Đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Cần thêm những chính sách hỗ trợ

GD&TĐ - Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 (Đề án 1956), đã được thực hiện trong hơn 6 năm qua. Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định, tuy nhiên tại một số địa phương, công tác này vẫn còn gặp nhiều khó khăn và cần thêm những chính sách hỗ trợ cụ thể.

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn:  Cần thêm những chính sách hỗ trợ

Chuyển biến nhận thức

Báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH cho biết, giai đoạn 2010 - 2016, đã có gần 3,5 triệu lao động nông thôn (LĐNT) được đào tạo nghề theo Quyết định 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho LĐNT đến năm 2020” của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó có khoảng trên 40% LĐNT được học nghề nông nghiệp và gần 60% học nghề phi nông nghiệp. Kết quả này đã góp phần tích cực nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo tại khu vực nông thôn.

Sau học nghề, số người có việc làm mới hoặc tiếp tục có việc làm nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn, nhận thức của người dân về học nghề có sự chuyển biến căn bản từ chỗ tham gia học nghề với mục tiêu hỗ trợ tiền ăn chuyển sang học để nắm bắt khoa học, ứng dụng sản xuất, kỹ năng để nâng cao đời sống, thu nhập...

Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung: Giai đoạn 2016 - 2020, đào tạo nghề cho LĐNT được đưa vào nội dung thành phần trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, với mục tiêu là đào tạo nghề cho 5,5 triệu LĐNT (1,4 triệu người học nghề nông nghiệp; 4,1 triệu người học nghề phi nông nghiệp). Trong đó hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho khoảng 3,84 triệu người và yêu cầu là nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho LĐNT, sau đào tạo, ít nhất 80% số người học có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn.

Chủ trương của Chính phủ là không tổ chức đào tạo nghề cho LĐNT khi chưa dự báo được nơi làm việc và mức thu nhập của việc làm sau học nghề. Cần phải tập trung đánh giá đầy đủ công tác đào tạo nghề cho LĐNT trong thời gian qua, để có những đề xuất cải tiến hoạt động đào tạo nghề trong giai đoạn tới.

Còn nhiều khó khăn

Về công tác dạy nghề cho LĐNT, ông Trần Đức Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang chia sẻ, công tác đào tạo nghề cho LĐNT của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn do nguồn vốn phân bổ chậm và ít trong khi điều kiện Hà Giang địa bàn phân tán, việc mở lớp dạy nghề tập trung ở xã, huyện rất khó khăn, mà các cơ sở dạy nghề phải xuống tận thôn bản để mở lớp. Các lớp được mở ra, lao động học xong thì địa phương cũng không có nhiều doanh nghiệp để tiếp nhận lao động, học nghề xong vẫn không có việc làm. Điều này dẫn đến tình trạng hàng nghìn người dân đã tìm sang biên giới để kiếm việc làm.

Đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Hà Nam cho biết, khó khăn nhất của tỉnh là tỷ lệ LĐNT thuộc đối tượng hộ nghèo tham gia học nghề chiếm 24,7% (năm 2016), lực lượng này sau khi được đào tạo gặp khó khăn về vốn và điều kiện cần thiết để mở rộng sản xuất. Hiện trên địa bàn tỉnh, các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động nông nghiệp còn ít, người học chủ yếu là tự tạo việc làm. Bình quân diện tích đất sản xuất nông nghiệp/đầu người của Hà Nam còn thấp, LĐNT học nghề xong chưa có cơ chế hỗ trợ vốn để phát triển sản xuất, hành nghề đã được học. Đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp còn bấp bênh, thị trường tiêu thụ sản phẩm chưa ổn định...

Chia sẻ về công tác đào tạo nghề cho LĐNT, ông Nguyễn Trung Thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng cho hay, địa phương có đến 95% dân số là người đồng bào dân tộc, tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn mới, đa chiều) vẫn chiếm trên 50%, việc phát triển ngành nghề là rất cần thiết nhưng do địa bàn chia cắt, sản xuất nhỏ lẻ nên công tác đào tạo nghề gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, việc phân bổ vốn chậm và ít cũng ảnh hưởng nhiều đến hiệu quả công tác này.

Nhằm thúc đẩy công tác đào tạo nghề cho LĐNT giai đoạn 2016 - 2020, lãnh đạo các tỉnh cũng đã đề nghị Trung ương có kế hoạch phân bổ vốn hàng năm sớm hơn và cần phải tăng thêm vốn. Hỗ trợ các địa phương đầu tư cơ sở đào tạo nghề, hỗ trợ kinh phí xây dựng các mô hình, cần có thêm các chính sách hỗ trợ, phụ cấp thêm cho cán bộ, giảng viên làm công tác đào tạo nghề ở địa phương khó khăn…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ