Người phụ nữ có HIV vẫn khỏe mạnh sau 30 năm là ai?
Người phụ nữ khi được phát hiện vào tháng 12 năm 1990 là ca nhiễm HIV đầu tiên tại Việt Nam. Bà lây bệnh từ chồng sắp cưới khi 30 tuổi và đến nay, ở tuổi 60 sức khỏe vẫn ổn định, sinh hoạt hàng ngày diễn ra hoàn toàn bình thường.
Bà từng chia sẻ với báo chí, năm 20 tuổi, bà yêu một nghệ sĩ múa ở một nước châu Âu. Cuối năm 1990, sau gần 10 năm yêu nhau, bà thực hiện các thủ tục xuất cảnh để sum họp cùng người yêu.
Tuy nhiên, khi xét nghiệm, mẫu máu của bà phát hiện có vấn đề và được chuyển ra nước ngoài để xét nghiệm thêm. Và kết quả bà đã có HIV.
Khi được bác sĩ hỏi có quan hệ tình dục với ai không, bà cho biết chỉ quan hệ với chồng sắp cưới. Khi đó, người phụ nữ này vừa tròn 30 tuổi và được ghi nhận là trường hợp nhiễm HIV đầu tiên tại Việt Nam.
Kể từ khi phát hiện có HIV, bà được theo dõi định kỳ và đến tháng 1/1997 thì bắt đầu uống thuốc điều trị kháng virus (ARV).
Nếu được điều trị sớm, tuổi thọ của người nhiễm HIV gần như người bình thường
Các chuyên gia khuyến cáo
Ngay sau khi phát hiện nhiễm HIV, người bệnh cần được điều trị ARV ngay trong ngày. Nếu tải lượng virus dưới 200 bản sao /ml máu bệnh sẽ không lây qua đường tình dục. Trước nguy cơ tiềm ẩn lây nhiễm HIV trong cộng đồng thì thuốc điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) là vũ khí dự phòng trước phơi nhiễm HIV cho những người chưa nhiễm HIV và có hành vi nguy cơ nhiễm HIV cao. PrEP được sử dụng đối với: Người nam có quan hệ tình dục đồng giới; người chuyển giới nữ; người bán dâm; người tiêm chích ma túy; bạn tình của người nhiễm HIV và người nhiễm HIV đó chưa điều trị ARV hoặc điều trị ARV nhưng tải lượng HIV trên 200 bản sao/ml máu.
Nếu người sử dụng PrEP tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ, PrEP sẽ hầu như loại bỏ nguy cơ bạn bị nhiễm HIV với hiệu quả dự phòng nhiễm HIV lên đến 96 – 99%.
Trong buổi gặp mặt báo chí nhân Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS năm 2020 diễn ra vào sáng nay 17/11, bác sĩ Nguyễn Hữu Hải - Phó trưởng Phòng Điều trị HIV/AIDS, Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, kể từ khi người nhiễm HIV được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1990 đến năm 2020, Việt Nam đã có 30 năm chính thức ứng phó với dịch HIV/AIDS.
Sau 30 năm được phát hiện nhiễm HIV, người đầu tiên ở Việt Nam nhiễm HIV là người phụ nữ nói trên hiện được theo dõi, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM. Hiện tại bà vẫn đang sống khỏe mạnh nhờ tuân thủ điều trị.
Với người nhiễm HIV, nếu được điều trị sớm (chỉ số CD 4 trên 350 tế bào/uL) thì một người nhiễm HIV ở tuổi 20 có thể sống tới 50-60 năm nữa. Tuổi thọ của người nhiễm gần như người bình thường nếu được điều trị sớm, tuân thủ điều trị.
Ông Hoàng Đình Cảnh - Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế Việt Nam cho biết, hiện có khoảng 230.000 người nhiễm HIV còn sống nhưng chỉ có 190.000 người biết được tình trạng nhiễm HIV của mình.
Việt Nam có 153.000 bệnh nhân đang điều trị thuốc ARV - là thuốc kháng virus có tác dụng ức chế sự phát triển của virus HIV. Trường hợp nếu được uống thuốc sớm, liên tục và tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc điều trị, người bệnh sẽ giảm nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội, giảm nguy cơ tử vong.
Ông Cảnh cũng nhấn mạnh, Việt Nam là 1 trong 4 quốc gia cùng với Anh, Đức, Thụy Sĩ có chất lượng điều trị HIV/AIDS tốt nhất thế giới với tỉ lệ người nhiễm HIV được điều trị ARV có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế đạt 96%, góp phần giảm lây nhiễm HIV trong cộng đồng.
Theo ông Cảnh, trong hơn 10 năm qua, Việt Nam liên tục đạt 3 giảm: Giảm số người mới nhiễm HIV, giảm số chuyển sang AIDS và giảm số tử vong liên quan đến HIV/AIDS; kiểm soát tỉ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dưới 0,3%.
Từ năm 2000 đến nay, Việt Nam đã dự phòng cho khoảng 500.000 người không bị lây nhiễm HIV và 200.000 người không bị tử vong do AIDS.
Mặc dù dịch HIV/AIDS trong cộng đồng tiếp tục giảm nhưng diễn biến phức tạp, gia tăng ở một số nhóm nguy cơ cao (quan hệ tình dục đồng giới nam, nghiện chích ma tuý).
Mỗi năm Việt Nam vẫn có 10.000 người mắc mới với khoảng 2.000 – 3.000 người tử vong, gấp 10 lần số tử vong của 28 bệnh truyền nhiễm thường gặp ở Việt Nam. Tuy nhiên, số trường hợp tử vong đều rơi vào nhóm tuổi rất trẻ (dưới 30 tuổi).
Luật Phòng chống HIV/AIDS sửa đổi, bổ sung được Quốc hội thông qua lập "kỷ lục" gì?
Chiều 16/11, với 100% đại biểu có mặt biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống HIV/AIDS. Đây được coi là "kỷ lục", lần đầu tiên Quốc hội thực hiện xem xét và thông qua trong một kỳ và là 1 trong 3 Luật được 100% đại biểu có mặt đồng ý thông qua.
PGS-TS Nguyễn Hoàng Long - Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế, cho biết thông thường các luật thường được Quốc hội xem xét, thảo luận trong một kỳ họp. Sau đó, Chính phủ và cơ quan soạn thảo hoàn thiện, tiếp thu, giải trình, rồi Quốc hội xem xét để thông qua tại kỳ họp sau đó.
Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) lần này được Quốc hội xem xét và thông qua ngay trong một kỳ họp.
“Đây là "kỷ lục", lần đầu tiên Quốc hội thực hiện xem xét và thông qua trong một kỳ; và là 1 trong 3 luật được 100% đại biểu có mặt đồng ý thông qua"- ông Long nhận định.
Theo đó, luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2021.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống HIV/AIDS tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các hoạt động phòng chống HIV/AIDS góp phần giảm số người nhiễm mới HIV xuống dưới 1.000 trường hợp, giảm số tử vong do AIDS đạt mức dưới 1 trường hợp/100.000 dân, nâng cao hiệu lực, hiệu quả phòng, chống HIV/AIDS nhằm chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 theo Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.