Động lực để giáo viên mầm non gắn bó với nghề

GD&TĐ - Thông tin về việc giáo viên mầm non được đề xuất tăng gấp đôi mức phụ cấp đang nhận được sự đồng tình của dư luận xã hội.

Tăng gấp đôi mức phụ cấp cho giáo viên mầm non.
Tăng gấp đôi mức phụ cấp cho giáo viên mầm non.

Tăng gấp đôi mức phụ cấp cho giáo viên mầm non

Sau hơn 17 năm thi hành Quyết định số 244/2005/QĐ-TTg và Thông tư liên tịch số 01/TTLT-BGD&ĐT-BNV-BTC, chính sách về chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo đã mang lại nhiều kết quả tích cực, góp phần hỗ trợ nâng cao thu nhập và bảo đảm điều kiện cần thiết để nhà giáo thực hiện đầy đủ vai trò, trách nhiệm của mình; qua đó chất lượng giáo dục cũng được nâng cao.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện chế độ phụ cấp đối với nhà giáo trong thời gian gần đây gặp một số khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, việc xác định các trường hợp nhà giáo ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, các văn bản về danh sách các xã, huyện, tỉnh được công nhận là miền núi, vùng cao đã không còn hiệu lực.

Hơn nữa, thực tế thời gian qua, có nhiều đơn vị hành chính đã thay đổi do việc chia tách, sáp nhập, giải thể, thành lập mới và không được cập nhật hàng năm (nhất là từ năm 2009 đến nay) nên nhiều đơn vị hành chính được công nhận miền núi, vùng cao không phù hợp với tên các đơn vị hành chính. Do đó, khi triển khai, các địa phương gặp lúng túng trong việc thực hiện chi trả các chế độ chính sách đối với nhà giáo.

Để kịp thời khắc phục những khó khăn, vướng mắc nêu trên, giúp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà giáo, tạo sự công bằng, minh bạch trong việc xem xét, chi trả chế độ phụ cấp, đồng thời bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành, việc trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định chế độ phụ cấp ưu đãi nhà giáo theo trình tự, thủ tục rút gọn để thay thế cho Quyết định số 244/2005/QĐ-TTg là phù hợp và rất cần thiết.

Việc ban hành Nghị định quy định chế độ phụ cấp ưu đãi nhà giáo tạo hành lang pháp lý để địa phương có căn cứ triển khai thực hiện, đảm bảo quyền lợi, công bằng cho nhà giáo trong thời gian chưa thực hiện chính sách tiền lương mới. Đồng thời, thể hiện rõ quan điểm "giáo dục là quốc sách hàng đầu" và sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước đối với đội ngũ các thầy cô giáo.

Theo Luật Giáo dục 2019, Chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên mầm non là cao đẳng, giáo viên mầm non hạng III hưởng theo bảng lương chuyên môn nghiệp vụ công chức loại A0 có hệ số lương từ 2,10 đến 4,89. Với mức phụ cấp 35% thu nhập giáo viên mầm non thấp hơn nhiều so với giáo viên các cấp học khác có cùng thời gian công tác.

Do đó, Bộ GD&ĐT đề xuất phương án quy định mức phụ cấp đối với giáo viên mầm non, cụ thể là: Nâng mức phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên mầm non đang hưởng mức 35% và mức 50% lên mức 70%; giáo viên mầm non đang công tác vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn hưởng mức 100%. Với mức đề xuất này, có khoảng hơn 200 nghìn giáo viên mầm non thuộc đối tượng điều chỉnh.

Thông tin điều chỉnh mức phụ cấp ưu đãi tăng gấp đôi cho giáo viên mầm non công lập đang được dư luận xã hội.

Thông tin điều chỉnh mức phụ cấp ưu đãi tăng gấp đôi cho giáo viên mầm non công lập đang được dư luận xã hội.

Động lực để các nhà giáo chuyên tâm cống hiến

Theo ghi nhận thực tế, thông tin điều chỉnh mức phụ cấp ưu đãi tăng gấp đôi cho giáo viên mầm non công lập đang được dư luận xã hội, nhất là đội ngũ giáo viên mầm non đồng tình. Hầu hết cán bộ quản lý, giáo viên đều cho rằng, sự điều chỉnh này có thể chưa giải quyết triệt để những khó khăn hiện nay của nhà giáo, song là liều thuốc tinh thần, động lực để các nhà giáo chuyên tâm cống hiến.

Không giấu được sự vui mừng, phấn khởi trước thông tin trên, cô Đỗ Thị Ánh - giáo viên Trường Mầm non Mường Lang (Sơn La) cho biết, việc tăng phụ cấp là hoàn toàn hợp lý. Vì vậy cần sớm đưa vào thực hiện để cải thiện chất lượng đời sống của giáo viên.

Công tác tại xã đặc biệt khó khăn của tỉnh Sơn La, cô Ánh cho biết, công việc dạy trẻ có nhiều áp lực và vất vả. Hằng ngày, phải vượt quãng đường 32 km để đến trường, địa hình vùng núi hiểm trở khiến việc di chuyển trở nên khó khăn.

Bên cạnh đó, việc dạy trẻ vùng cao gặp nhiều rào cản về ngôn ngữ, trình độ giữa các nhóm trẻ cũng chênh lệch. Giáo viên phải không ngừng cố gắng, thích nghi để mang đến điều kiện học tập tốt nhất cho trẻ.

"Có những năm dạy lớp 100% là người Mông, cô trò không hiểu được ngôn ngữ của nhau. Trẻ nói không sõi tiếng phổ thông nên việc dạy trẻ vùng khó theo phương pháp học tập của trẻ trung tâm, thị trấn rất khó. Đa phần các cô phải tự thích nghi để đưa ra nội dung giảng dạy và tạo môi trường để trẻ tự làm, tự trải nghiệm”, cô Ánh tâm sự.

Còn cô Đinh Thị Phương, giáo viên Trường Mầm non Văn Phú (huyện Thường Tín, Hà Nội) mong muốn đề xuất này sớm thành hiện thực, để thu nhập của giáo viên mầm non, nhất là với giáo viên trẻ mới vào nghề được cải thiện. Sự đồng hành của Nhà nước đối với cuộc sống nhà giáo vốn còn nhiều khó khăn, mà còn là nguồn động viên, làm ấm lòng đội ngũ nhà giáo, tiếp thêm động lực để chúng tôi thêm yêu nghề.

Những ngày gần đây, các cô giáo Trường Mầm non Khánh Thượng A (huyện Ba Vì, Hà Nội) và nhiều đồng nghiệp công tác cùng địa bàn không giấu nổi niềm vui, khi nhận được thông tin Bộ GD&ĐT đã xây dựng dự thảo tờ trình Chính phủ đề nghị xây dựng Nghị định quy định chế độ phụ cấp ưu đãi nhà giáo.

Cô Đinh Thị Lan Hương- Giáo viên Trường Mầm non Khánh Thượng A cho biết: Được tăng phụ cấp sẽ là một động lực rất lớn để giáo viên gắn bó và yêu nghề hơn. Khi nghe thông tin, giáo viên trong trường đều rất vui mừng, mong chính sách sớm được triển khai thực hiện để chúng tôi yên tâm bám nghề.

Ông Phùng Ngọc Oanh - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Ba Vì thông tin, trên địa bàn có 5 trường mầm non thuộc 3 xã miền núi: Khánh Thượng, Ba Vì, Yên Bài gặp nhiều khó khăn. Cuộc sống của giáo viên rất vất vả, nhiều người còn tranh thủ ngày nghỉ đi làm thêm. Các cô giáo này đang được hưởng mức phụ cấp ưu đãi 35%, nếu đề xuất được phê duyệt thì mức ưu đãi tăng gấp đôi, như vậy cuộc sống của các cô giáo mầm non sẽ được cải thiện đáng kể, giúp các cô yên tâm với nghề.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Dựa cậy và níu kéo

GD&TĐ - Mười sáu năm sau khi ký kết thoả thuận liên quan, Mỹ đã khánh thành căn cứ phòng thủ tên lửa đầu tiên trên lãnh thổ Ba Lan.