Đốt rác phát điện ở Việt Nam: Chỉ là tầm nhìn mang tính khoa học?

GD&TĐ - Chi phí xử lý 1 tấn rác thải sinh hoạt từ 100 - 200 USD, trong khi doanh thu bán điện chỉ chi trả được 15 - 20% chi phí, đó là lý do nhiều nhà máy điện rác trên thế giới phải đóng cửa.

Lựa chọn công nghệ xử lý rác thải cần cân nhắc nhiều yếu tố như chi phí, hiệu quả.
Lựa chọn công nghệ xử lý rác thải cần cân nhắc nhiều yếu tố như chi phí, hiệu quả.

Công nghệ đốt rác khó có tính khả thi về kinh tế

Chiều 19/7, tổ chức Sáng kiến về Chuyển dịch Năng lượng Việt Nam (VIETSE) tổ chức tọa đàm trực tuyến “Tối ưu hóa khai thác tiềm năng chất thải rắn tại Việt Nam”. Quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa cùng với áp lực gia tăng dân số đã dẫn tới việc quá tải rác thải, đặc biệt là chất thải rắn sinh hoạt tập trung ở các đô thị.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, năm 2019 lượng chất thải rắn sinh hoạt đến từ các đô thị vào khoảng 35,6 nghìn tấn/ngày, so với 28,4 nghìn tấn/ngày từ khu vực nông thôn.

Tuy nhiên, phương thức quản lý và xử lý chất thải rắn tại một số địa phương còn nhiều hạn chế, các công nghệ xử lý vẫn còn gặp nhiều thách thức. Có nhiều câu hỏi được đặt ra về tương lai của lĩnh vực này để phù hợp với các cam kết về môi trường, khí hậu nói chung và chiến lược phát triển ngành điện nói riêng.

Tại hội thảo, bà Trần Hải Anh, chuyên gia năng lượng chia sẻ các công nghệ xử lý chất thải rắn đã và đang áp dụng ở Việt Nam và thế giới, trong đó có công nghệ đốt rác phát điện. Đặc điểm rác thải của Việt Nam là có hàm lượng hữu cơ lớn, câu hỏi đặt ra là rác này có đốt được hay không?

Công nghệ đốt rác phát điện, sản phẩm đầu ra là tro xỉ dùng chôn lấp (chiếm 22%), khói từ nhà máy đốt rác và điện năng. Câu hỏi, rác ở Việt Nam có đốt được không? Trong khi rất nhiều nhà máy đốt rác phát điện trên thế giới đã bị phá sản.

Bà Trần Hải Anh cho biết, các nhà khoa học Thụy Sỹ tìm ra nguyên tắc, muốn đốt rác mà không dùng dầu thì nhiệt trị của rác từ 1.000 kcl/kg trở lên. Nhiệt trị của rác quyết định tính khả thi của công nghệ đốt rác phát điện. Ngân hàng Thế giới cũng đã công bố sổ tay đánh giá nhanh các dự án phát điện trên thế giới.

Theo đó, công nghệ này không khả thi nếu thành phần hữu cơ trong rác lớn hơn 50%, chất trơ lớn hơn 15%. Do vậy, khi đầu tư phải cân nhắc rất kỹ, đặc biệt là tính khả thi về kinh tế của công nghệ. Chi phí đầu tư 1 tấn rác thải là 100 - 200 USD, doanh thu bán điện chỉ chi trả được 15% chi phí.

Chọn công nghệ nào để xử lý rác thải ở Việt Nam?

Theo bà Trần Hải Anh, thay vì dùng công nghệ đốt rác, có nhiều công nghệ hiệu quả hơn như công nghệ chế biến nhiên liệu từ rác thải rắn. Đặc trưng của rác thải rắn là có nhiệt trị cao từ 3.000 - 3.500 kcl/kg, chi phí sản xuất khoảng 50 USD/tấn.

Đây là công nghệ đốt rác trong lò xi măng giải quyết được vấn đề nan giải là mức độ tiêu thụ nhựa và sử dụng than. Nhà máy xi măng tiết kiệm chi phí nhiên liệu, tro xỉ sử dụng cho nhà máy xi măng luôn.

Trong thực tế, công nghệ này đã được sử dụng ở nhà máy xi măng Holcim Hà Tiên. Công nghệ này là công nghệ cơ bản cho chương trình xử lý rác thải đại dương, được hơn 200 nhà máy xi măng ở Trung Quốc sử dụng.

Hiện, có rất nhiều công nghệ nên được cân nhắc bởi đầu tư thấp, hiệu quả cao, bảo vệ môi trường. Ví dụ như công nghệ thủy phân nhiệt xử lý bùn cống và rác hữu cơ, thực chất là đun rác ở nhiệt độ và áp suất khác nhau nhằm giảm thiểu nước tối đa, tăng tối đa khả năng phân giải.

Bộ phận này đặt trước các bể khí sinh học, sản phẩm đầu ra là khí sinh học phát điện, chất rắn hữu cơ làm phân hữu cơ. Công nghệ giúp giảm thể tích bể phân giải khí sinh học còn 1/3, giảm thể tích chất thải rắn sau xử lý còn 1/4 và sử dụng làm phân bón hữu cơ.

Ngoài ra biện pháp sinh học cũng rất phù hợp cho rác thải nhiều hữu cơ như nuôi giun quế xử lý rác. Sản phẩm đầu ra là phân composite, giun. Rác rau củ quả, thực phẩm… nuôi được giun. 1 con giun xử lý được lượng chât thải bằng 50% trọng lượng của nó/ngày.

Sử dụng ruồi lính đen xử lý rác thải hữu cơ, trọng lượng ruồi lớn gấp 10 lần ruồi bình thường. Con ruồi thường sống được 10 ngày. Ruồi này phát triển ở vùng nhiệt đới, tuy nhiên vùng ôn đới có nhiều trang trại nuôi ruồi lính đen. 1 tấn rác thải sẽ sản xuất ra 200kg ấu trùng ruồi lính đen.

Theo các chuyên gia, dựa vào đặc trưng rác để lựa chọn công nghệ xử lý phù hợp là rất cần thiết. Việc phân loại rác tại nguồn cần được làm càng sớm càng tốt. Không có bất kỳ một hệ thống tiêu chí chuẩn đối với lựa chọn công nghệ xử lý phù hợp.

Ở các nước đang phát triển, một công nghệ phù hợp là khi công nghệ này có chi phí thấp nhất, khả thi về mặt kỹ thuật và pháp lý, bảo đảm hiệu quả xử lý ô nhiễm và khả năng chấp nhận của cộng đồng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mở trái tim yêu

GD&TĐ - Hạnh phúc của người đàn bà chính là có người đàn ông để nương tựa, nhưng Hiền thấy, đàn ông chỉ đem đến sự khổ đau...