Từ lính bộ binh đến... phi công
Anh hùng Nguyễn Văn Bảy sinh năm 1936, tại làng Hòa Thành, quận Lai Vung, tỉnh Sa Đéc (nay là huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp). Ông sinh ra trong một gia đình nông dân, cuộc sống khó khăn trong hoàn cảnh đất nước chiến tranh.
Năm 17 tuổi ông giác ngộ Cách mạng, đi bộ đội rồi tập kết ra Bắc làm lính bộ binh. Do tốt tướng, có sức khỏe nên ông lọt vào tầm ngắm của đơn vị khi chọn lựa người đưa đi đào tạo phi công.
Sau khi được chọn đào tạo phi công, việc trước tiên là bồi dưỡng trình độ cho đạt chuẩn. Những năm kháng chiến ác liệt, điều kiện khó khăn và đang cần phi công nên tổ chức đã bồi dưỡng trình độ lớp 3 lên lớp 10 cho chiến sĩ trẻ Nguyễn Văn Bảy trong vòng 7 ngày. Nhờ sáng dạ, thầy dạy tới đâu ông Bảy theo kịp tới đó.
Sau thời gian 3 năm học tập ở Trung Quốc, tháng 4/1965, phi công Nguyễn Văn Bảy về nước tham gia chiến đấu trong đội hình Trung đoàn tiêm kích 921 Sao Đỏ. Lúc đó quân Mỹ đang leo thang chiến tranh và đánh phá miền Bắc. Ngày đó ta có khoảng 30 máy bay, trong khi Mỹ có hàng nghìn chiếc. Mỗi lần ném bom, không quân Mỹ huy động hàng trăm chiếc máy bay tham gia.
Các phi công Mỹ điều khiển những chiếc máy bay hiện đại nhất thế giới bấy giờ như F-4, F-105. Máy bay có tốc độ cao gấp đôi máy bay của ta, lại được trang bị tên lửa hồng ngoại, radar phát hiện mục tiêu… gây nhiều khó khăn cho không quân ta.
Trong khi đó, ông Bảy cùng đồng đội chỉ sử dụng súng pháo 37mm gắn trên máy bay MIG-17 của Liên Xô, ngắm bắn bằng mắt thường để đối đầu với máy bay Mỹ trong các trận không chiến.
“Huyền thoại” giữa bầu trời
Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Bảy thời còn trẻ. Ảnh: Tư liệu. |
Lần đầu xuất kích, ngày 7/10/1965, khi đối đầu với máy bay Mỹ trên bầu trời Yên Thế, phi đội có 3 máy bay, ông Bảy bay vị trí số 3. Khi chạm trán, máy bay của ông Bảy bị chúng “nhử mồi” cho bay rượt theo. Trong khi ông chưa kịp nhả đạn, thì máy bay đã trúng mảnh tên lửa của máy bay Mỹ.
Tổng cộng, máy bay của ông Bảy bị thủng 82 lỗ, trong đó có lỗ thủng ở kính chắn gió. Ông Bảy đã dùng tay che lỗ thủng nên giữ được máy bay ổn định và hạ cánh an toàn ở sân bay cách đó 120km.
Khi chuyên gia Liên Xô đến giúp đỡ, thấy chiếc bay bay bị thương “nhừ tử” mà hạ cánh được đã phải thốt lên những câu khâm phục.
Ông Bảy từng cùng đồng đội hạ 2 máy bay địch trong vòng 45 giây. Đó là ngày 5/9/1966, lúc 4 giờ chiều. Nhận được tin địch vào đánh bom Hà Nội, ông cùng đồng đội được lệnh cất cánh đánh chặn. Ở độ cao 1.500m, ông phát hiện tốp máy bay thứ hai vào ném bom.
Cách 15km đã thấy 2 chiếc máy bay địch, ông đuổi theo còn chừng 5km đã thấy rõ mục tiêu nhưng 2 máy bay địch phát hiện và vòng vo để thoát thân.
Bằng kinh nghiệm tác chiến, ông liền cho máy bay vòng qua đám mây để đón đầu. Khi máy bay địch lượn ra thì ngay lập tức bị ông bắn rơi, chiếc máy bay thứ hai cũng bị đồng đội bắn hạ sau đó 45 giây.
Đã có kinh nghiệm tác chiến, ông Bảy cùng đồng đội đã “quần nhau” với giặc trên bầu trời miền Bắc nhiều trận sinh tử. Trong suốt những năm chiến đấu (1966 - 1968), phi công Nguyễn Văn Bảy đã tham gia đánh 13 trận, bắn rơi 7 máy bay Mỹ (2 chiếc F-105, 5 chiếc F-4).
Cùng đồng đội, phi công Nguyễn Văn Bảy đã làm nên chiến công vẻ vang ở mặt trận trên không. Ông là một trong 16 phi công Việt Nam đạt cấp “Ách” (Aces) trong kháng chiến chống Mỹ. Đây là danh hiệu công nhận các phi công lái máy bay quân sự có số lần bắn hạ máy bay đối phương đạt con số 5 trở lên.
Trong cuộc không chiến trên bầu trời miền Bắc từ năm 1966 đến trận Điện Biên Phủ trên không, Việt Nam có 16 phi công được công nhận danh hiệu “Ách” trong khi đó con số phi công Aces của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam chỉ có 5 người.