Chật vật dạy, học tiếng Anh nơi Đất Mũi

GD&TĐ - Thiếu giáo viên và cơ sở vật chất đặt ra nhiều thách thức cho việc dạy và học tiếng Anh tại các huyện vùng sâu, xa của tỉnh Cà Mau.

Học sinh điểm lẻ Trường Tiểu học Tân Hải (huyện Phú Tân) gặp khó trong việc học tiếng Anh. Ảnh: Q.M
Học sinh điểm lẻ Trường Tiểu học Tân Hải (huyện Phú Tân) gặp khó trong việc học tiếng Anh. Ảnh: Q.M

Thiếu nhân vật lực

Dù có ba cơ sở (một điểm chính và hai điểm phụ) nhưng Trường Tiểu học Tân Hải (xã Tân Hải, huyện Phú Tân) chỉ có 2 giáo viên dạy tiếng Anh. Mỗi khi có tiết, giáo viên phải di chuyển từ cơ sở này sang cơ sở khác.

Thầy Bùi Hoàng Huynh - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Hải cho biết, trường ở vùng sâu nên việc học tiếng Anh của học sinh khó khăn hơn so với các trường khu vực thành thị. Do không đủ điều kiện về cơ sở vật chất và giáo viên nên trường chỉ triển khai tự chọn đối với lớp 2 và bắt buộc từ lớp 3, không thể áp dụng cho khối lớp 1.

“Để trẻ học tốt tiếng Anh, ngoài giảng dạy tại trường cần sự phối hợp, hỗ trợ của phụ huynh. Thế nhưng, học sinh vùng biển, đời sống khó khăn, đa phần cha mẹ làm ăn xa, điều kiện để các em học các môn tiếng Việt đã khó, tiếng Anh càng khó hơn”, thầy Huynh nói.

Em Đỗ Quốc Khôi - học sinh lớp 4, Trường Tiểu học Tân Hải, chia sẻ: Học tiếng Anh rất khó, nhất là cách đọc và viết. Học xong trên lớp, về nhà em quên nhiều từ nhưng không biết hỏi ai vì ông bà, cha mẹ không biết tiếng Anh để chỉ dạy.

Biết tiếng Anh rất thông dụng nên chị Trần Thị Mén ở ấp Đầu Sấu, xã Tân Hải, huyện Phú Tân muốn cho con học thêm từ nhỏ để mau tiến bộ. Nhưng theo chị Mén, ở nông thôn không có trung tâm ngoại ngữ. Đi xa học thì tốn kém, mặt khác gia đình cũng không có thời gian đưa, đón con.

Tương tự Phú Tân, huyện Ngọc Hiển gặp nhiều khó khăn trong tổ chức giảng dạy tiếng Anh. Ông Lê Xuân Hùng - Trưởng phòng GD&ĐT huyện cho biết địa phương đang thiếu giáo viên tiếng Anh nên phải điều động thầy cô dạy liên trường, liên cấp. Điều này ảnh hưởng lớn tới chất lượng giảng dạy.

Hiện tại, huyện không có trường tiểu học tổ chức cho học sinh học môn tự chọn Tiếng Anh lớp 1, lớp 2. Đặc biệt, phần lớn giáo viên địa phương không tốt nghiệp ngành Sư phạm tiếng Anh mà chỉ có bằng cử nhân tiếng Anh hoặc Ngôn ngữ Anh kèm chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm. Điều này ảnh hưởng đến việc truyền đạt kiến thức cho học sinh một cách bài bản.

“Học sinh vùng sâu, xa như huyện Ngọc Hiển gặp nhiều trở ngại trong học phát âm, ngữ pháp vì không có điều kiện tiếp xúc tiếng Anh hằng ngày”, ông Hùng nói.

Theo đại diện Sở GD&ĐT Cà Mau, với làm quen tiếng Anh dành cho trẻ mẫu giáo, hiện toàn tỉnh có 80 trường mẫu giáo thực hiện với hơn 7.900/30.120 trẻ được tiếp cận, chiếm hơn 26%. Đối với hệ giáo dục phổ thông, có 40 trường tổ chức giảng dạy tiếng Anh tăng cường với 7.920/102.371 học sinh được tiếp cận, chiếm tỷ lệ 7,73%.

vung-kho-chat-vat-day-hoc-tieng-anh-3-6906.jpg
Một tiết học tiếng Anh tại Trường THPT Đầm Dơi (huyện Đầm Dơi). Ảnh: Q.M

Giải pháp nâng cao chất lượng

Theo ông Lê Xuân Hùng - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Ngọc Hiển, để nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh, tỉnh phải có chính sách thu hút giáo viên về công tác tại huyện vùng sâu. Đồng thời đầu tư đồng bộ về cơ sở vật chất phục vụ việc dạy và học tiếng Anh như phòng học, bảng thông minh…

Là người có kinh nghiệm giảng dạy môn Tiếng Anh nhiều năm, thầy Nguyễn Trí Nhân - Tổ trưởng tổ Tiếng Anh, Trường THPT Đầm Dơi (huyện Đầm Dơi) cho rằng, giáo viên phải đổi mới phương pháp giảng dạy, hạn chế giao tiếp với học sinh bằng tiếng Việt, tránh dạy theo kiểu thầy đọc trò nghe. Giáo viên cần tận dụng tối đa trang thiết bị được đầu tư, ứng dụng công nghệ thông tin để tiết học sinh động, giúp học sinh dễ hiểu và nhớ lâu.

Trong điều kiện môi trường giao tiếp tiếng Anh ở vùng nông thôn còn hạn chế, phụ huynh có đủ điều kiện nên đầu tư thiết bị công nghệ hỗ trợ việc học cho trẻ. “Em thường học tiếng Anh trên các ứng dụng, phần mềm để rèn luyện khả năng nghe, nói.

Em còn tập xem phim phụ đề tiếng Anh để biết thêm từ vựng, rèn luyện kỹ năng đọc hiểu. Những bạn có cùng sở thích học tiếng Anh trong lớp cũng thành lập nhóm Zalo để trao đổi, nói chuyện với nhau bằng tiếng Anh”, Huỳnh Duy Khang - học sinh lớp 12A8, Trường THPT Đầm Dơi chia sẻ.

Nói về giải pháp nâng cao chất lượng học tiếng Anh trên địa bàn tỉnh, ông Lê Hoàng Dự - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Cà Mau cho biết, ngành sẽ nâng cấp cơ sở vật chất, đặc biệt phần mềm học tiếng Anh và sách song ngữ cho các trường.

Ngành còn chỉ đạo các trường tích cực đổi mới phương pháp dạy học và tổ chức hoạt động ngoại khóa (như câu lạc bộ ngoại ngữ, đố vui, kể chuyện bằng tiếng Anh, làm báo tường tiếng Anh…) vừa tạo điều kiện cho học sinh có cơ hội giao tiếp, gây hứng thú học ngoại ngữ cho học sinh.

Cũng theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Cà Mau, ngành từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên để phát triển và nhân rộng khả năng tự học, nâng cao 4 kỹ năng nghe, nói, đọc viết tiếng Anh cho học sinh. Tỉnh sẽ tăng cường công tác quản lý, đổi mới kiểm tra, đánh giá chất lượng dạy và học tiếng Anh tại các cơ sở giáo dục dựa vào khung đánh giá năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.

Dạy tiếng Anh còn nhiều hạn chế, khó khăn, chất lượng dạy và học tiếng Anh thấp nên những năm gần đây, điểm trung bình Kỳ thi tốt nghiệp THPT trên địa bàn tỉnh Cà Mau đối với bài thi Ngoại ngữ (chủ yếu là tiếng Anh) đều ở mức dưới 50%. Năm 2023, điểm trung bình bài thi môn Ngoại ngữ của tỉnh là 43,15% và năm 2024 là 42,77%.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ