Tạo động lực cho đội ngũ
Ông Đặng Văn Bình, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý (CBQL) giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho biết: Trong năm 2020, Bộ GD&ĐT đã chủ động, tích cực trong việc hoàn thiện các chính sách về đội ngũ nhà giáo, CBQL giáo dục để đáp ứng các yêu cầu mới, khi một loạt các văn bản thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ được ban hành hoặc có hiệu lực; đồng thời chuẩn bị tốt nhất về đội ngũ để thực hiện Chương trình GDPT năm 2018. Những chính sách ban hành góp phần tạo động lực cho đội ngũ nhà giáo.
Trước hết là quy định chế độ trợ cấp với nhà giáo đã nghỉ hưu nhưng chưa được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên trong lương hưu. Theo đó, từ ngày 15/3/2020, một số nhóm chưa được hưởng phụ cấp thâm niên trong lương hưu trong khoảng thời gian từ 1/1/1994 đến 31/5/2011 sẽ được hưởng mức trợ cấp một lần bằng tiền, được tính bằng (lương hưu tháng x 10%) x số năm được tính trợ cấp.
Tiếp đó là Nghị định số 71/2020/NĐ-CP quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên (GV) mầm non, tiểu học, THCS. Với lộ trình cụ thể và những hỗ trợ của Nhà nước, các cơ quan, đơn vị liên quan, việc nâng trình độ chuẩn được đào tạo của GV sẽ tạo chuyển biến tích cực, mạnh mẽ, biến thách thức thành cơ hội, tạo động lực mới để ngành Giáo dục khẳng định thêm quyết tâm thực hiện Chương trình GDPT mới theo hướng chuẩn hóa, hội nhập quốc tế. Cùng với đó, Bộ GD&ĐT cũng ban hành quy định về sử dụng GV, CBQL giáo dục trong các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, THCS chưa đáp ứng trình độ chuẩn được đào tạo.
Năm 2020, Bộ GD&ĐT đồng thời sửa đổi, hoàn thiện toàn bộ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp GV, giảng viên các cấp học từ mầm non, phổ thông cho đến CĐ sư phạm và ĐH. Trong đó, cầu thị tiếp thu tinh thần góp ý của các đại biểu Quốc hội, cử tri, GV và xã hội, Bộ GD&ĐT đã thống nhất với Bộ Nội vụ bỏ quy định cứng về trình độ ngoại ngữ, tin học trong tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp để hạn chế việc mua bán văn bằng, chứng chỉ và chạy đua theo bằng cấp mà không có năng lực thực tế. Yêu cầu ngoại ngữ, tin học với GV, giảng viên được đưa vào quy định trong tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ; bảo đảm những yêu cầu đó gắn với năng lực, hoạt động cụ thể, cần thiết và có giá trị hỗ trợ thực sự cho hoạt động nghề nghiệp của GV, giảng viên.
Cũng trong năm 2020, cùng với Chương trình ETEP, Bộ GD&ĐT chỉ đạo các cơ sở đào tạo GV được giao nhiệm vụ phối hợp với các địa phương từng bước thực hiện bồi dưỡng đội ngũ giảng viên sư phạm chủ chốt, GV, CBQL cốt cán; đồng thời, hỗ trợ trực tiếp, thường xuyên, liên tục cho đại trà GV về nội dung, lộ trình, các kỹ năng cần thiết phục vụ thực hiện chương trình mới.
“Ngay khi hoàn thiện việc xây dựng, ban hành các chính sách trên, Bộ GD&ĐT đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo đội ngũ nhà giáo, CBQL giáo dục và toàn thể xã hội. Cùng với các nghiên cứu, khảo sát đầy đủ, khoa học, Bộ GD&ĐT từng bước điều chỉnh, sửa đổi hệ thống chính sách để vừa đáp ứng yêu cầu mới, vừa tạo cơ hội và động lực cho đội ngũ được phát triển thực sự. Bên cạnh đó, cũng có những chính sách ngay lập tức hỗ trợ cho đội ngũ về vật chất hoặc giảm các áp lực cho GV” – ông Đặng Văn Bình cho hay.
Còn GS.TS Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội), thành viên Hội đồng Quốc gia giáo dục & Phát triển nhân lực giai đoạn 2016 - 2021 lại nhấn mạnh đến quy định sinh viên sư phạm sẽ đóng học phí (bình đẳng) như các ngành khác và chính sách hỗ trợ sinh hoạt phí cho sinh viên sư phạm được quy định tại Nghị định 116/2020/NĐ-CP.
“Kết luận 51-KL/TW năm 2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT nêu rõ, cần hoàn thiện và thực hiện tốt chế độ, chính sách với sinh viên các trường sư phạm, thu hút sinh viên giỏi vào ngành sư phạm. Để thể chế hóa chính sách này, Nghị định 116/2020/NĐ-CP đã triển khai hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt cho sinh viên học các ngành đào tạo GV. Thay đổi từ cơ chế “miễn học phí”, sang cơ chế “Nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí” được kỳ vọng làm tăng “quyền lựa chọn”, sự năng động của người học và sự cạnh tranh của các cơ sơ giáo dục đào tạo GV. Sinh viên phải cố gắng học tập, có kết quả tốt để nhận được hỗ trợ từ ngân sách đóng học phí. Các trường cũng phải cạnh tranh nâng cao chất lượng đào tạo” – GS Nguyễn Quý Thanh nhận định.
Bên cạnh đó, Nghị định 116 cũng quy định “Sinh viên sư phạm được Nhà nước hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường”. Đó là sự cố gắng, quan tâm của Nhà nước nhằm thu hút sinh viên giỏi vào ngành sư phạm. Nhờ đó, số lượng thí sinh có học lực tốt quan tâm đăng ký các ngành sư phạm gia tăng trong kỳ tuyển sinh ĐH 2020.
Phát triển vững chắc giáo dục mầm non
Giáo dục mầm non là bậc học đầu tiên trong hệ thống Giáo dục quốc dân, cấp học đặt những nền móng ban đầu để giúp trẻ hình thành và phát triển nhân cách, trí tuệ. Chính vì thế, cấp học này có vai trò quan trọng, cần được quan tâm đầu tư, phát triển. Năm 2020, Nghị định 105 của Chính phủ quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non được ban hành. Nghị định quy định cụ thể chính sách phát triển giáo dục mầm non (quy định tại Điều 27, Điều 81 Luật Giáo dục 2019); đồng thời kế thừa, phát triển Nghị định 06 về một số chính sách đối với trẻ em và GV mầm non.
Theo bà Nguyễn Thị Hiếu, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non (Bộ GD&ĐT), đối tượng, nội dung của Nghị định khá toàn diện, đồng bộ. Trong đó gồm chính sách đầu tư ưu tiên phát triển giáo dục mầm non; chính sách với trẻ em và GV, cơ sở giáo dục.
Cụ thể, Nghị định quy định chính sách đầu tư phát triển mạng lưới trường, lớp giáo dục mầm non; chính sách ưu tiên phát triển giáo dục mầm non ở xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, xã thuộc vùng khó khăn; chính sách với cơ sở giáo dục mầm non độc lập dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp, nơi có nhiều lao động – đây là điểm mới giải quyết bài toán phát triển trường lớp mầm non khu công nghiệp; chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển giáo dục mầm non.
Ngoài chính sách hỗ trợ ăn trưa cho trẻ mẫu giáo theo Nghị định 06, Nghị định 105 còn quy định chính sách trợ cấp với trẻ em mầm non là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp. Với GV, bên cạnh việc kế thừa chính sách về dạy lớp ghép, tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người dân tộc thiểu số trước đây, Nghị định 105 cũng quy định chính sách với GV mầm non làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp.
“Nghị định thể hiện sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước và xã hội với giáo dục mầm non; tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, giải quyết một số khó khăn, vướng mắc thực tiễn đặt ra nhằm phát triển giáo dục mầm non một cách vững chắc, phù hợp với điều kiện thực tế vùng miền; nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ, đáp ứng nhu cầu của nhân dân và xu thế phát triển, hội nhập của giáo dục mầm non trong giai đoạn mới” – bà Nguyễn Thị Hiếu nhận định.
Những chính sách vì người học
Với vai trò là cán bộ ở cơ sở, ông Trịnh Văn Ngoãn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Long cho rằng: Năm 2020, Chính phủ, Bộ GD&ĐT ban hành hàng loạt văn bản để chỉ đạo, điều chỉnh nội dung, chương trình học kỳ II năm học 2020; điều chỉnh yêu cầu, hình thức và số lần kiểm tra, đánh giá HS. Đặc biệt, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 15/2020/TT-BGDĐT để điều chỉnh mục đích của Kỳ thi tốt nghiệp THPT theo tinh thần Nghị quyết số 70/NQ-CP của Chính phủ: Chuyển từ Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia sang Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tổ chức 2 đợt thi; đồng thời điều chỉnh các Thông tư hướng dẫn tuyển sinh ĐH, CĐ phù hợp với bối cảnh phòng chống dịch Covid-19. Cùng với đó, thông điệp “tạm dừng đến trường nhưng không dừng học” của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ được GV, HS trên cả nước hưởng ứng, triển khai thực hiện bằng nhiều hình thức sáng tạo, hiệu quả, như dạy học qua Internet, trên truyền hình với nhiều tấm gương của các thầy cô vùng sâu, vùng xa đến tận nhà hướng dẫn HS học.
“Đó là những chính sách, quyết sách hướng về người học, nhằm bảo đảm quyền lợi của người học nên được xã hội đồng thuận, đánh giá rất cao và đồng lòng thực hiện” - ông Trịnh Văn Ngoãn nhận định.
Nói thêm về những chính sách hướng về người học, ông Trịnh Văn Ngoãn cũng nhắc đến Nghị định số 110/2020/NĐ-CP quy định chế độ khen thưởng đối với HS, sinh viên, học viên đoạt giải trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế với mức tiền thưởng tăng mạnh; đổi mới kiểm tra, đánh giá HS THCS, THPT theo Thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT được địa phương đón nhận tích cực bởi những đổi mới vì sự tiến bộ của người học. Việc bỏ một số hình thức kỷ luật không tích cực như trách phạt trước lớp, cảnh cáo trước toàn trường theo quy định của Điều lệ trường THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học ban hành kèm Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT là việc làm nhân văn.
Là người được thụ hưởng, em Hồ Việt Đức - HS lớp 12, Trường THPT chuyên Quốc học (Thừa Thiên - Huế), Huy chương Vàng Olympic Sinh học quốc tế năm 2020 nhận định: Bộ GD&ĐT, địa phương, nhà trường đã có những chính sách hợp lý, tạo động lực cả vật chất và tinh thần cho người học. Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Quốc học, thầy Nguyễn Phú Thọ cũng cùng quan điểm khi cho rằng các quy định mới của Bộ GD&ĐT đều hướng đến HS, tạo cho HS tâm lý được quan tâm khi các em đến trường.