Huyền thoại Khả Lãm trăm nhà khoa bảng

GD&TĐ -Thời Lê Trung hưng, làng Khả Lãm với số dân chỉ vài trăm người, nhưng đã có tới 99 nhà khoa bảng đỗ đạt từ sinh đồ tới Đình nguyên Hoàng giáp.

Làng Khả Lãm xưa cùng nghề nông nghiệp còn có nghề làm quan.
Làng Khả Lãm xưa cùng nghề nông nghiệp còn có nghề làm quan.

Làng Khả Lãm xưa thuộc xã Cao Lãm, huyện Sơn Minh, phủ Ứng Thiên (nay là xã Cao Thành, Ứng Hòa - Hà Nội). Với địa thế trũng thấp, làng lọt thỏm trong một vùng lầy lội với hơn 100 cái ao ôm lấy làng. Địa thế ấy, trong phong thủy người xưa gọi là thế đất “Long trì Phượng các” phát đạt khoa bảng.

Làng có nghề làm quan

Theo sử làng Khả Lãm, chỉ trong thời gian hơn trăm năm dưới thời Lê Trung hưng, làng đã có 99 vị đỗ đạt từ sinh đồ đến Đình nguyên Hoàng giáp. Trong đó có 3 tiến sĩ, và nếu tính cả tiến sĩ Trần Di - đỗ năm 1490, thì Khả Lãm có tròn 100 vị khoa bảng.

Với dân số chỉ vài trăm người, nhưng Khả Lãm ngoài nghề trồng dâu nuôi tằm thì còn nghề làm quan. Các vị khoa bảng hầu hết đều được bổ từ Tri huyện, Tri phủ, Đốc học, Huấn đạo, Án sát cho tới Thượng thư, Hàn lâm hiệu úy, Tế tửu Quốc Tử Giám, làm nên huyền thoại “Tam tiến sĩ đồng triều”.

Theo lời truyền miệng, làng Khả Lãm có từ thời nhà Lý. Đầu tiên là hai vợ chồng họ Hoàng làm nghề chài lưới, sau có thêm nhiều người từ các nơi khác đến cư ngụ. Họ Mai là dòng họ khoa bảng nổi tiếng Khả Lãm. Họ Nguyễn Tây cũng là một dòng họ có nhiều vị đỗ đạt. Bởi vậy, làng Khả Lãm có câu “họ Hoàng lập ấp, Tây Nguyễn khai khoa”.

Họ Mai ở Khả Lãm còn lưu giữ nhà thờ Mai Danh, nhà thờ Mai Trọng Tương. Trong mỗi nhà thờ, còn đầy đủ hoành phi câu đối cổ và thật trang nghiêm. Riêng nhà thờ Mai Trọng Tương còn giữ được tấm bảng vinh quy từ thời vua Lê Ý Tông với chữ đại tự sơn son thiếp vàng: “Tam giáp tiến sĩ”.

Họ Mai còn có nhà thờ song thân của Mai Danh Tông và Mai Trọng Tương cổ kính. Đặc biệt còn lưu giữ được đạo sắc phong từ thời Lê, phong tặng cho ông bà bốn chữ vàng “Nghĩa phương giáo dục”, vì đã có công nuôi dạy con “Lưỡng tử đăng khoa đệ tiến sĩ”.

Cổng làng Cao Lãm có đôi câu đối đầy ý nghĩa khiến hậu thế lý giải phần nào sự thành đạt trong con đường học vấn của người dân nơi đây: Linh chi lai hề vân vi cái nguyệt vi sa đồng nhân cộng ngưỡng/ Thần sở lao hỹ danh ư triều lợi ư thị xuất môn hữu công.

Đại ý: Nơi đây cảnh quan thật đẹp, mây như lọng che, mặt trăng như xe kéo, ai qua cũng đều ngưỡng vọng/ Quê hương gốc rễ chặt bền, danh tiếng chính trường, lợi lộc nơi chợ búa, con dân ra khỏi làng là làm nên công trạng.

99 vị khoa bảng

Hiện, làng Khả Lãm còn giữ bia đá ghi danh 99 nhà khoa bảng.

Hiện, làng Khả Lãm còn giữ bia đá ghi danh 99 nhà khoa bảng.

Ở làng Khả Lãm còn có tấm bia đá ghi chép về khoa cử công danh do bà Vương Thị Lại - người Kinh Bắc về làm dâu ở Khả Lãm vào những năm đầu thế kỷ 20 cung tiến. Chồng bà là Mai Bá Lân, hậu duệ của Mai Danh Tông và Mai Danh Tương.

Biết quê chồng là đất văn học, nhà chồng vốn dòng dõi thi thư, gia phả còn có nhưng chưa thấy bia đá, hoặc biết đâu bia đá đã bị thời gian làm cho hư mất... Bà Lại quyết định mời các nho sinh đương thời lục tìm qua tộc phả các dòng họ ở Khả Lãm, ghi chép họ tên và khoa thi từng vị, từ tiến sĩ, cử nhân đến tú tài thời nhà Lê để khắc vào bia.

Bia cao 1,6m, rộng 1,2m, khắc ghi tên các vị khoa bảng. Phần các vị đỗ đại khoa thì ghi đủ từng khoa danh. Vì nhiều quá, phần các vị đỗ trung khoa (cử nhân) và tiểu khoa (tú tài), chỉ ghi tên người và viết tắt một chữ “trung” hoặc chữ “tiểu”. Văn bia ghi 3 vị tiến sĩ, 89 vị cử nhân và 7 vị tú tài. Vậy nên, người ta nói làng có 99 nhà khoa bảng.

Tuy nhiên, văn bia mới chỉ ghi tên các vị đỗ đạt thời Lê, còn trước thời Lê và thời Nguyễn thì không có. Năm 1994, nhà nghiên cứu văn hóa Quách Vinh đã đưa ra lý giải hiện tượng này và viết cuốn hương phả của làng Khả Lãm, có những câu:

“…Nào tiến sĩ, cử nhân, tú tài ơn quốc lộc/ Đếm rành rành trên một trăm ông/ Đáng giận thay, tên chúa Gia Long/ Non nước ấy, bán cho giặc Pháp/ Các nho sĩ, buồn không hợp tác…”.

Điều này có thể chứng minh Khả Lãm - một làng khoa bảng của thời Lê nhưng lại không có người đỗ đạt thời Nguyễn, đó là do người dân không chịu hợp tác với nhà Nguyễn, không thi cử với nhà Nguyễn. Điều này cũng cho thấy, các vị khoa bảng của Khả Lãm nhiều hơn con số 99.

Trong số 99 nhà khoa bảng, nổi tiếng nhất là Nguyễn Duy Đôn được bà nội dạy dỗ từ nhỏ. Năm 18 tuổi thi đỗ Tứ trường kỳ thi Hương khoa Bính Tý (1696). Sau đó, ông lại thụ nghiệp hai vị tiến sĩ nổi tiếng thời ấy là Trần Phụ Dực và Vũ Thạnh.

Đến khoa thi Hội năm Quý Mùi (1703), Nguyễn Duy Đôn lại đỗ Tam trường. Năm Canh Dần (1710), ông đỗ thứ nhất kỳ khảo thí của bộ Lại, được nhậm chức Huấn đạo phủ Tiên Hưng. Năm 34 tuổi, ông đỗ thứ hai kỳ thi Hội khoa Nhâm Thìn (1712), và đỗ đầu kỳ thi Đình khoa thi ấy (khoa thi này không có Trạng nguyên), được bổ chức Hàn lâm viện Hiệu lý.

Sau khi thi đỗ, ông được làm Đốc đồng xứ Thanh Hoa vào năm 1715. Rồi làm Phó Đốc thị Nghệ An vào năm 1724. Năm Nhâm Tý (1732) được thăng làm Hàn lâm viện Thừa chỉ. Năm Quý Sửu (1733), giữ chức Hàn lâm viện Thừa chỉ Tri Lễ phiên.

Sau đó, ông thăng chuyển sang làm Hình bộ Hữu Thị lang vào năm Giáp Dần (1734). Đến năm Bính Thìn (1736) được phong làm Binh bộ Hữu Thị lang. Vào năm Kỷ Mùi (1739), khi ở tuổi 61, ông được đặc ban chức Công bộ Tả Thị lang, về trí sĩ. Ông mất vào năm Tân Dậu (1741) thọ 63 tuổi, được ban tặng chức Công bộ Thượng thư, tước Hầu.

Những người mẹ giúp con thành tài

Làng Khả Lãm xưa đã tạo ra huyền thoại “Tam tiến sĩ đồng triều”. Ảnh minh họa

Làng Khả Lãm xưa đã tạo ra huyền thoại “Tam tiến sĩ đồng triều”. Ảnh minh họa

Noi theo tấm gương của các bậc tiền bối, các thế hệ người làng Khả Lãm sau này đều biết lấy câu chuyện dạy con của những người mẹ tài trí ấy làm mẫu mực để dạy dỗ con cháu. Nhờ đó, một làng nhỏ bé với hơn 200 nóc nhà, dưới các triều đại phong kiến, tính từ vị khai khoa Nguyễn Duy Tuấn về sau này tổng cộng có 3 vị tiến sĩ triều Lê, hơn 80 vị đỗ hương cống, hoành từ và gần 20 vị đỗ tú tài, sinh đồ.

Cha của tiến sĩ Nguyễn Duy Đôn là Nguyễn Duy Tuấn, năm 1670 dưới thời vua Lê Huyền Tông đi thi đỗ hương cống và được coi là người khai khoa của làng. Mẹ của ông là Mai Thị Biểu (Huệ Lâm), người phụ nữ đảm đang, tài trí và hết lòng vì con.

Tương truyền, bà là một người phụ nữ cần kiệm khiêm nhường, chăm chỉ cấy cày, dệt vải… Bà thường dệt the, lụa rồi mang đi khắp nơi để bán. Trong một lần mang lụa đi bán ở Chương Đức (Chương Mỹ ngày nay), bà tình cờ được chứng kiến lễ vinh quy bái tổ của một quan trạng.

Vị quan trạng ngồi trên kiệu tám đòn, xung quanh kẻ vác lọng, người che tàn, trống chiêng vang rộn, kẻ đón người đưa tấp nập, các vị hương lý, hào mục khắp vùng đều sắp lễ vật đứng hai bên đường để tung hô bái lạy.

Vị quan trạng còn rất trẻ, vận mũ áo vua ban nom thật oai vệ. Bà nghĩ: “Giá như con trai mình được như thế!”. Điều mong ước ấy nung nấu trong lòng người mẹ. Khi trở về, bà sắm sửa khăn gói, rồi đưa con đi mấy ngày đường, tìm đến thầy dạy nổi tiếng nhất vùng để xin cho con được học.

Những ngày đầu, cậu bé Tuấn còn chểnh mảng học hành, nhớ nhà, nhớ mẹ nên thường xuyên bỏ học trốn về nhà. Nhiều lần khuyên nhủ con nhưng không thành, một hôm bà gọi con đến bên khung cửi, rồi bắt chước theo chuyện bà Mạnh Cơ - mẹ thầy Mạnh Tử, chặt đứt khung cửi đang dệt dở dang.

Người con trai hốt hoảng chưa kịp ngăn mẹ thì tơ sợi đã đứt ngổn ngang. Cậu ân hận quỳ xuống bên mẹ: Thưa mẹ, con đã biết lỗi của con! Con xin hứa với mẹ, từ nay con sẽ chăm chỉ học hành để mẹ được an lòng!

Ngày hôm sau, trước khi con trai lên đường, bà lên chợ mua mấy chục vuông lụa đào, về khâu thành một chiếc võng, rồi bảo con: Mẹ khâu sẵn chiếc võng này để chờ khi con chí toại danh thành, vinh quy bái tổ.

Rồi bà bọc kỹ tấm võng, gác lên mái nhà để ngày ngày nhìn thấy mà cố gắng làm lụng nuôi con ăn học. Cảm động vì tấm lòng của mẹ, cậu con trai càng ân hận vì đã để mẹ phải buồn phiền. Cậu ra sức dùi mài kinh sử. Khi triều đình mở khoa thi, Nguyễn Duy Tuấn đỗ trung khoa, sau được cử đi làm Tri phủ Duy Tiên, đem vẻ vang về cho gia đình và quê hương.

Con trai của Tri phủ Nguyễn Duy Tuấn là Đình nguyên Hoàng giáp Nguyễn Duy Đôn – một nhà khoa bảng lớn, có nhiều mối liên hệ giáo dục và đào tạo nhân tài tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Bà Nguyễn Thị Khiếu - chị ruột của Nguyễn Duy Đôn - cũng là một người mẹ tài trí không thua kém gì bà nội. Bà đã giáo dục, dạy dỗ cả hai người con trai là Mai Danh Tông và Mai Trọng Tương thành danh.

Hai vị tiến sĩ họ Mai đều làm quan trong triều nhà Lê. Ba cậu cháu Nguyễn Duy Đôn đã tạo nên huyền thoại đương thời - Tiến sĩ đồng triều. Triều đình nhà Lê vì thế đã sắc phong cho cha mẹ của “Lưỡng tử tiến sĩ” bức đại tự “Nghĩa phương giáo huấn”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.