Dòng họ người Tày lập kỳ tích ba đời tiến sĩ

GD&TĐ - Ba đời liên tiếp với bốn người đỗ tiến sĩ - dòng họ Thân ở trấn Kinh Bắc xưa đã để lại tiếng thơm muôn thuở.

Đền thờ tiến sĩ Thân Nhân Trung tại Bắc Giang.
Đền thờ tiến sĩ Thân Nhân Trung tại Bắc Giang.

Bên cạnh đó, họ Thân cũng là gia tộc người dân tộc thiểu số duy nhất ở Việt Nam có đến ba đời ghi danh bảng vàng.

Hiền tài khai khoa

“Hiền tài là nguyên khí quốc gia” - Thân Nhân Trung chính là tác giả của câu nói nổi tiếng này. Giới sử học đương thời cũng như hiện tại đều phải bất ngờ trước một phát hiện mang tính chân lý bao quát mọi thời đại – của một nhà khoa bảng người dân tộc Tày.

Các nguồn sử liệu cũng như sách “Đăng khoa lục” đều cho biết, Thân Nhân Trung (1418 - 1499) người dân tộc Tày thuộc xã Yên Ninh, huyện Yên Dũng, xứ Kinh Bắc (nay là thôn Yên Ninh, thị trấn Nếnh, Việt Yên – Bắc Giang). Theo gia phả dòng họ, ông là con trai thứ hai của lương y Thân Thái Ất.

Năm 1469, khi đã hơn 50 tuổi ông mới tham gia kỳ thi Hội khoa thi Kỷ Sửu. Đây là kỳ thi vô cùng quan trọng, có đến mấy nghìn sĩ tử tham dự nhưng chỉ lấy đỗ 22 người. Thân Nhân Trung đỗ Hội nguyên, nhưng vào thi Đình ông chỉ đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân.

Ông được bổ ngay chức Hàn lâm viện Thị độc, chức quan đứng thứ hai ở Viện Hàn lâm. Mấy năm sau ông được thăng chức Hàn lâm viện Thừa chỉ kiêm Đông các đại học sĩ và Tế tửu Quốc Tử Giám. Vua Lê Thánh Tông đánh giá tài năng của Thân Nhân Trung rất cao, ông được vua cử làm độc quyển cho các khoa thi 1475, 1490, 1493, 1496.

Năm Hồng Đức thứ 15 (1484), Thân Nhân Trung cùng các quan tiến hành viết các bài văn bia để khắc vào các bia tiến sĩ đầu tiên của Việt Nam. Bia ghi lại mục đích lập mỗi khoa thi, hoàn cảnh lịch sử, đề danh các tiến sĩ đỗ đại khoa.

Thân Nhân Trung được giao soạn bài văn bia cho bia tiến sĩ đầu tiên khoa Nhâm Tuất (1442). Khi viết về mục đích các khoa thi nho học, trong bài văn bia này, ông nêu bật tầm quan trọng của giáo dục nhân tài đối với việc hưng thịnh của đất nước.

“Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế các bậc đế vương thánh minh không đời nào không coi việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần thiết”.

Năm Hồng Đức thứ 26 (1495), Lê Thánh Tông lập hội Tao Đàn, tự xưng là Tao Đàn đô nguyên súy, Thân Nhân Trung và Đỗ Nhuận được cử làm Tao Đàn phó đô nguyên súy.

Câu nói lưu danh muôn thuở của Thân Nhân Trung.

Câu nói lưu danh muôn thuở của Thân Nhân Trung.

Con đỗ trước cha

Sau Thân Nhân Trung là hai người con trai: Thân Nhân Tín (đỗ tiến sĩ năm 1490) và Thân Nhân Vũ (đỗ tiến sĩ năm 1481). Đặc biệt người cháu đích tôn của ông – Thân Cảnh Vân đỗ rất cao trong khoa thi năm Đinh Mùi 1487.

Được sinh ra trong một gia đình có truyền thống thi thư, khoa cử. Ngay từ nhỏ, Thân Cảnh Vân phải rèn luyện theo khuôn mẫu Nho giáo. Năm 25 tuổi, ông dự khoa thi Đinh Mùi, niên hiệu Hồng Đức thứ 18 (1487) đỗ Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ đệ tam danh (Thám hoa).

Trong sách “Các nhà khoa bảng Việt Nam” có chép rằng: “Thân Cảnh Vân là cháu nội Thân Nhân Trung, con của Thân Nhân Tín, 25 tuổi đỗ Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ đệ tam danh khoa Đinh Mùi, niên hiệu Hồng Đức thứ 18 (1487) đời vua Lê Thánh Tông, làm quan đến chức Thị lang”.

Sau khi đậu đại khoa, Thân Cảnh Vân đã được triều đình ghi khắc tên, tuổi lên bia đá Quốc Tử Giám. Tính từ khoa thi tiến sĩ năm 1442 đến năm 1779 được khắc tên ở văn bia Quốc Tử Giám có cả thảy 59 vị Thám hoa, thì Thân Cảnh Vân đứng hàng thứ 9.

Như vậy, Thân Cảnh Vân đỗ cao hơn ông nội Thân Nhân Trung và chú ruột Thân Nhân Vũ của mình. Theo bậc vị khoa bảng thời phong kiến đỗ Đệ nhất giáp, hay còn gọi là Tam khôi gồm Trạng nguyên, Bảng nhãn và Thám hoa là cao nhất. Sau đó đến Hoàng giáp tức Đệ nhị tiến sĩ đồng xuất thân và tiếp đến là Đệ tam tiến sĩ đồng xuất thân.

Vào năm 1490, niên hiệu Hồng Đức 21, tại khoa thi Canh Tuất, con trai trưởng của Thân Nhân Trung và là bố của Thân Cảnh Vân tức Thân Nhân Tín cũng đỗ Đệ tam giáp tiến sĩ đồng xuất thân.

Như vậy, 2 cha con họ Thân đã đỗ tiến sĩ chỉ cách nhau đúng một khoa giáp (3 năm). Điều thú vị ở đây là người con lại đỗ tiến sĩ trước người cha. Như vậy trong 21 năm (1469 - 1490), dòng họ Thân đã làm nên một kỳ tích khoa bảng xưa nay hiếm - khi cả cha - con, ông - cháu, chú - cháu cùng đỗ tiến sĩ.

Quan đồng triều, gội ân vinh

Bia tiến sĩ khoa thi nho học năm Nhâm Tuất (1442), do Thân Nhân Trung soạn.

Bia tiến sĩ khoa thi nho học năm Nhâm Tuất (1442), do Thân Nhân Trung soạn.

Ghi nhớ công lao của danh nhân Thân Nhân Trung, từ năm 2015 tỉnh Bắc Giang đã phê duyệt đầu tư dự án xây dựng đền thờ. Từ tháng 2/2022 đến tháng 8/2023, Bảo tàng tỉnh Bắc Giang thực hiện đề tài khoa học về khai thác giá trị di tích đền thờ tiến sĩ Thân Nhân Trung trong phát huy truyền thống hiếu học, khoa bảng, giáo dục.

Sau khi được dự lễ ban yến ở triều đình dành cho những người đỗ đạt cao, Thám hoa Thân Cảnh Vân tiến hành nghi thức lạy tạ vinh quy.

Ông vinh quy bái tổ về quê Yên Ninh, bà con trong họ ngoài làng tổ chức nghi lễ hết sức long trọng để đón rước quan tân khoa thứ 5 của làng quê khoa bảng.

Sau đó ít ngày, ông tạm biệt gia đình, họ mạc và quê hương để hồi triều thi hành công vụ.

Thám hoa Thân Cảnh Vân làm quan ở chức Thị lang trong triều, cùng làm việc với ông nội là Thân Nhân Trung, với chú ruột là Thân Nhân Vũ, sau nữa là với cha Thân Nhân Tín và các quan đồng hương là Nguyễn Kính, Ngô Văn Cảnh, Đỗ Văn Quýnh.

Như vậy, cha, con, ông, cháu Thám hoa Thân Cảnh Vân trước sau có tới 4 người đỗ đại khoa và làm quan cùng triều.

Trước cảnh thịnh đạt ấy của gia đình họ Thân, vua Lê Thánh Tông từng ca ngợi: “Thập Trịnh đệ huynh liên quý hiển/ Nhị Thân phụ tử mộc ân vinh” (Mười anh em nhà họ Trịnh nối nhau quý hiển/ Hai cặp cha con nhà họ Thân tắm gội ân vinh).

Vào đầu thế kỷ 16 - thời gian quan Thị lang Thân Cảnh Vân còn đảm trách công vụ cho triều đình nhà Lê, nhưng những mâu thuẫn nội tại của chế độ này đã dẫn đến sự bùng nổ phong trào khởi nghĩa nông dân và những cuộc xung đột triền miên giữa các phe phái phong kiến.

Quốc gia phong kiến bước vào giai đoạn suy yếu kéo dài. Theo vết các vương triều phong kiến trước đây, triều Lê sau một thời gian nắm quyền chính đã trở nên thoái hóa.

Tầng lớp thống trị nhà Lê sống rất xa hoa, trụy lạc. Triều đình và bộ máy quan lại ngày càng hủ bại, mục ruỗng. Bên cạnh đó, các cuộc tranh giành, thoán đoạt và xung đột giữa các phe phái diễn ra gay gắt. Kết cục thì chỉ làm tăng thêm nỗi thống khổ đối với người dân.

Năm 1527, Mạc Đăng Dung thắng thế, phế truất vương triều Lê, lập ra triều Mạc. Họ Mạc cũng chỉ vì lợi ích của dòng họ mà cướp quyền, đoạt ngôi nên không thể thống nhất quốc gia. Trái lại chỉ làm gay gắt thêm các mối xung đột và dẫn đến hệ quả cát cứ, nội chiến kéo dài.

Trước thực trạng ấy, ông cháu Thám hoa Thân Cảnh Vân không khỏi chán chường. Năm Tân Mão (1531), đời Mạc Đăng Dung - sau hơn 40 năm tận lực phục vụ nhà Lê, Thân Cảnh Vân qua đời ở 68 tuổi. Từ đó đến hết thời kỳ phong kiến nhà Nguyễn sau này, họ Thân không có ai theo con đường khoa bảng để phục vụ triều đình phong kiến.

Noi gương dòng họ Thân, người vùng làng Nếnh ra sức học hành. Theo sử sách, thời kỳ phong kiến - quê hương của Thân Nhân Trung có tới 10 sĩ tử đỗ đại khoa với những tên tuổi nổi danh: Nguyễn Lễ Kính - đỗ Đồng tiến sĩ khoa Ất Mùi (1475); Ngô Văn Cảnh - đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ khoa Tân Sửu, niên hiệu Hồng Đức thứ 12 (1481); Đỗ Văn Quýnh - đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Canh Thìn, niên hiệu Quang Thiệu thứ 5 (1520); Doãn Đại Hiệu - đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Tân Sửu, niên hiệu Quảng Hòa 1 (1541); Nguyễn Nghĩa Lập - đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Ất Mùi (1553)…

Người khép lại truyền thống khoa bảng của làng là Hoàng Công Phụ - đỗ tiến sĩ trong khoa thi năm Kỷ Mùi (1619) khi đã 53 tuổi. Vì có công làm việc nghĩa, dẹp giặc cỏ nên Hoàng Công Phụ được triều đình vinh phong làm Dực vận tán trị công thần, tước Tử. Năm Canh Dần thứ 6 (1642), ông kiêm thêm chức Quốc Tử Giám Tư nghiệp, sau làm đến Binh Bộ Tả thị lang

Làng Nếnh xưa có nghè Nếnh để phụng thờ những nhà khoa bảng của quê hương. Ngôi nghè đã đi vào ca dao, tục ngữ: Thứ nhất phủ Xa/ Thứ nhì nghè Nếnh.

Tại đền thờ các vị tiến sĩ của làng, hàng năm vào ngày 10 tháng Giêng đều tổ chức lễ tưởng niệm. Do không có đủ tư liệu về ngày mất của các vị đại khoa nên làng Yên Ninh lấy ngày 14/11 (ngày mất của Thân Nhân Trung) là ngày giỗ chung của 10 vị tiến sĩ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.