Đồng loạt khôi phục giáo dục ngoại khóa

GD&TĐ - Trường học tại Đà Nẵng bắt đầu các hoạt động bình thường và các hoạt động giáo dục ngoại khóa cũng được triển khai trở lại. Tuy nhiên, yêu cầu về phòng, chống dịch Covid-19 cũng vẫn được đặc biệt lưu tâm.

Giờ học lịch sử địa phương của Trường THCS Lê Hồng Phong.
Giờ học lịch sử địa phương của Trường THCS Lê Hồng Phong.

Tổ chức ở quy mô khối lớp

Trước khi nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương, để có thêm sân chơi cho học sinh, Trường THCS Lý Thường Kiệt (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) tổ chức cuộc thi vẽ ở quy mô toàn trường. Cô Nguyễn Thị Minh – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Để phòng, chống dịch, đảm bảo giãn cách, nhà trường phải thay đổi thời khóa biểu để không ảnh hưởng đến những lớp có giờ học chính khóa trong khi dưới sân trường đang tổ chức hoạt động, buộc sử dụng loa để điều hành”.

Trường THCS Tây Sơn (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) khi tập trung học sinh khối 9 vào giờ chào cờ đầu tuần để phổ biến kế hoạch tuyển sinh lớp 10, ôn tập cuối học kỳ… thì học sinh khối lớp còn lại buộc phải sinh hoạt tại lớp. Thế nhưng, giáo viên chủ nhiệm rất khó để điều hành vì bị ảnh hưởng bởi âm thanh dưới sân trường vọng lên.

Chính vì vậy, với chủ trương tổ chức lại hoạt động chào cờ tập trung đầu tuần và các hoạt động giáo dục ngoại khóa, Đà Nẵng xem như đã mở cửa trường học toàn diện, khôi phục lại một số các hoạt động tập thể ngoài trời đã phải tạm dừng trong gần 12 tháng qua.

Tuy nhiên, thời điểm này, theo phân phối chương trình, các cấp học đều vào giai đoạn ôn tập để kiểm tra cuối học kỳ II. Đây là một vướng mắc của các trường khi lên kế hoạch tổ chức những hoạt động ngoại khóa. Thầy Đặng Ngọc Lam – Hiệu trưởng Trường THCS Lê Hồng Phong (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) cho biết: “Nhà trường sẽ tận dụng tối đa các tiết sinh hoạt dưới cờ vào đầu tuần để phổ biến lại cho học sinh những nội dung về kỹ năng sống như đảm bảo an toàn trên không gian mạng, an toàn giao thông… Riêng học sinh khối 6 sẽ tham gia chương trình Giờ học tại bảo tàng. Đây là nội dung của hoạt động trải nghiệm và giáo dục địa phương”.

Tương tự, Trường THCS Lương Thế Vinh (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) sẽ tổ chức theo nhóm từ 3 - 5 lớp để học sinh khối lớp 6 có hoạt động trải nghiệm tại làng nghề nước mắm Nam Ô và di tích căn cứ lõm cách mạng B1 Hồng Phước. Thầy Bùi Duy Quốc, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Không gian của từng cơ sở sản xuất tại làng nước nắm Nam Ô không lớn, nếu học sinh toàn khối 6 tham gia trong cùng một thời điểm thì thực chất chỉ có mặt để điểm danh là chủ yếu. Chúng tôi chia nhỏ để đảm bảo hiệu quả thực tế của giờ học hoạt động trải nghiệm”.

Với hoạt động tư vấn hướng nghiệp và tuyển sinh đầu cấp, các trường THCS, THPT tại Đà Nẵng đều chú trọng tư vấn chuyên sâu cho học sinh và chủ yếu do giáo viên chủ nhiệm đảm nhiệm.

Trường THCS Lý Thường Kiệt cũng tổ chức Ngày sinh hoạt cuối năm cho học sinh khối lớp 9 vào cuối tháng 5. Thay vì cắm trại, các em sẽ có một ngày hoạt động tập thể tại trường với các trò chơi lớn, trò chơi vận động, góc tư vấn tâm lý cho học sinh ở giai đoạn chuyển cấp. Theo cô Nguyễn Thị Minh, đây là những hoạt động nhằm kết nối, tạo kỷ niệm cho các em cuối cấp trong điều kiện liên tiếp có 2 năm học bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nên phải học trực tuyến kéo dài.

Học sinh Trường THCS Lương Thế Vinh trong giờ học giáo dục địa phương được tổ chức tại di tích căn cứ lõm cách mạng B1 Hồng Phước.
Học sinh Trường THCS Lương Thế Vinh trong giờ học giáo dục địa phương được tổ chức tại di tích căn cứ lõm cách mạng B1 Hồng Phước. 

Tham vấn ý kiến 3 bên

Cô Nguyễn Thị Minh Huệ - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hiền (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) chia sẻ: “Các hoạt động ngoại khóa sẽ được tổ chức khi học sinh hoàn thành xong bài kiểm tra cuối học kỳ II. Nhà trường ưu tiên cho hoạt động có tính chất kết nối, gắn bó học sinh. Riêng khối 12, dự kiến tổ chức hoạt động cắm trại. Tuy nhiên, nhà trường sẽ phải lấy ý kiến đồng thuận của phụ huynh và giáo viên trước khi tổ chức. Học sinh sẽ tham gia trên tinh thần tự nguyện”.

Để học sinh có thể tham gia đầy đủ, Trường Tiểu học Ngô Gia Tự (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) đã điều chỉnh cách tổ chức dạy học. Theo đó, tất cả khối lớp đều tập trung dạy – học một buổi, không chia ca sáng – chiều như trước đây. Buổi còn lại, nhà trường ưu tiên tổ chức lớp phụ đạo cho học sinh chưa nắm vững kiến thức trong thời gian học trực tuyến. Nhà trường cũng tổ chức các hoạt động ngoại khóa theo quy mô từng khối lớp.

“Nội dung các buổi giao lưu học sinh sẽ gồm hoạt động trải nghiệm, trò chơi vận động, trò chơi kiểm tra kiến thức của học sinh theo từng khối lớp. Với hình thức tổ chức như vậy, tất cả học sinh đều có điều kiện để tham gia” - cô Trần Thị Kim Bình, Hiệu trưởng nhà trường cho biết.

Cô Nguyễn Thị Minh cho rằng: Dù chỉ ở quy mô từng khối lớp thì các hoạt động ngoại khóa, nếu tổ chức trong sân trường, thì đều phải rơi vào các ngày cuối tuần. Vì vậy, sự đồng thuận của phụ huynh là rất cần thiết để hoạt động diễn ra được thuận lợi, học sinh tham gia đầy đủ. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ