Đồng Nai sẽ thanh tra việc thực hiện quy hoạch xây dựng

GD&TĐ - Đồng Nai sẽ tiến hành thanh tra chuyên đề và quy hoạch xây dựng trên địa bàn tỉnh, thời gian thanh tra từ đầu năm 2015 đến cuối 2022.

Đồng Nai sẽ thanh tra việc thực hiện quy hoạch xây dựng

UBND tỉnh Đồng Nai vừa ban hành Kế hoạch số 193/KH-UBND về việc thanh tra chuyên đề quy hoạch và thực hiện quy hoạch xây dựng trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, đối tượng thanh tra là các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm lập, thẩm định, phê duyệt, quản lý và thực hiện quy hoạch xây dựng.

Thời kỳ thanh tra từ ngày 1/1/2015 - 31/12/2022, nếu có nội dung liên quan đến trước và sau thời kỳ thanh tra, đoàn thanh tra có thể kiểm tra làm rõ.

Kế hoạch nêu rõ, nội dung thanh tra tập trung vào việc ban hành các văn bản, cơ chế, chính sách về quy hoạch và thực hiện quy hoạch xây dựng; chấp hành pháp luật trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch xây dựng; tổ chức, quản lý và bố trí nguồn lực để lập quy hoạch và tổ chức thực hiện quy hoạch.

Cơ quan Thanh tra cũng tiến hành thanh tra việc chấp hành các quy định đối với các đồ án quy hoạch đã được phê duyệt và quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị, công tác kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo và xử lý vi phạm liên quan đến quy hoạch xây dựng…

Theo UBND tỉnh Đồng Nai, việc thanh tra nhằm phát hiện những sơ hở, bất cập, khuyết điểm, vi phạm trong công tác quản lý về quy hoạch và thực hiện quy hoạch xây dựng; xác định rõ trách nhiệm của từng cấp, từng cơ quan (gắn với trách nhiệm cá nhân).

Qua đó, cơ quan chức năng sẽ có biện pháp chấn chỉnh quản lý và xử lý nghiêm các vi phạm về quy hoạch, thực hiện quy hoạch xây dựng.‏ Đồng thời, sửa đổi, bổ sung những bất cập về cơ chế, chính sách, pháp luật về quy hoạch.

UBND các huyện, thành phố thuộc tỉnh chỉ đạo Thanh tra cấp huyện thành lập đoàn thanh tra chuyên đề quy hoạch và thực hiện quy hoạch xây dựng phù hợp với thực tế tại địa phương, triển khai thực hiện trước ngày 15/8/2023.

Nhiều sai phạm tại các dự án đất đai

Thời gian qua, cơ quan thực thi pháp luật đã quyết liệt vào cuộc kiểm tra, thanh tra và phát hiện hàng loạt sai phạm đất đai tại Đồng Nai. Trong đó, theo đánh giá của cơ quan chức năng, việc vi phạm về đất đai, xây dựng chủ yếu xảy ra ở những khu vực có công nghiệp phát triển, đông dân cư.

Điển hình như tình trạng xây dựng trái phép ở cụm công nghiệp Phước Tân có diện tích hơn 72ha; dự án Khu phức hợp thương mại dịch vụ và căn hộ cao cấp xây dựng không phép trên 23.000m2 đất công xảy ra trên đường Đồng Khởi, TP. Biên Hòa...

Đáng chú ý, tình trạng phân lô, bán nền trái phép, sử dụng đất sai mục đích, lấn chiếm đất công vẫn xảy ra phức tạp.

Thêm vào đó, việc triển khai một số dự án khu dân cư ở Đồng Nai xuất hiện nhiều bất cập. Hàng loạt các "siêu dự án" quy mô lớn của nhiều nhà đầu tư tên tuổi chậm triển khai, bỏ hoang nhiều năm đang được xử lý trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Lớn nhất về quy mô là dự án Khu dân cư Long Tân - Phú Thạnh - Vĩnh Thanh tại xã Vĩnh Thanh, huyện Nhơn Trạch do CTCP Đầu tư Nhơn Trạch làm chủ đầu tư, có quy mô lên tới gần 567 ha.

Dự án này đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư lần đầu từ năm 2007, tuy nhiên đến năm 2010, Thanh tra Chính phủ đã có kết luận chỉ rõ nhiều sai phạm tại dự án này. Trong đó, dự án buộc phải đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định nhưng UBND tỉnh Đồng Nai đã giao đất dự án trên cho CTCP Đầu tư Nhơn Trạch không thông qua đấu giá.

Tương tự, dự án đầu tư Khu dân cư tại xã Long Tân, huyện Nhơn Trạch do Công ty Sudico Miền Nam làm chủ đầu tư với diện tích 41,62ha. Dự án được giao đất từ năm 2011, tuy nhiên đến nay vẫn chỉ là đất trống, chưa triển khai công trình.

Hay tại dự án Khu dân cư thương mại dịch vụ tại phường Phước Tân, TP. Biên Hòa có diện tích lên tới 91,71 ha, do Công ty TNHH Cường Hưng làm chủ đầu tư. Dự án hiện đang phải tạm dừng triển khai, chờ quyết định của cơ quan tòa án.

Kết quả giám sát tình hình quản lý đất đai, xây dựng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2018 - 2021 cho thấy, trong giai đoạn này, toàn tỉnh có 54 dự án vi phạm tiến độ đầu tư, chậm đưa đất vào sử dụng theo quy định trong lĩnh vực đất đai.

Đến nay, UBND tỉnh đã thu hồi đất đối với 10 dự án, tổng diện tích gần 25ha và gia hạn tiến độ sử dụng đất đối với 48 dự án.

599 trường hợp lấn chiếm đất công; 94 trường hợp phân lô, bán nền và 388 trường hợp sử dụng đất không đúng mục đích.

Đối với lĩnh vực quản lý xây dựng, toàn tỉnh ghi nhận 681 trường hợp vi phạm về sai phép, không phép, sai thiết kế được duyệt.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.