Từ những đốm lửa nhỏ, các thầy cô đã thổi bùng lên ngọn lửa đam mê nghiên cứu khoa học, bệ đỡ cho những bứt phá trong học sinh.
Người nhóm lửa
Nhà giáo Phạm Thị Huệ, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong cho biết: Khích lệ phong trào nghiên cứu khoa học (NCKH) trong học sinh cũng nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Để học sinh ham học tập và NCKH, các thầy cô cũng phải có những đam mê cùng đồng hành, khích lệ các em. Chính vì thế, NCKH là nhiệm vụ sống còn, một trong những yêu cầu đối với giáo viên trường THPT chuyên để duy trì và nâng cao chất lượng học sinh giỏi. Hoạt động này được nhà trường tiến hành dưới nhiều hình thức như: Viết sáng kiến kinh nghiệm; Hướng dẫn học sinh viết chuyên đề; Triển khai đề tài sáng tạo khoa học kỹ thuật…
Sản phẩm từ những hoạt động đó đều được trình bày và phản biện qua các tổ, nhóm chuyên môn; Lựa chọn các đề tài hay để báo cáo và phản biện cấp trường. Đối với GV tham gia bồi dưỡng HS giỏi, lãnh đạo các đội tuyển, yêu cầu bắt buộc hàng năm phải viết các chuyên đề bồi dưỡng; Tự nghiên cứu các tài liệu nước ngoài để biên soạn bài giảng các môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh.
Nhận thức được tầm quan trọng của tự học, nghiên cứu, các hình thức tổ chức NCKH cho học sinh được triển khai hàng năm bằng nhiều hình thức. Khối chuyên trong trường tổ chức báo cáo chuyên đề, hội thảo môn chuyên, xây dựng tập san học tập có nội dung phong phú, thiết thực và sáng tạo. Sản phẩm của các hoạt động này được nghiệm thu bởi GV hướng dẫn, được lựa chọn để trình bày trước tập thể lớp và tổ chuyên môn, có phản biện và rút kinh nghiệm. Từ quá trình nghiên cứu, các em trưởng thành về phương pháp tư duy, cách làm việc khoa học và nâng cao kỹ năng sống.
Nhà giáo Phạm Thị Huệ chia sẻ: Trong quá trình kiểm tra đánh giá, nhà trường tạo điều kiện để học sinh tự tổ chức ra đề, quản lý, chấm bài cho nhau. Đặc biệt, việc tham gia cuộc thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học đã tạo cơ hội cho các em tự nghiên cứu, sáng tạo, giải quyết các vấn đề thực tế trên cơ sở các kiến thức lý thuyết đã học.
Tỏa sáng những thành công
Nhà giáo Ưu tú Cao Xuân Hùng, Giám đốc Sở GD&ĐT Nam Định, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, nhớ lại: Năm học 2012 – 2013, học sinh của trường được đại diện cho học sinh tỉnh Nam Định tham dự Hội thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học (Hội thi Khoa học kỹ thuật). Đây là năm đầu tiên ngành Giáo dục Nam Định tham gia sân chơi này. Từ đó đến nay, các đội thi của trường tham dự đều đoạt giải Nhất toàn đoàn cấp tỉnh và nhiều giải cấp quốc gia. Đến nay không chỉ Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, nhiều trường THPT khác trong tỉnh, học sinh đã tập dượt, làm quen với NCKH.
Theo cô Phạm Thị Huệ, là một trong những trường THPT đầu tiên trên cả nước tiếp cận với giáo dục STEM nên giáo viên, học sinh Lê Hồng Phong không tự giới hạn mình trong những môn học và không gian học tập truyền thống. Việc nuôi dưỡng niềm say mê, rèn luyện sự chủ động của các em trong việc ứng dụng khoa học là điều cần phải làm.
Các em sẽ hứng thú nếu biết các công thức, phản ứng, phương trình sẽ được vận dụng để giải quyết vấn đề gì trong cuộc sống. Đây là cách làm hiệu quả để tạo thói quen cho các em biết ứng dụng khoa học vào đời sống. Khởi đầu từ việc làm quen với NCKH, tiếp đến là chủ động sáng tạo và độc lập trong nghiên cứu với sự trợ giúp của thầy cô. Học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong đã được truyền động lực để vươn ra “biển lớn”, bắt nhịp với xu hướng giáo dục của thời đại 4.0.
Năm học 2016 - 2017 là năm đầu tiên Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong phát động cuộc thi thiết kế, chế tạo sản phẩm STEM, đã nhận được phản hồi tích cực và sự tham gia nhiệt tình của các em học sinh. Tư duy STEM đã khơi dậy tiềm năng sáng tạo, giúp các em nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học, biết quan sát đời sống xung quanh và vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết các vấn đề thực tiễn đòi hỏi.
Bình luận