10/2018 đến nay.

Trao đổi vấn đề này, GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam khẳng định: “Xây dựng nghĩa trang mà gần khu dân cư, thậm chí không gần khu dân cư cũng phải làm đánh giá tác động môi trường. Theo Luật Bảo vệ môi trường, khi lập đề án, bắt buộc chủ đầu tư phải triển khai đánh giá tác động môi trường ảnh hưởng tới xung quanh như thế nào”?

TS Phạm Khang - Hội Đánh giá tác động môi trường Việt Nam chia sẻ: “Nếu không có biện pháp bảo vệ môi trường thì công trình Nghĩa trang TP Sơn La chắc chắn sẽ gây ô nhiễm xung quanh. Khí thải của lò đốt rất ô nhiễm, ngoài ra còn vấn đề khu vực hung táng ô nhiễm rất khốc liệt, ảnh hưởng tới nguồn nước, sức khỏe của người dân. Đặc biệt, có cả một trường đại học với hàng nghìn sinh viên, trong đó có cả sinh viên quốc tế. Nguồn nước mà cách Nghĩa trang Nhân dân TP Sơn La chỉ có 500 - 600 m, thậm chí cách 1km là không nên. Bởi tế bào phân hủy ngấm sâu, lâu dần tích tụ, lan rộng ra. Nên chọn để nghĩa trang nơi xa dân cư, vừa yên ổn vấn đề tâm linh, vừa bảo vệ môi trường cho cộng đồng”.

Hình ảnh do Trường ĐH Tây Bắc cung cấp cho thấy vị trí mà Sơn La dự định đặt nghĩa trang rất gần trường

Hình ảnh do Trường ĐH Tây Bắc cung cấp cho thấy vị trí mà Sơn La dự định đặt nghĩa trang rất gần trường

Quy hoạch sai thì phải bồi thường

Về vấn đề quy hoạch Nghĩa trang Nhân dân TP Sơn La, triển khai xây dựng rồi mới lấy ý kiến của dân, theo ông Đặng Hùng Võ là chưa đúng. Bởi ngay từ khi xây dựng phương án quy hoạch, chủ đầu tư đã phải lấy ý kiến của dân, phải nghe ý kiến của dân, xem tỉ lệ ra sao, từ đó đưa ra giải pháp tiếp nhận ý kiến toàn bộ hay một phần và phải có giải trình cụ thể.

“Trong luật về quy hoạch cũng đã có quy định cụ thể vấn đề này. Việc đã thực hiện rồi mới đi lấy ý kiến của dân thì khách quan nhìn vào, chỉ là hình thức. Đã triển khai xây dựng rồi thì đi lấy ý kiến của dân để làm gì? Nếu có phải tốn kém, bồi thường cho chủ đầu tư thì UBND tỉnh Sơn La cũng nên làm. Đặc biệt, nếu không tuân thủ theo quy hoạch mà triển khai thì lại càng sai, còn bất kỳ quy hoạch nào cũng phải có sự đồng thuận của người dân. Địa phương có phương án quy hoạch trên nguyên tắc lợi ích chia sẻ và rủi ro chia sẻ”, ông Đặng Hùng Võ nhấn mạnh.

“Đề án được chấp nhận chỉ khi hội tụ đủ các yếu tố cơ bản, trong đó bắt buộc phải lấy ý kiến của cộng đồng. Trong Luật Bảo vệ môi trường, việc xây dựng các nghĩa trang có yêu cầu phải có thực hiện đánh giá tác động môi trường và thường khuyên nên tìm cách di dời các nghĩa trang cũ xa khu dân cư, còn nếu nghĩa trang được xây mới, bắt buộc phải cách xa khu dân cư, không nên để ở gần nơi sinh sống của người dân, nhất là gần trường học, bệnh viện”, GS Đặng Huy Huỳnh khẳng định.

UBND tỉnh Sơn La cần có quyết định sớm nhất, thậm chí tính theo ngày, càng sớm càng tốt xử lý dứt điểm vấn đề này. Người đứng ngoài cuộc nhìn vào công tác quy hoạch này cũng có thể đặt ra câu hỏi, phải chăng đây chỉ là đưa ra một dự án nghĩa trang rồi tính đến chuyện chuyển đổi mục đích khác?

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Cảnh báo người mới

GD&TĐ - Trung Quốc vừa quyết định cấm xuất khẩu kim loại và vật liệu có chứa những nguyên tố hoá học nhất định, trong đó có Gallium và Germanium sang Mỹ.

Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Hồi ức khó quên

GD&TĐ - Tôi từng nghĩ rằng mình có thể hóa thành một chiếc ô, chỉ dựa vào sức lực và ý chí của bản thân để che chở cho cả gia đình trước những cơn giông bão của cuộc đời.