Đây là nhận định được các chuyên gia đưa ra tại hội thảo "Cơ hội, thách thức đối với Đồng Nai sau khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động", do Tỉnh ủy và UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức sáng nay 30/8.
Ông Nguyễn Hữu Nguyên – Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư Đồng Nai cho biết, bên cạnh những thuận lợi, cơ hội đối với kinh tế Đồng Nai khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động, vẫn có nhiều thách thức mà tỉnh Đồng Nai có thể sẽ phải đối mặt và giải quyết.
Trước hết là về cơ sở hạ tầng. Hiện nay, các tuyến cao tốc, vành đai kết nối vùng đầu tư chưa kịp với kỳ vọng. Khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động sẽ tạo áp lực lớn lên hệ thống giao thông của Đồng Nai.
"Nếu không được đầu tư nâng cấp, mở rộng kịp thời sẽ ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế xã hội của tỉnh", ông Nguyên nói.
Thứ hai, thách thức về nguồn lao động. Số lao động phổ thông phục vụ sân bay Long Thành cần phải đào tạo, hoặc đặt hàng đào tạo mới đáp ứng được yêu cầu theo quy định của ngành hàng không. Trong khi đó, hiện các trường đại học, cao đẳng, trung cấp trên địa bàn tỉnh chưa đủ điều kiện đào tạo các ngành hàng không theo quy định của Cục hàng không Việt Nam.
Thứ ba, về cơ chế chính sách. Một số lĩnh vực mới như Khu công nghệ thông tin tập trung hiện nay quy định pháp luật chưa rõ ràng. Việc áp dụng vào thực tiễn còn gây nhiều khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước. Thêm vào đó, hiện nay Việt Nam không có các cơ chế, chính sách đặc thù cho việc phát triển các khu vực đô thị sân bay cũng như khu vực phụ trợ sân bay Long thành.
Cuối cùng, sức hút của sân bay Long thành sẽ kéo theo sự nóng vội trong việc thu hút đầu tư, cùng với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng. Điều này sẽ dẫn đến sự mất kiểm soát trong việc lựa chọn các dự án đầu tư theo đúng định hướng quy hoạch của tỉnh, trật tự an ninh nảy sinh nhiều phức tạp.
Để giải quyết các khó khăn trên, ông Nguyễn Hữu Nguyên kiến nghị 3 giải pháp cấp bách.
Thứ nhất, tập trung nguồn lực nhà nước để đầu tư, phát triển mạng lưới kết cấu hạ tầng, ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông, nhất là hạ tầng giao thông liên vùng và hạ tầng xã hội.
Thứ hai, Lựa chọn Nhà đầu tư tốt nhất, nhà thầu tốt nhất, ý tưởng tốt nhất cho sự phát triển của tỉnh. Đồng thời phải nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh thông qua việc cải thiện môi trường thu hút đầu tư, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy chính quyền các cấp,...
Thứ ba, tăng cường công tác thông tin, dự báo về cung – cầu lao động. Tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động trong những lĩnh vực trọng yếu đạt trình độ quốc tế, tạo lợi thế cạnh tranh lâu dài cho tỉnh...