Tham dự buổi lễ có Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng cùng hơn 500 cán bộ tập kết, đi B và đại diện thân nhân của cán bộ tập kết, đi B các tỉnh, thành phố: TP Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Long An, Đồng Nai, Tây Ninh, An Giang, Thanh Hóa, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Tháp.
100 ngày Tập kết chuyển quân tại Cao Lãnh là một sự kiện trọng đại trong lịch sử dân tộc, đã tạo tiền đề cho Cách mạng Việt Nam bước sang một trang sử mới đầy oanh liệt và hào hùng. 65 năm trôi qua, sự kiện tập kết, chuyển quân năm 1954 tại Cao Lãnh vẫn còn nguyên giá trị lịch sử.
Tiết mục văn nghệ tái hiện ngày tập kết chuyển quân tại Cao Lãnh. |
Bài học về tinh thần đoàn kết dân tộc, về ý chí quyết tâm, thống nhất của quân dân ta, ra đi vì nghĩa lớn, vì sự nghiệp cách mạng cao cả vẫn luôn sáng ngời. Tập kết, chuyển quân ra miền Bắc là một chủ trương, chính sách lớn về quản lý, đãi ngộ, sử dụng và bồi dưỡng, đào tạo một đội ngũ cán bộ, chiến sĩ vừa góp phần cho công cuộc xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, vừa chuẩn bị lực lượng cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam sau này.
Theo Hiệp định đình chiến ở Việt Nam, cùng với hai tỉnh khác ở khu vực Nam bộ và Nam Trung bộ là Bình Thuận và Cà Mau, thị trấn Cao Lãnh, tỉnh Long Châu Sa (tức TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp ngày nay) được chọn làm điểm tập kết chuyển quân ra Bắc trong 100 ngày của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Tại thời điểm đó, tỉnh Long Châu Sa đã đón tiếp và đưa tiễn 13.508 cán bộ, chiến sĩ và con em miền Nam từ các tỉnh Mỹ-Tân-Gò, Long Châu Sa, Gia-Định-Ninh, Phân Liên Khu miền Đông và quân tình nguyện Cao Miên xuống tàu tập kết ra Bắc. Trong đó, toàn tỉnh Long Châu Sa có 2.563 người. Chuyến tàu cuối cùng rời bến bắc Cao Lãnh chở đoàn quân tập kết ra miền Bắc vào ngày 29/10/1954.
100 ngày tập kết chuyển quân tại Cao Lãnh là 100 ngày thắm đượm nghĩa tình quân dân. Bộ đội vừa học tập Hiệp định vừa giúp dân sửa nhà, đắp đường, làm cầu, tuyên truyền, xây dựng đời sống mới... Đặc biệt, trong thời gian tập kết, Tiểu đoàn 311 của tỉnh đã góp sức cùng với nhân dân xây dựng hai công trình có ý nghĩa to lớn là Đài liệt sĩ và mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc.
Tượng đài tập kết năm 1954 tại Cao Lãnh. |
Để ghi nhớ sự kiện này, tỉnh Đồng Tháp cùng các tỉnh, thành phố có cán bộ, chiến sĩ và con em miền Nam tập kết tại Cao Lãnh năm 1954 gồm: TP Hồ Chí Minh, Long An, Tiền Giang, An Giang, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai và Tây Ninh tiến hành xây dựng công trình Tượng đài tập kết năm 1954 tại Cao Lãnh.
Công trình Tượng đài tập kết năm 1954 tại Cao Lãnh sẽ được địa phương quản lý, sử dụng và phát huy giá trị, làm nơi sinh hoạt văn hóa, vui chơi giải trí, tham quan du lịch, quảng bá hình ảnh địa phương, giáo dục truyền thống cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Dịp này, Cục Lưu trữ Văn phòng Trung Ương Đảng, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III, tỉnh Đồng Tháp cùng phối hợp tổ chức Triển lãm tài liệu lưu trữ chủ đề “Cao Lãnh - Ra đi để trở về” và bàn giao bản sao hồ sơ, kỷ vật cán bộ Tập kết, cán bộ đi B của tỉnh Đồng Tháp mà trước lúc ra đi đã gởi lại cho tổ chức cất giữ.
Công trình Tượng đài Tập kết 1954 tại Cao Lãnh được khởi công xây dựng từ năm 2017 trên khuôn viên 12.000m2 (tại Bến Bắc Cao Lãnh, phường 6, TP Cao Lãnh) - địa điểm diễn ra sự kiện Tập kết năm 1954. Công trình có tổng mức đầu tư gần 49 tỷ đồng, bao gồm các hạng mục: tượng đài và phù điêu (tượng đài cao 11m, không tính bệ tượng), sân lễ đài, sân đường, hoa viên cây xanh, hồ nước, hệ thống cấp nước tưới cây, cấp điện chiếu sáng và chống sét… Sau thời gian hơn hai năm, công trình được nghiệm thu và đưa vào sử dụng.