Đông Nam Á: Xu hướng học trường Tây tại "sân nhà"

GD&TĐ - Mô hình học tập tại chi nhánh của các cơ sở giáo dục Anh ở địa phương đang thu hút sự quan tâm của phụ huynh Đông Nam Á, đặc biệt tại các quốc gia như Malaysia, Thái Lan, Singapore.

Học sinh Đông Nam Á trải nghiệm mô hình giáo dục Anh quốc.
Học sinh Đông Nam Á trải nghiệm mô hình giáo dục Anh quốc.

Hơn 40 năm trước, chị Lyn Khaw đã di chuyển hàng nghìn km từ quê hương Malaysia đến Anh nhằm theo đuổi nền giáo dục hàng đầu thế giới. Thời điểm đó, chị Khaw mới 15 tuổi, phải một mình trải nghiệm sống và học tập độc lập tại một quốc gia xa lạ.

Giờ đây, con trai của chị Khaw đang có cơ hội tương tự nhưng không cần phải rời xa gia đình ở Malaysia.

Chị Khaw nằm trong số ngày càng nhiều phụ huynh giàu có tại châu Á cho con cái theo học các trường hàng đầu tại Anh đặt cơ sở tại địa phương. Các cơ sở giáo dục, được thành lập ở những nước Đông Nam Á như Malaysia, Singapore, Thái Lan, có ký túc xá dành cho học sinh, sinh viên. Dù không đến Anh, các em vẫn được trải nghiệm cuộc sống theo văn hoá phương Tây.

Ước tính, mỗi gia đình chi trả tới 47.000 USD một năm (hơn 1 tỷ đồng) để con cái được theo học trong môi trường Anh quốc. Theo tập đoàn tư vấn và kế toán toàn cầu EY, người dân Đông Nam Á đã chi 80 tỷ USD cho giáo dục tư nhân vào năm 2021, tăng từ 60 tỷ USD vào 6 năm trước đó. Dự kiến, chi tiêu dành cho giáo dục tại Đông Nam Á, vốn bị trì trệ do dịch Covid-19, sẽ tăng tốc trong những tháng tới.

Ông Luke Pais, làm việc tại Tập đoàn EY chi nhánh châu Á – Thái Bình Dương cho biết: “Chương trình giảng dạy của Vương quốc Anh được đánh giá cao, đặc biệt tại những quốc gia có quan hệ lịch sử với Anh như Malaysia, Singapore, Thái Lan”.

Đơn cử, Trường Marlborough, trụ sở tại hạt Wiltshire, Anh, đã mở chi nhánh nước ngoài duy nhất tại thành phố Iskandar Puteri, Malaysia vào năm 2012. Đây là ngôi trường phổ thông có chất lượng giáo dục hàng đầu tại Anh, nơi Công nương Kate Middleton, vợ của Hoàng tử William từng theo học.

Gia đình chị Khaw đã đăng ký cho con trai 16 tuổi, Ren, nhập học tại Trường Marlborough. Bà mẹ lý giải thành phố Iskandar Puteri nằm tương đối gần thành phố Kualar Lumpur, nơi ở của gia đình. Cậu bé có thể về nhà trong kỳ nghỉ.

Tuy nhiên, học phí không hề rẻ. Hàng năm, gia đình phải trả 47.500 USD, con số cao gấp 5 lần mức lương trung bình của người dân Malaysia. Dù vậy, 1/4 học sinh nhà trường là người dân Malaysia.

Chị Khaw bày tỏ: “Mô hình học tập này cho phép trẻ em hình thành sự tự do cá nhân, bước đầu để trở nên độc lập nhưng vẫn phải tuân thủ các quy định của trường học. Chi phí học tập không phải là rẻ nhưng xứng đáng với nền giáo dục mà con trai tôi thụ hưởng”.

Trong khi đó, Trường Cao đẳng Dulwich (Anh), đã thành lập 10 chi nhánh tại châu Á. Gần đây nhất là chi nhánh ở Yangon, thành phố lớn nhất Myanmar. Một ngôi trường khác đang chú ý đến khu vực này là Trường nội trú Gordonstoun, ngôi trường Hoàng thân Philip và ba con trai Charles, Andrew và Edward từng theo học. Trường dự kiến ở chi nhánh quốc tế đầu tiên tại Trung Quốc trong năm nay và mở rộng ở Đông Nam Á trong những năm tới.

Hiệu trưởng Lisa Kerr cho biết: “Chúng tôi đã chào đón trẻ em từ nhiều quốc gia trong khu vực Đông Nam Á đến học nhưng lựa chọn này không phù hợp với tất cả các học sinh. Việc từng giáo dục ba thế hệ của hoàng gia Anh, trong đó có người thừa kế ngai vàng, sẽ là điểm thu hút lớn đối với những gia đình muốn con cái được nhận nền giáo dục tốt nhất”.

Theo BBC

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ