Đồng hành với AI để nâng cao hiệu quả dạy - học tiếng Anh

GD&TĐ - Trí tuệ nhân tạo (AI) trở thành công cụ quan trọng trong đổi mới và tối ưu hóa hiệu quả hoạt động giáo dục. 

Robot hỗ trợ giáo viên thực hiện trò chơi tiếng Anh. Ảnh: GD
Robot hỗ trợ giáo viên thực hiện trò chơi tiếng Anh. Ảnh: GD

AI mở ra những hướng đi mới trong dạy - học tiếng Anh. Do đó đòi hỏi giáo viên phải thay đổi, biết cách đồng hành cùng trợ lý AI.

Thay đổi chính mình

PGS.TS Lê Văn Canh - nguyên giảng viên Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, AI sẽ thay đổi toàn diện, triệt để và định nghĩa lại toàn bộ khái niệm trong học tập. Chẳng hạn, AI có thể cá nhân hóa lộ trình học cho từng học viên dựa trên phân tích dữ liệu về năng lực và nhu cầu học tập. Người học có thể học mọi lúc, mọi nơi chỉ với thiết bị kết nối Internet.

Nhờ khả năng xử lý khối lượng thông tin khổng lồ, AI có thể tự động chấm bài, cải thiện phát âm và theo dõi sự tiến bộ của học viên mà không cần giáo viên can thiệp trực tiếp. Trước thực trạng này, thầy, cô giáo và các nhà quản lý cần suy nghĩ để thay đổi phương pháp dạy học.

Ngoài ra, sử dụng AI cũng có thể giúp học viên tiếp cận nhanh chóng những kiến thức mới mà không cần mất quá nhiều thời gian. Công việc dịch thuật hay hỗ trợ việc học phát âm, viết bài luận cũng không còn khó khăn như trước. Song, chính sự xuất hiện và hiệu quả đáng kinh ngạc của AI trong dạy và học tiếng Anh khiến nhiều người lo ngại. “Liệu vài năm nữa, các thầy, cô giáo dạy tiếng Anh có bị thất nghiệp bởi AI? Làm thế nào để ứng dụng AI một cách hiệu quả trong giáo dục?”, PGS.TS Lê Văn Canh đặt vấn đề.

Với tiềm năng to lớn, AI mở ra những hướng đi mới trong việc dạy và học tiếng Anh. Từ các phần mềm học tập thông minh, trợ lý ảo đến công cụ chấm điểm tự động, AI không chỉ giúp người học tiếp cận kiến thức một cách chủ động, hiệu quả mà còn hỗ trợ giáo viên trong việc giảng dạy và đánh giá học sinh. Tuy nhiên, PGS.TS Lê Văn Canh cho rằng, bên cạnh những cơ hội, ứng dụng AI vào dạy học tiếng Anh cũng đặt ra nhiều thách thức, đòi hỏi chúng ta phải có giải pháp phù hợp để khai thác tối đa tiềm năng của công nghệ này.

dong-hanh-voi-ai-de-nang-cao-hieu-qua-1-5575-3194.jpg
Tiết học tiếng Anh tại Trường THPT Nguyễn Huệ (Ninh Bình). Ảnh: ITN

Vai trò người thầy sẽ không mất đi

Trong thời đại 4.0, việc cộng tác với AI như thế nào là bài toán khó. Nguyên giảng viên Trường ĐH Ngoại ngữ khẳng định, vai trò của người thầy sẽ không mất đi nhưng có sự thay đổi. Giáo viên phải thay đổi chính mình, biết cách đồng hành cùng thầy, cô giáo AI. Công nghệ có thể giúp phát triển ngôn ngữ tốt nhưng điều người máy không thể làm được là xúc cảm. Người máy cũng không thể hiểu hết sự tinh tế và sáng tạo của ngôn ngữ.

Dù tạo ra nhiều cơ hội nhưng PGS.TS Lê Văn Canh quả quyết, người máy không tạo động lực cho người học. Giáo viên mới là người tạo động lực, truyền cảm hứng, hướng dẫn học sinh phương pháp học tập hay phân tích thông tin. Đây chính là điểm khác biệt giữa giáo viên “thật” với thầy, cô giáo “ảo”.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Tiến Nam - Chủ tịch Tập đoàn SunUni Global nhấn mạnh, dù thông minh đến đâu nhưng AI không thể thay thế con người, bởi chung quy lại, chúng ta không thể học như một cái máy. Trước sự phát triển như vũ bão của AI, việc cần làm là nâng cao giá trị của bản thân và sử dụng AI để phục vụ cho công việc của mình.

AI có thể dạy học một phần nào đó, xây dựng những chương trình đào tạo cho người dùng. AI có thể nắm rõ năng lực người học nhưng không thể nắm rõ hành vi hay cảm xúc. AI có thể xây dựng chương trình dựa trên những tổng hợp kiến thức từ Internet, nhưng khó có thể xây dựng được chương trình, tư duy mới chưa từng xuất hiện. “AI chưa thể đi vào từng chi tiết và cách tiếp cận theo hướng cá nhân hóa. Bởi vậy, vai trò của con người vẫn là chủ đạo trong đào tạo ngoại ngữ”, ông Nguyễn Tiến Nam nhấn mạnh.

Nhà văn, nhà báo Hoàng Anh Tú - nguyên Trưởng ban Biên tập báo Sinh viên Việt Nam - Hoa Học Trò cho rằng, công nghệ đã xâm chiếm vào nhiều công đoạn của giáo dục nên để tồn tại trong xã hội AI, việc học tập phải mang tính kết nối nhiều hơn.

Theo nhà văn Hoàng Anh Tú, phần lớn phụ huynh do quá bận rộn nên sẵn sàng chi tiền để con học tốt tiếng Anh nhưng quan trọng phải tạo được hành trình giữa cha mẹ và con cái. Vậy nên thay vì nghĩ, việc sử dụng AI để dạy học như thế nào, tại sao chúng ta không nghĩ đến điều nhân văn hơn, đó là sự kết nối giữa cha mẹ và con cái.

“Thay vì “chạy đua” công nghệ, tại sao chúng ta không nghĩ đến sự gắn kết gia đình nhiều hơn?”, nhà văn Hoàng Anh Tú gợi mở, đồng thời viện dẫn: Phụ huynh có thể mua nhiều ứng dụng cho con học tiếng Anh nhưng làm thế nào để hiểu, đồng hành cùng con trên con đường học tập lại là câu chuyện hoàn toàn khác. Đấy chính là tính nhân văn trong giáo dục mà không phải bất cứ công nghệ nào thực hiện được.

Theo PGS.TS Lê Văn Canh, trong giáo dục không ai thay thế được thầy cô, dạy học trực tiếp mang lại cảm xúc, sự sáng tạo nhưng phải khẳng định vai trò thầy cô đã khác, đòi hỏi cần sự thay đổi, phối hợp với AI để dạy học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.