Nhiễm HIV phải thông báo với người sống chung
Chiều 16/11, Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS), với tỉ lệ 100% đại biểu có mặt bỏ phiếu đồng ý.
Trong đó, người nhiễm HIV phải thông báo kịp thời kết quả xét nghiệm cho vợ, chồng, người dự định kết hôn, người chung sống như vợ chồng. Ngoài ra, những nhóm được ưu tiên tiếp cận thông tin, giáo dục về phòng chống HIV gồm: Người nhiễm, người dùng ma túy, bán dâm, có quan hệ tình dục đồng giới, chuyển đổi giới tính; Vợ, chồng và thành viên gia đình khác sống chung với người nhiễm; Người có quan hệ tình dục; Phụ nữ mang thai...
Kết quả xét nghiệm HIV dương tính được thông báo cho người được xét nghiệm; Vợ hoặc chồng; Cha, mẹ hoặc người giám hộ của người được xét nghiệm dưới 18 tuổi, mất năng lực hành vi dân sự, khó khăn trong nhận thức...
Kết quả xét nghiệm HIV còn được thông báo đến người trực tiếp tư vấn cho người nhiễm; Người đứng đầu, điều dưỡng viên của cơ sở y tế có người nhiễm điều trị; Nhân viên y tế chăm sóc người nhiễm...
Quỹ bảo hiểm y tế và ngân sách Nhà nước chi trả chi phí xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai. Ngoài ra, người được cấp miễn phí thuốc kháng HIV gồm: Người bị phơi nhiễm với HIV, nhiễm HIV do tham gia cứu nạn; Người nhiễm HIV tại cơ sở cai nghiện ma túy, cơ sở bảo trợ xã hội và nhà tạm giữ, cơ sở giam giữ khác.
Các Luật thường được Quốc hội xem xét, thảo luận trong một kỳ họp. Sau đó, Chính phủ và cơ quan soạn thảo hoàn thiện, tiếp thu, giải trình. Quốc hội xem xét để thông qua tại kỳ họp sau đó.
Luật sửa đổi lần này được Quốc hội xem xét và thông qua ngay trong một kỳ họp, với tỷ lệ 91,29% đại biểu Quốc hội (100% đại biểu có mặt bỏ phiếu) đồng ý. Đây là “kỷ lục”, lần đầu tiên Quốc hội thực hiện xem xét và thông qua trong một kỳ. Đồng thời là 1 trong 3 Luật được 100% đại biểu có mặt đồng ý thông qua. Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2021.
Nhóm chiếm tỷ lệ nhiễm HIV cao nhất
Ngày 17/11, tại buổi gặp mặt báo chí về công tác phòng, chống HIV/AIDS và Tháng hành động quốc gia năm 2020, TS Hoàng Đình Cảnh - Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết: “Nhóm quan hệ tình dục đồng giới nam nhiễm HIV nhiều.
Có trên 50% người nhiễm dưới 24 tuổi. Số ca tử vong do HIV/AIDS ở các thành phố lớn chủ yếu là trong nhóm này. Thậm chí, nhiều bệnh nhân là sinh viên, chưa hiểu về nguy cơ lây nhiễm HIV”.
TS Cảnh nhấn mạnh, nhóm có nguy cơ cao nhiễm HIV bao gồm: Bạn tình của người nhiễm HIV, đồng giới nam, người tiêm chích ma tuý.
Chia sẻ về tình trạng này, ThS Bùi Hoàng Đức - Phó Trưởng phòng Giám sát Xét nghiệm, Cục Phòng chống HIV/AIDS, cho hay: “Nhóm đồng giới nam là người có nguy cơ chính mắc HIV/AIDS hiện nay”.
Cụ thể, theo thống kê, từ năm 2011 - 2012, tỷ lệ đồng tính nam nhiễm HIV/AIDS là gần 3%. Tuy nhiên, từ năm 2016 - 2018, con số này là trên 10%. Bên cạnh đó, tỷ lệ nhiễm mới trong người đồng tính nam cao hơn rất nhiều so với nhóm tiêm chích ma tuý, mại dâm.
Lý giải về tình trạng này, ThS Đức nhận định, do nhóm đồng tính nam không chỉ quan hệ tình dục với nam. Họ còn có thể quan hệ tình dục với nữ. Nhiều người sử dụng rượu, bia, ma tuý trong quan hệ tình dục và thiếu nhận thức về nguy cơ nhiễm HIV.
Một nghiên cứu năm 2014 thực hiện trên 500 đồng tính nam tại Hà Nội cho thấy, 42,2% người quan hệ tình dục với 2 - 5 bạn tình trong 1 tháng. Do đó, ThS Đức nhấn mạnh, quan hệ tình dục không an toàn là nguy cơ chủ yếu nhiễm HIV.
“Đồng tính nam là một trong các nhóm quần thể được dự đoán chiếm tỷ lệ HIV cao nhất ở giai đoạn sắp tới”, ThS Đức cảnh báo.
Trong khi đó, TS Nguyễn Thị Minh Tâm - Trưởng phòng Dự phòng lây nhiễm HIV nhấn mạnh, tình hình thay đổi nhanh, khi người đồng tình nam nhiễm HIV chiếm tỷ lệ lớn, với con số hiện là 12%.
“Tỷ lệ mới nhiễm trong 1 năm qua chủ yếu là ở nhóm đồng tính nam. Theo nghiên cứu của Trường Đại học Y, con số này là 7%. Mỗi năm có thêm khoảng 7% người đồng tính nam nhiễm HIV”, TS Tâm cảnh báo.
Do đó, các chuyên gia khuyến cáo, cần có biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV như: Sử dụng bao cao su, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm bằng thuốc kháng virus ARV.