Bùng nổ giáo dục tư nhân tại Trung Quốc

GD&TĐ - Angeline, 11 tuổi, nói thạo cả tiếng Anh và tiếng Trung. Trong năm học cô bé học trường quốc tế, còn vào mùa hè thì sang Mỹ tham gia trại hè. Bố mẹ Angeline cho con tránh hẳn hệ thống GD công lập vì lo lắng “hiệu ứng của nồi áp suất”.

Lớp học nhạc cụ truyền thống tư nhân tại Changsha, thủ phủ tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc
Lớp học nhạc cụ truyền thống tư nhân tại Changsha, thủ phủ tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc

Trường tư đánh trúng nhu cầu người giàu

“Tôi cho 2 con gái học ở một trường tư bởi trong trường công không có đủ sự giao tiếp giữa giáo viên và học sinh. Và có quá nhiều sức ép” - Amy Lin, mẹ Angeline, từ Đài Loan sang Trung Quốc đại lục 6 năm trước, chia sẻ - “Tôi muốn sau này con sang Mỹ học.

Ở đó có những trường đại học tốt hơn và cơ hội việc làm tốt hơn”. Gia đình Lin là một trong những gia đình Trung Quốc giàu có quay lưng với giáo dục Trung Quốc truyền thống.

Ngày càng nhiều người Trung Quốc tin rằng mô hình GD phương Tây sẽ giúp con họ phát triển sáng tạo. Và họ sẵn sàng chi trả cho điều đó.

Công ty môi giới và đầu tư CLSA ước tính thị trường GD tư nhân tại Trung Quốc hiện có doanh số 315 triệu USD. CLSA dự đoán tuyển sinh vào các trường quốc tế, toàn bộ đều là trường tư, tăng 14% hàng năm từ nay đến 2018.

Nghiên cứu thị trường GD của Tập đoàn McKinsy công bố tháng 1/2015 cho thấy, tại Trung Quốc số trường mẫu giáo tư đang nhiều hơn cả trường công. Còn ở cấp trung học, tỉ lệ trường tư tại Trung Quốc đã tăng lên 10% so với 3% chưa đầy một thập kỉ trước.

Thị trường GD tư nhân tiềm năng

Mỗi năm, hơn 9 triệu thí sinh Trung Quốc dự kì thi tuyển sinh đại học khắc nghiệt quyết định việc làm và địa vị xã hội tương lai.

Tuy nhiên, trước kỳ thi này là một cuộc chạy đua trường kì. Các phụ huynh bắt đầu chạy đua cho con vào trường tốt ngay từ tuổi mẫu giáo.

Điều này quyết định tới lộ trình tiếp theo là vào một trường tiểu học tốt, một trường THCS tốt và sau đó là một trong những trường THPT tốp đầu, nơi có những giáo viên và nguồn lực tốt nhất.

“Hệ thống GD hiện nay không quan tâm tới phát triển nhân cách, giá trị sống và trách nhiệm xã hội. Đây là tồn tại lớn” - Yang Dongping, chuyên viên GD tại Viện Công nghệ Bắc Kinh và Hiệu trưởng Viện Nghiên cứu GD thế kỉ 21 nhận xét - “Rất khó để thay đổi tư duy từ một nền GD nặng thi cử sang một nền GD lưu tâm tới phát triển cá nhân”.

Các trường tư ăn nên làm ra cũng vì đáp ứng được nguyện vọng của bộ phận phụ huynh trung lưu.

Marianne Daquet mở Trường Atelier tại Bắc Kinh vì nắm bắt được nhu cầu đó. Atelier dạy các môn nghệ thuật từ sơn dầu tới điêu khắc cho học sinh Trung Quốc từ 3 - 15 tuổi.

Các lớp học được dạy bằng tiếng Anh hoặc tiếng Pháp bởi giáo viên nước ngoài. Những học sinh lớn hơn đang đăng kí đi học tại các viện nghệ thuật nổi tiếng thế giới như Central St Martins tại London hay Beux Arts tại Paris.

Đương nhiên chi phí cho GD tư không hề rẻ. Nghiên cứu của Tập đoàn Truyền thông Hurun cho thấy, người giàu Trung Quốc sẵn sàng dành 20 - 25% tổng chi tiêu hàng năm cho GD của con cái.

Như gia đình Amy Lin phải chi 28.000 USD/năm cho tiền học của Angeline. Trong khi chi phí học ở trường công tại Bắc Kinh chỉ 1.500 USD/năm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ