Theo đó, Sở yêu cầu các đơn vị cần quan tâm, bố trí, phân công giáo viên có trình độ chuyên môn đúng tiêu chuẩn quy định giảng dạy tại các trường; có kế hoạch bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên để từng bước nâng cao chất lượng dạy học môn Tin học.
Đặc biệt, đối với các trường có phòng máy cần tăng cường việc thực hành của học sinh phù hợp với phân phối chương trình. Giáo viên cần khai thác nguồn lực hiện có của gia đình học sinh, hướng dẫn học sinh tiếp tục thực hành các ứng dụng khi ở nhà.
Đẩy mạnh các hoạt động giáo dục có nội dung Tin học - Công nghệ thông tin dưới hình thức các câu lạc bộ để học sinh được tiếp cận, vận dụng kiến thức, kĩ năng công nghệ thông tin vào giải quyết các tình huống, yêu cầu trong thực tế học tập và cuộc sống.
Các cấp quản lí giáo dục chịu trách nhiệm hướng dẫn, quản lí, kiểm tra, giám sát việc các trường thực hiện và chịu trách nhiệm về chất lượng học môn Tin học của học sinh tại địa phương.
Về thực hiện giảng dạy. Để khắc phục những hạn chế, bất cập của bộ sách Cùng học tin học quyển 1, quyển 2, quyển 3 và thực hiện đổi mới nội dung, phương pháp tổ chức dạy học môn Tin học theo định hướng phát triển năng lực học sinh, các đơn vị có kế hoạch triển khai đưa bộ sách Hướng dẫn học Tin học lớp 3, lớp 4, lớp 5 của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam hoặc chọn bộ sách phù hợp với học sinh và điều kiện của địa phương đã được Sở GD&ĐT thẩm định bao gồm:
Bộ sách Luyện tập Tin học 3, 4, 5 của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam; bộ sách Tin học 3, 4, 5 của Nhà Xuất bản Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh vào tổ chức dạy học môn Tin học cấp Tiểu học thay thế các tài liệu không còn đáp ứng được yêu cầu trên tinh thần tự nguyện của học sinh và cha mẹ học sinh, đảm bảo tiết kiệm và hiệu quả.