Khuyến khích nghệ sĩ sáng tạo

GD&TĐ - Việc xây dựng, hoàn thiện chính sách pháp luật nhằm tạo điều kiện, khuyến khích sáng tạo trong hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang là vấn đề cấp thiết được đặt ra tại Hội thảo Chuyên đề “Hoạt động sáng tác, lưu hành tác phẩm nghệ thuật ca múa nhạc trong thời kỳ hội nhập, phát triển hiện nay” mới đây tại Hà Nội.

 Khuyến khích nghệ sĩ sáng tạo

Đơn giản hóa thủ tục hành chính

Hiện nay, công tác quản lý Nhà nước lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn được thực hiện theo Nghị định số 79/2012/NĐ-CP ngày 5/10/2012 của Chính phủ quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu và Nghị

định số 15/2016/NĐ-CP ngày 15/3/2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 79/2012/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 1/1/2017.

Sau nhiều năm thực hiện, nhiều điều khoản tại Nghị định số 79/2012/NĐ-CP và Nghị định 15 về nghệ thuật biểu diễn đã không còn phù hợp với thực tiễn.

Bên cạnh những mặt tích cực trong sự phát triển chung của đất nước, góp phần phát triển du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, là cầu nối tích cực trong giao lưu, hợp tác quốc tế, hoạt động sáng tạo, biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang cũng bộc lộ những hạn chế, nhất là trong cơ chế quản lý như các vở diễn mỗi năm phải làm lại giấy phép; đi thi các cuộc thi sắc đẹp ở nước ngoài có nhất thiết là phải có danh hiệu trong nước mới được cấp phép…

Việc ban hành các văn bản quy định về hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang tuy kịp thời nhưng còn chậm so với tốc độ phát triển các loại hình nghệ thuật.

Ông Lê Minh Tuấn – Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn đưa ra dẫn chứng, trước đây Nghị định số 79/2012/NĐ-CP quy định Giấy phép cấp cho các chương trình, vở diễn sân khấu không có thời hạn.

Tuy nhiên, trong thực tiễn phát sinh những vấn đề bất cập sau: Có những tổ chức đã giải thể, ngừng hoạt động nhưng do giấy phép vẫn có hiệu lực nên vẫn giao cho các tổ chức, cá nhân khác sử dụng đi tổ chức biểu diễn dẫn đến một số vi phạm, không đảm bảo về mặt nội dung, chất lượng nghệ thuật.

Tạo thuận lợi trong hành lang pháp lý

Ông Vương Duy Biên - Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL cho biết: Thời gian tới Cục Nghệ thuật biểu diễn sẽ kiến nghị sửa đổi Nghị định 79 và Nghị định 15 về nghệ thuật biểu diễn theo hướng thông thoáng hơn.

Bao gồm: Kiến nghị các bài hát đã quen thuộc thì không cần xin cấp phép phổ biến; việc cấp phép phổ biến bài hát sẽ được trao lại cho các địa phương; công dân Việt Nam có quyền tự do ra nước ngoài tham dự các cuộc thi sắc đẹp mà không cần phải xin phép Cục Nghệ thuật biểu diễn; thời hạn mỗi năm phải cấp đổi lại giấy phép biểu diễn với tác phẩm âm nhạc, sân khấu cũng sẽ được bãi bỏ.

Về tiêu chuẩn để công dân Việt Nam ra nước ngoài tham dự các cuộc thi sắc đẹp quốc tế, Cục Nghệ thuật biểu diễn sẽ kiến nghị xem xét bỏ quy định hiện hành là công dân Việt Nam ra nước ngoài tham dự cuộc thi sắc đẹp bắt buộc phải đạt danh hiệu ở các cuộc thi trong nước.

Cùng với đó, với các nghệ sĩ Việt Nam sinh sống ở nước ngoài về nước biểu diễn, thay vì cấp giấy phép cho các đơn vị tổ chức thì sẽ cấp giấy phép cho chính bản thân các nghệ sĩ. Giấy phép này có hiệu lực ở mọi công ty, tổ chức...

“Mục đích cao nhất là tạo điều kiện thuận lợi cho công chúng được thưởng thức các sản phẩm nghệ thuật biểu diễn. Thứ hai là tạo thuận lợi trong hành lang pháp lý đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn từ các thành phố đến địa phương. Thứ ba là thuận lợi cho công tác quản lý, làm thế nào để quản lý tốt, nhưng thông thoáng, hạn chế tình trạng xin - cho, làm nhiều giấy tờ, thủ tục hồ sơ” - Thứ trưởng Vương Duy Biên nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ