Đồng hành cùng trò

GD&TĐ - Những ngày này, bên cạnh việc khẩn trương hoàn tất chương trình học kỳ II và kết thúc năm học, các trường mầm non, phổ thông trên cả nước còn tất bật với nhiều khâu quan trọng giúp học sinh chuẩn bị chuyển cấp. 

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Ở trường mầm non, các cô cho trẻ lớp lá đi tham quan trường tiểu học, bố trí, điều chỉnh thời lượng học; giúp trẻ làm quen với chữ viết, con số qua trò chơi. Ngoài ra, các cô còn tăng cường rèn luyện kỹ năng như cách cầm bút, tư thế ngồi đúng, tự phục vụ...

Tại các trường tiểu học, không chỉ hỗ trợ trẻ lớp 5 ổn định tâm lý khi chuẩn bị bước sang môi trường mới rộng mở quan hệ hơn, thầy cô còn giúp các em hình dung trước những sự thay đổi về nội dung cũng như phương pháp học ở cấp THCS. 

Ở cấp THCS, việc chuẩn bị cho lứa học sinh lớp 9 lên lớp 10 hay rẽ lối vào trường trung cấp/ nghề của các trường còn nhiều hơn. Bên cạnh giúp học sinh vững tâm lý, ôn thi chuyển cấp tốt, đội ngũ giáo viên còn đặc biệt quan tâm công tác tư vấn chọn nguyện vọng phù hợp, hướng nghiệp phân luồng. Những học sinh có năng lực học hạn chế, điều kiện gia đình khó khăn được nhà trường tư vấn riêng, xây dựng chương trình cho các em và phụ huynh tham quan thực tế ở các trường nghề, doanh nghiệp...

Cách làm của nhà trường giúp học sinh vững tâm thế trong giai đoạn chuyển cấp học rất đáng ghi nhận. Song chỉ mỗi sự nỗ lực của nhà trường vẫn chưa đủ, nhất là với học sinh ở các cấp lớp nền tảng. 

Không phải ngẫu nhiên, chuyên gia tâm lý, giáo dục khuyến cáo phụ huynh cần có sự đồng hành phù hợp với trẻ khi chuyển cấp. Nếu thế mạnh của nhà trường là giúp trẻ  cách chuẩn bị tiếp nhận  tri thức, làm quen với môi trường, hướng nghiệp… thì gia đình lại là điểm tựa vững chắc trong khâu chuẩn bị tâm lý, kỹ năng.

Bên cạnh nhiều gia đình làm tốt, thực tế cho thấy vẫn còn một bộ phận phụ huynh quá bận bịu mưu sinh hoặc do có hoàn cảnh đặc biệt, chưa quan tâm đúng mức đến việc chuẩn bị tâm thế cho trẻ giai đoạn này. Một bộ phận phụ huynh khác lại quan tâm quá mức, nhưng chủ yếu tập trung vào chuyện học hành, tăng thêm áp lực cho con, như ép trẻ lớp lá đi học tiếng Việt, học toán quá sớm; cho trẻ lớp 5, 9 vào quá nhiều lớp học thêm…

Theo thống kê của Khoa Tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TPHCM), thời điểm đầu năm học mới, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận ít nhất 3 - 5 trường hợp học sinh bị chấn động tâm lý do không hòa nhập được với trường mới, bạn mới.

Theo bác sĩ Đinh Thạc, Trưởng khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TPHCM), học sinh chuyển trường mới sẽ có ba mức độ tâm lý hay gặp. Thứ nhất là cảm thấy ngạc nhiên và phản ứng tiêu cực bằng cách thờ ơ. Thứ hai là thái độ trầm tư, mặt mày căng thẳng chứng tỏ bản thân đang lo lắng. Mức độ thứ ba nặng nhất, trẻ không màng chuẩn bị sách vở, thất thần, tự cách ly khỏi mọi người. Những dấu hiệu nặng của rối loạn lo âu, nếu không được can thiệp điều trị tâm lý sẽ dẫn tới trầm cảm. Trẻ thậm chí tự làm mình bị thương, có nguy cơ tự tử.

Không phải chỉ trẻ con mà cả người lớn khi thay đổi  môi trường mới đều cần thời gian để thích nghi. Thiếu sự quan tâm hoặc được quan tâm chưa đúng cách trong thời gian chuẩn bị chuyển cấp, trẻ sẽ khó hòa nhập với môi trường mới và khó học tập tốt. Sự đồng hành của nhà trường và gia đình  với trẻ trong giai đoạn bước đệm này rất quan trọng, để các em thực sự được “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ