Dòng nhạc ngoài "khuôn khổ"

GD&TĐ - Nhạc không chính thống được hiểu một cách gần gũi nhất là dòng nhạc tách biệt với những thể loại âm nhạc đại chúng. Mặc dù không phải là ca sĩ hay nhạc sĩ chuyên nghiệp thì bất cứ ai cũng có thể tự chế cho mình những sản phẩm âm nhạc đậm dấu ấn cá nhân.

 Dòng nhạc không chính thống đang tạo nên sự uy hiếp đối với ca sĩ chính thống bằng cách gián tiếp “trợ giúp” thị trường băng đĩa lậu.
Dòng nhạc không chính thống đang tạo nên sự uy hiếp đối với ca sĩ chính thống bằng cách gián tiếp “trợ giúp” thị trường băng đĩa lậu.

Hậu quả khó lường

Lợi thế của nhạc không chính thống là sự tự do, các “nghệ sĩ” được thả mình thoải mái trên không gian hoạt động chính của họ là Internet - nơi không có những quy định gò ép phải làm theo khuôn phép nên không khó để nhận ra sự vượt giới hạn trong những sản phẩm nhạc không chính thống: ca từ thể hiện lối sống khác người, thiếu văn hóa.

Dù trí tưởng tượng phong phú đến mấy, và dù có cái nhìn thoáng đối với giới trẻ đến đâu, cũng khó chấp nhận cách phát ngôn bất chấp và chợ búa. Trong khi đó, giới trẻ rất thích những gì mới lạ nên khi gặp những bài rap của một số ca sĩ ngầm hiện nay, họ dễ đón nhận một cách vồ vập, thích thú.

Dòng nhạc không chính thống còn đang tạo nên sự uy hiếp đối với ca sĩ chính thống bằng cách gián tiếp “trợ giúp” thị trường băng đĩa lậu. Người ta dễ dàng tải những MV “chất lượng” từ internet để làm phong phú thị trường băng đĩa mà chẳng mất ... một xu.

Trong thời điểm Luật bản quyền chưa phổ biến đến mọi ngõ ngách của đời sống văn hóa thì có lẽ chưa thể lên án dòng nhạc không chính thống cũng như “kết tội” ai đó chỉ vì họ đang “tự do” với sở thích cá nhân. Cách duy nhất để hạn chế mặt trái của trào lưu này chính là một sự định hướng văn hóa nghe trong giới trẻ.

Sự ngộ nhận đáng lo ngại

Nếu như nhạc không chính thống chỉ dừng ở mức độ “cây nhà lá vườn” để thỏa mãn sở thích cá nhân thì có lẽ không có gì đáng nói.

Vấn đề là hiện nay cùng với sự phát triển của công nghệ, hàng loạt ca sĩ “vườn” có nhu cầu tiếp cận công chúng và chia sẻ sản phẩm của mình qua hình thức online. Và, kết quả là: từ sở thích cá nhân kỳ quái, nhạc không chính thống đang trở thành một trào lưu có tính chất đua đòi, ảnh hưởng tiêu cực đến giới trẻ.

Trong khi sản phẩm âm nhạc chính thống của những ca sĩ tên tuổi đang chật vật với hình thức sản xuất băng đĩa để tiếp cận công chúng thì chỉ cần vài cú click, những sản phẩm nhạc không chính thống sẽ phóng thẳng đến thị trường online, mà phần lớn là giới trẻ.

Không cần làm phép so sánh cũng có thể thấy tốc độ và hiệu quả qua hình thức tiếp cận công chúng của ca sĩ không chính thống với ca sĩ chính thống khác nhau như thế nào.

Công bằng mà nói, nếu xét về độ long lanh và khả năng đầu tư công nghệ hiện đại thì MV của ca sĩ không chính thống vượt trội hơn hẳn so với một số sản phẩm âm nhạc chính thống. Tuy nhiên, độ long lanh của hình ảnh cũng là nguyên nhân dẫn đến sự ngộ nhận về tài năng, thậm chí có người còn tự cho mình là ngôi sao ca nhạc online.

Suy cho cùng, sự thoái trào của xu hướng dễ nghe chưa phải là dấu chấm hết cho dòng nhạc không chính thống. Nếu nhìn vào sức ảnh hưởng của dòng nhạc này trên thị trường băng đĩa lậu thì quả là “đáng nể”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ