Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô: Hà Nội đã làm được những gì?

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - TP Hà Nội dự kiến chi 13.362 tỷ đồng cho bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, di dời đường điện… để làm đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô.

Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 đã chỉ rõ, hệ thống giao thông qua địa bàn thành phố là mô hình vành đai.
Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 đã chỉ rõ, hệ thống giao thông qua địa bàn thành phố là mô hình vành đai.

Liên quan đến “siêu” dự án này sẽ có gần 1.000 hộ dân bị ảnh hưởng. Các khu tái định cư cũng đang được lên kế hoạch khởi động.

Thu hồi hơn 800 ha đất

Chủ tịch UBND Hà Nội vừa ký Quyết định số 1012 phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thành phần 1.1: Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội.

Dự án được giao cho Ban QLDA Đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội làm chủ đầu tư tổng thể. Trong đó có việc thực hiện di chuyển công trình điện cao thế từ 110kV đến 500kV. Chủ đầu tư các dự án thành phần hạng mục xây dựng, các khu tái định cư là UBND các huyện gồm: Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín.

Dự án thực hiện thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên các phần diện tích đất thuộc địa bàn 7 quận, huyện gồm: Hà Đông, Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín với tổng diện tích đất thu hồi phục vụ xây dựng tuyến đường Vành đai 4 và đất hành lang dự trữ đường sắt quốc gia là khoảng 812,07 ha.

Hà Nội cũng có kế hoạch cải tạo, di chuyển 1 đoạn tuyến thuộc khoảng cột số 82-83 đường dây 500kV mạch kép Thường Tín - Phố Nối. Chiều dài tuyến cải tạo khoảng 2,13km thuộc địa bàn xã Vân Tảo (huyện Thường Tín); cải tạo, di chuyển 9 đoạn tuyến đường dây 220kV trên địa bàn các xã Tân Dân (huyện Sóc Sơn), xã Kim Hoa (huyện Mê Linh), xã Đông La (huyện Hoài Đức), các xã Nhị Khê - Văn Bình - Ninh Sở (huyện Thường Tín) và phường Yên Nghĩa, Phú Lãm (quận Hà Đông). Tổng chiều dài khoảng 20,02km.

Ngoài ra, dự án sẽ cải tạo, di chuyển 6 đoạn tuyến đường dây 110kV trên địa bàn các xã Thanh Lâm (Mê Linh), xã Đức Thượng, An Thượng (Hoài Đức), xã Văn Bình (Thường Tín) và phường Phú Lãm (Hà Đông). Tổng chiều dài khoảng 8,45km.

Dự án được chia thành các dự án thành phần hạng mục, với 13 khu tái định cư trên địa bàn 5 huyện. Trong đó, huyện Mê Linh xây 3 khu ở các xã Văn Khê, Đại Thịnh và Chu Phan. Huyện Đan Phượng xây 2 khu ở xã Hạ Mỗ và Hồng Hà.

Huyện Hoài Đức xây 2 khu tái định cư tại xã Đức Thượng và Đông La. Huyện Thanh Oai xây 2 khu ở Cự Khê và Tam Hưng. Huyện Thường Tín xây 4 khu tái định cư ở các xã Khánh Hà, Văn Bình, Hồng Vân và Vân Tảo.

Gần 1.000 hộ dân bị ảnh hưởng

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng thăm hỏi, động viên người dân huyện Đan Phượng.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng thăm hỏi, động viên người dân huyện Đan Phượng.

Theo Ban QLDA Đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội - Đơn vị chủ đầu tư Vành đai 4 trên địa bàn Hà Nội thì sẽ có hơn 800 hộ dân phải di dời, tái định cư. Trong đó, huyện Mê Linh gần 300 hộ, Đan Phượng 115 hộ, Hoài Đức 115 hộ, Hà Đông 53 hộ, Thanh Oai 40 hộ và Thường Tín 201 hộ.

Về giá trị tổng mức đầu tư dự án thành phần 1.1 là 13.362 tỷ đồng, vốn ngân sách Trung ương và địa phương. Trong đó chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là 11.252,58 tỷ đồng; di chuyển điện cao thế từ 110kV đến 500kV là 530,02 tỷ đồng; xây dựng các khu tái định cư là 960,87 tỷ đồng; chi phí lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư tổng thể là 7,58 tỷ đồng. Bên cạnh đó là các chi phí khác của dự án đầu tư tổng thể là 611,19 tỷ đồng.

Thời gian chuẩn bị, thực hiện dự án từ năm 2022 đến năm 2024 (hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng trong năm 2023, thực hiện xong toàn bộ dự án thành phần 1.1 trong năm 2024).

Để triển khai dự án, những ngày đầu năm 2023, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã trực tiếp kiểm tra thực địa và gặp gỡ đối thoại với nhân dân khu vực dự án đi qua.

Tại mỗi địa điểm kiểm tra, Bí thư Thành ủy Hà Nội đều có trao đổi, nghe báo cáo, nắm bắt tình hình tiến độ công tác giải phóng mặt bằng của mỗi địa phương, chỉ đạo giải quyết những khó khăn, vướng mắc của cơ sở.

Bàn giao mặt bằng quý II/2023

Theo báo cáo của UBND huyện Đan Phượng (Hà Nội), trong quý II/2023, huyện sẽ di dời được 1.440/1.678 ngôi mộ, đạt 85,8%. Huyện Đan Phượng cũng sẽ ban hành quyết định thu hồi đất, phê duyệt phương án và tổ chức chi trả tiền đối với các hộ có đất bị thu hồi đạt 100% (theo kế hoạch là quý II này).

Đan Phượng sẽ hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng 2 dự án tái định cư và cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng 4 dự án cải tạo, chỉnh trang nghĩa trang.

Trong khi đó, huyện Hoài Đức khẳng định sẽ phấn đấu hoàn thành khoảng 82% tổng diện tích phải giải phóng mặt bằng trong quý II/2023.

Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội gồm 7 dự án thành phần. Trong đó có 3 dự án thực hiện giải phóng mặt bằng theo hình thức đầu tư công, 3 dự án đầu tư xây dựng đường song hành (đường đô thị) theo hình thức đầu tư công và 1 dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc theo phương thức PPP (đối tác công - tư).

Dự án có chiều dài 112,8km. Điểm đầu nằm trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (địa phận xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn), điểm cuối nằm trên đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long (địa phận huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh).

Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội có quy mô và tổng mức đầu tư lớn (trên 85.000 tỷ đồng), đi kèm nhiều tính chất đặc thù. Do đó, quá trình triển khai phía trước sẽ đi kèm nhiều khó khăn, thách thức.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ