Để có phong trào này, địa phương, nhà trường và mỗi người dân đều chung tay nuôi dưỡng, chăm lo khuyến học bằng nhiều hoạt động thiết thực...
Lan tỏa “Dòng họ học tập tiêu biểu”
Đồng Tháp có hơn 422 nghìn hội viên Hội Khuyến học, trên 340 nghìn gia đình học tập, 734 dòng họ học tập, 666 cộng đồng học tập, 898 đơn vị học tập. Trong những năm qua, phong trào khuyến học, khuyến tài được duy trì, phát triển đến từng xóm, ấp. Mô hình “Dòng họ học tập tiêu biểu” đang có sức lan tỏa mạnh, qua đó đã xuất hiện nhiều dòng họ, gia đình học tập.
Tiêu biểu là dòng họ Lê ở thị trấn Mỹ Thọ (huyện Cao Lãnh). Người đứng đầu dòng họ Lê là Chi hội trưởng - ông Lê Văn Hiệu. Theo ông Hiệu, dòng họ Lê có trên 90 hộ gia đình, trải qua nhiều thế hệ, cùng đoàn kết thương yêu giúp đỡ nhau trong cuộc sống và rất quan tâm đến hoạt động cộng đồng.
Xác định học tập là con đường giúp con, cháu vươn lên thoát nghèo, dòng họ thành lập chi hội và xây dựng quỹ khuyến học để hỗ trợ cho các hộ khó khăn.
Đến nay, con cháu trong tộc họ công tác ở nhiều lĩnh vực như: Công an, Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân, MTTQ và tham gia các hoạt động chính trị, xã hội… trong đó, trình độ thạc sĩ có 6 người, cử nhân: 37 người... Ngoài ra, dòng họ Lê vận động anh em, con cháu đóng góp xây dựng quỹ khuyến học.
Hàng năm, cứ nhân dịp ngày giỗ của dòng họ (ngày 6/6 âm lịch), ông Hiệu và các cụ trong họ sẽ trao thưởng cho các cháu có thành tích học tập tốt và có hoàn cảnh khó khăn, để các cháu tiếp tục đến trường, không để cháu nào bỏ học.
Dòng họ tiến sĩ, thạc sĩ là tên gọi mà người dân TP Cao Lãnh (Đồng Tháp) dành tặng dòng họ Lê ở phường Hòa Thuận. Đây là một trong những dòng họ hiếu học làm rạng danh đất Sen Hồng.
Dòng họ Lê với truyền thống hiếu học, công tác khuyến học khuyến tài được quan tâm nên có nhiều thành viên trong dòng họ đỗ đạt cao. Hiện dòng họ Lê có 7 giáo sư, tiến sĩ; 10 thạc sĩ và hơn 40 kỹ sư…
Ông Lê Quang Trinh, Chi hội trưởng dòng họ Lê chia sẻ: “Con cháu mình giờ đã thành đạt, cuộc sống ổn định nên việc hỗ trợ cho các cháu ngoài dòng tộc là việc cần làm, mọi người trong Chi hội chúng tôi đều cùng chung suy nghĩ mình nhịn tiêu xài một chút để có được một khoản tiền đóng góp động viên cho các cháu học sinh nghèo hiếu học”.
Dòng họ Đỗ ở Thị trấn Sa Rài, huyện Tân Hồng (Đồng Tháp) cũng rạng danh thành tích học tập. Dòng họ khuyến học tộc họ Đỗ được thành lập vào năm 2009, là một trong những dòng họ khuyến học tiêu biểu. Dòng họ có 4 thế hệ gồm hơn 70 hộ với trên 400 nhân khẩu. Tộc họ Đỗ ở Tân Hồng có nhiều người đỗ đạt cao với 4 tiến sĩ, 4 thạc sĩ, hàng trăm người có trình độ cao đẳng, đại học...
Theo ông Đỗ Xuân Hỷ, Chi Hội trưởng Chi hội Khuyến học tộc họ Đỗ, trước kia quỹ khuyến học của tộc họ Đỗ chủ yếu do tự phát, nhưng từ năm 2011 đến nay quỹ chính thức thành lập và có tên gọi, con cháu họ Đỗ rất tích cực tham gia đóng góp.
Tộc họ Đỗ còn tổ chức phong trào nuôi heo đất khuyến học, vận động các phụ huynh ủng hộ vào nguồn quỹ để tiếp tục hỗ trợ, khen thưởng nhiều hơn cho con cháu trong dòng họ…
Cộng đồng chăm lo khuyến học
Để đẩy mạnh phong trào khuyến học, khuyến tài, địa phương, đơn vị tài trợ, đặc biệt là Hội Khuyến học Đồng Tháp tăng cường trao học bổng gương sáng hiếu học, tuyên dương các dòng họ học tập tiêu biểu. Bên cạnh đó, công tác khuyến học được triển khai đến Tổ nhân dân tự quản, góp phần kéo giảm tỷ lệ học sinh bỏ học, phong trào khuyến học, khuyến tài trong nhân dân được mở rộng.
Các chi, tổ, hội khuyến học tổ chức lồng ghép tại các buổi họp Tổ nhân dân tự quản hoặc đến từng hộ gia đình nhắc nhở hội viên quan tâm, tạo điều kiện cho con em trong độ tuổi đi học; Kiểm tra việc tự học tại nhà phát hiện các trường hợp học sinh hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn giúp đỡ kịp thời. Phong trào nuôi heo đất khuyến học được duy trì, nhân rộng.
Đồng Tháp cũng thành lập và hoạt động của các chi hội khuyến học trong các cơ quan, đơn vị, trường học. Đến tháng 6/2021, tỉnh đã vận động xây dựng được 3 chi hội khuyến học, nâng tổng số chi hội khuyến học trong cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh lên 32 chi hội. Các chi hội khuyến học trong cơ quan, đơn vị đã góp phần tích cực trong công tác khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tham gia học tập nâng cao trình độ góp phần nâng cao năng lực chuyên môn.
Tháng 9/2020, TP Sa Đéc vinh dự được Tổ chức Giáo dục - Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận là thành viên “Mạng lưới Thành phố học tập toàn cầu của UNESCO”.
Đây không chỉ là vinh dự của người dân “thành phố hoa” mà còn là niềm tự hào của cả quê hương đất Sen hồng. Đặc biệt, thành phố đã xây dựng được 46/48 “Đơn vị học tập” (đạt 95,85%), 24.771/25.148 “Gia đình học tập” (đạt 94,87%) và 37/37 “Cộng đồng học tập” (đạt 100%)...
Bà Trần Thị Lan Phương, Chủ tịch Hội Khuyến học và Khoa học Lịch sử TP Sa Đéc cho biết: Hội sẽ tiếp tục thực hiện tốt công tác khuyến học, khuyến tài, tham gia vận động các cá nhân, tổ chức thực hiện các nội dung, hoạt động liên quan đến việc thực hiện các tiêu chí về xây dựng Thành phố học tập toàn cầu, hình thành thói quen học tập suốt đời thông qua việc đọc sách, báo, tạp chí để cập nhật kiến thức...
Đặc biệt, Hội chú trọng nâng chất các mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”... hướng đến xây dựng xã hội học tập.