Đột phá trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn

GD&TĐ - Phát triển nông nghiệp nông thôn nói chung và đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) nói riêng đang đóng vai trò quan trọng trong phát triển nền kinh tế nước ta. Đề án “Đào tạo nghề cho LĐNT đến năm 2020” đã đề ra những mục tiêu, chính sách cụ thể cho việc dạy nghề cho LĐNT. 

Hợp tác quốc tế trong đào tạo nghề cho LĐNT là hướng đi đột phá nhằm phát triển nền nông nghiệp sạch
Hợp tác quốc tế trong đào tạo nghề cho LĐNT là hướng đi đột phá nhằm phát triển nền nông nghiệp sạch

Trong đó có nội dung xã hội hóa dạy nghề và hợp tác quốc tế trong đào tạo nghề cho LĐNT được xem là một điểm nhấn trong công tác này.

Nhiều chương trình hợp tác đào tạo

Trong quá trình thực hiện đề án “Đào tạo nghề cho LĐNT đến năm 2020” - Việt Nam đã huy động được nhiều nguồn lực quốc tế tham gia đào tạo nghề cho LĐNT. Ông Đào Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ Dạy nghề thường xuyên (Tổng cục Dạy nghề - Bộ LĐ-TB&XH) cho biết: Việt Nam đã và đang có những hợp tác với các nước trong phát triển giáo dục nghề nghiệp. Trong đó, hợp tác với CHLB Đức và Hàn Quốc về đào tạo nghề để phát triển nông nghiệp.

Trong đào tạo nghề cho LĐNT, vừa qua Việt Nam đã có nhiều đoàn ra nước ngoài tham quan, học tập kinh nghiệm đào tạo cán bộ cấp xã, đào tạo cán bộ cơ sở để thúc đẩy đào tạo nghề cho LĐNT. Hợp tác với Israel trong học tập phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Với CHLB Đức, đến nay đã hợp tác đào tạo nghề tới giai đoạn 3, ngoài hỗ trợ phát triển đào tạo nghề chất lượng cao, đào tạo nghề cho LĐNT để cung cấp nhân lực cho các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Việt Nam còn học tập được công nghệ quản lý và cách thức triển khai đào tạo của họ, đặc biệt là các lớp đào tạo tại hiện trường, đào tạo nghề để phát triển kinh tế dựa vào năng lực của cộng đồng... Ngoài ra, hợp tác với các nước khác như Anh, Pháp, Mỹ, Úc, và các quốc gia ASEAN như Singapore, Thái Lan, học tập kinh nghiệm và những thành công của họ trong lĩnh vực đào tạo nông nghiệp. Đến nay đã có hàng vạn LĐNT được thụ hưởng những nội dung hợp tác đào tạo này.

Mục tiêu đào tạo nghề cho 5,5 triệu LĐNT

Theo Bộ LĐ-TB&XH, từ năm 2009 đến nay đã có gần 8 triệu LĐNT được đào tạo nghề với các trình độ khác nhau. Trong đó, số người học nghề nông nghiệp còn chiếm tỷ lệ khá cao, khoảng trên 40%. Sau khi học xong số người có việc làm mới do chuyển sang ngành nghề công nghiệp, dịch vụ và được doanh nghiệp tuyển dụng hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng cho năng suất lao động cao hơn đều đạt hoặc vượt chỉ tiêu đề ra, đạt khoảng gần 80% so với chỉ tiêu đề ra là 70%.

Đáng chú ý, đã có một bộ phận nông dân, sau học nghề đã đứng ra thành lập các tổ hợp tác nông nghiệp không những giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho bản thân mà còn giải quyết việc làm cho nhiều LĐNT khác. Đây là những nông dân đã hình thành được những doanh nghiệp sau quá trình học nghề.

Trong giai đoạn 2016 - 2020, đào tạo nghề cho LĐNT được đưa vào nội dung thành phần trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, với mục tiêu là đào tạo nghề cho 5,5 triệu LĐNT (1,4 triệu người học nghề nông nghiệp; 4,1 triệu người học nghề phi nông nghiệp). Trong đó hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho khoảng 3,84 triệu người và yêu cầu là nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho LĐNT, sau đào tạo, ít nhất 80% số người học có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn.

Thực hiện yêu cầu trong giai đoạn này, ông Đào Văn Tiến khẳng định: Đào tạo nghề cho LĐNT, chỉ tổ chức đào tạo khi dự báo được nhu cầu việc làm và thu nhập của người học, để khắc phục tình trạng đào tạo manh mún dàn trải không hiệu quả. Nếu học làm nông nghiệp thì phải học làm nông nghiệp quy mô lớn, nông nghiệp công nghệ cao. Các nghề phi nông nghiệp phải gắn với nhu cầu nhân lực của doanh nghiệp thì mới đào tạo.

Bên cạnh đó, rà soát đầu tư các cơ sở đào tạo cũng như các chương trình đào tạo, tăng cường hợp tác đào tạo với các đối tác nước ngoài. Hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài, trên cơ sở đó đặt hàng đào tạo nhân lực phù hợp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ