Quy định cấm bán rượu, bia sau 22 giờ: Chặn đứng nguy cơ trở thành "quốc gia say xỉn"

Nhằm hạn chế tác hại bia, rượu gây ra, dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia đề xuất quy định cấm bán rượu, bia sau 22 giờ, song đang vấp phải rất nhiều ý kiến trái chiều.

Tỷ lệ người Việt Nam uống rượu bia cao nhất thế giới
Tỷ lệ người Việt Nam uống rượu bia cao nhất thế giới

Tăng thẳng đứng

Kết quả điều tra trên diện rộng mới nhất về thực trạng sử dụng rượu, bia ở Việt Nam do Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đồng thực hiện vừa được công bố giữa tuần qua cho thấy, mức độ tiêu thụ bia, rượu của người Việt Nam trong 10 năm trở lại đây đã tăng gấp hai lần.

Hiện Việt Nam đang đứng thứ 2 ở Đông Nam Á (sau Thái Lan), thứ 10 ở châu Á và thứ 29 thế giới về lượng rượu, bia được sử dụng, gấp hơn 4 lần mức tiêu thụ trung bình toàn cầu.

Nếu tính riêng về tỷ lệ nam giới sử dụng bia, rượu (Việt Nam là khoảng 77%) thì tỷ lệ này của nước ta đang đứng đầu tỷ lệ bình quân của khu vực và cả thế giới.

Đáng lo ngại là lượng rượu, bia trung bình sử dụng trên thế giới không tăng trong 10 năm qua, còn ở Việt Nam lại tăng trưởng theo đường thẳng đứng.

Cụ thể, năm 2010, lượng tiêu thụ ở mức 6,6 lít/người/năm, tăng gấp đôi giai đoạn 2003-2005 là 3,8/lít/người/năm và dự báo đến 2025, con số này sẽ tăng lên 7 lít/người/năm.

Chỉ tính riêng năm 2015, Việt Nam tiêu thụ khoảng 3,4 tỷ lít bia và 70 triệu lít rượu, đấy là chưa kể mỗi năm Việt Nam còn tiêu thụ khoảng 200 triệu lít rượu do người dân tự nấu.

Trước tình trạng này, ông Nguyễn Phương Nam - Cán bộ của Tổ chức Y tế Thế giói (WHO) tại Việt Nam đặt câu hỏi: “Việt Nam là quốc gia khởi nghiệp hay quốc gia say xỉn?”.

Không trực tiếp trả lời câu hỏi này nhưng ông Nguyễn Phương Nam phân tích: Khi khảo sát trên 1.840 bệnh nhân tai nạn giao thông nhập viện thì có gần 67% người điều khiển phương tiện có độ cồn trong máu cao, 45% tham gia giao thông 2 giờ sau khi uống rượu bia.

“Từ hàng chục năm trước, châu Âu đã có tính toán và cảnh báo nếu gia tăng 1% chi tiêu bình quân cho rượu bia thì sẽ tăng 0,85% số ca tử vong do tai nạn giao thông, tăng 0,61% số ca bị thương và và 0,37% số ca bị xơ gan” - Ông Nguyễn Phương Nam cho biết.

Nói cách khác, Việt Nam đang phải trả một cái giá đắt do tình trạng sử dụng rượu, bia quá nhiều, trong đó tất cả những thông số về sức khỏe, bệnh tật, tai nạn hay tâm thần, nạn bạo hành… có liên quan đến rượu, bia đều gia tăng chóng mặt.

Thậm chí theo bác sĩ Lý Trần Tình - Nguyên Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Hà Nội thì việc Việt Nam hiện đang là 1 trong 5 nước có tầm vóc dân cư bình quân thấp nhỏ nhất thế giới cũng có nguyên nhân liên quan đến rượu, bia.

Có nên cấm bán bia rượu sau 22 giờ?

Rõ ràng, nếu không có biện pháp mạnh tay để hạn chế tình trạng sử dụng rượu, bia thì Việt Nam sẽ là quốc gia đứng đầu về sử dụng rượu, bia trong thời gian tới như cảnh báo mà Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đưa ra.

Cũng vì thế, dự thảo Luật Phòng chống tác hại rượu bia mà Bộ Y tế đang lấy ý kiến để hoàn thiện trước khi trình Quốc hội xem xét trong thời gian tới tiếp tục đề xuất quy định mạnh tay là nghiêm cấm bán rượu, bia sau 22 giờ, cùng nhiều điểm mới khác trong quy định về độ cồn hay quảng cáo bia, rượu.

Theo Bộ Y tế, dù đây là những quy định mới được đưa ra trong dự luật này nhưng trên thực tế nhiều nước đã và đang thực hiện từ lâu. TS Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) - dẫn chứng:

“Đến năm 2015, trên thế giới đã có 67 quốc gia đã quy định cấm bán rượu, bia sau 22 giờ trong luật và dân người ta thực hiện rất nghiêm. Một số nước đã cấm bán rượu, bia theo thời gian nhất định trong ngày và có hiệu quả, như Thổ Nhĩ Kỳ cấm bán rượu tại siêu thị, cửa hàng từ 22 giờ tối đến 6 giờ sáng hôm sau; Thái Lan, Singapore chỉ cho phép bán rượu từ 17 đến 22 giờ…”.

Do vậy, việc dự thảo tiếp tục giữ đề xuất cấm bán rượu bia sau 22 giờ, ông Nguyễn Huy Quang nhấn mạnh, đây là quy định phù hợp và cần thiết.

Tuy nhiên, ngay sau khi Bộ Y tế đề xuất quy định này, đã có không ít ý kiến bày tỏ băn khoăn, không tán thành và cho rằng việc cấm bán rượu, bia sau 22 giờ hàng ngày đến 8 giờ sáng hôm sau sẽ gây ảnh hưởng mạnh đến kinh tế, du lịch, quyền tự do kinh doanh của người dân, thậm chí mâu thuẫn và đi ngược lại với các quy định hiện hành.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu và Nước giải khát Việt Nam, cần phải đánh giá, nghiên cứu thấu đáo việc quy định cấm bán rượu bia sau 22 giờ sẽ tác động như thế nào đến kinh tế, văn hóa, du lịch... chứ không chỉ nhìn riêng về mặt sức khỏe; cũng như tính khả thi của quy định này nếu áp dụng trong thực tiễn.

Chủ trương chung là xây dựng một văn hóa lành mạnh, tuy nhiên nếu dùng những biện pháp hành chính mà không thực tế và đưa ra không có khảo sát thì sẽ không có tác dụng.

Một số chuyên gia khác phân tích, thực tế hiện nay, các quán nhậu đêm ở các thành phố lớn vẫn tiếp đón khách sau 22 giờ và họ kinh doanh đúng pháp luật, chẳng hạn ở Hà Nội vẫn đang cho phép các nhà hàng, điểm ăn uống được hoạt động đến 24 giờ, do đó việc cấm bán rượu, bia từ 22 giờ sẽ làm hạn chế quyền của người sử dụng cũng như những cửa hàng kinh doanh rượu, bia...

Có thể thấy, cấm bán rượu bia sau 22 giờ hay bất cứ một quy định mới nào khi đưa ra gặp phải những ý kiến trái chiều là điều khó tránh khỏi.

Vấn đề quan trọng nhất vẫn là phải làm sao để các quy định mới khi đưa ra phải sát thực tế, khả thi và tạo được sự đồng thuận lớn từ cộng đồng, xã hội.

TS Nguyễn Huy Quang thừa nhận, không thể kỳ vọng một quy định mới khi ban hành sẽ được thực hiện nghiêm ngay, đem lại hiệu quả ngay.

Thế nhưng ông Nguyễn Huy Quang cũng nhấn mạnh, chưa đề cập đến tính khả thi trong thực hiện ra sao nhưng việc ban hành quy định cấm bán rượu, bia sau 22 giờ chắc chắn sẽ có tác dụng cảnh báo đến người dân và nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước của chính quyền trong lĩnh vực này, hướng đến mục tiêu cuối cùng là bảo vệ sức khỏe nhân dân và sự phát triển của xã hội.

Dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia được Bộ Y tế triển khai xây dựng từ năm 2014 để dự kiến trình Quốc hội xem xét trong năm 2015 nhưng sau đó không được đưa vào chương trình làm luật của Quốc hội khóa XIII.

Hiện tại, Bộ Y tế đang tiếp tục lấy ý kiến vào bản dự thảo mới nhất của dự thảo Luật này, dự kiến sẽ trình Quốc hội xem xét vào kỳ họp Quốc hội tháng 5/2018, chậm hơn khá nhiều so với dự kiến ban đầu.

Theo ANTĐ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ