Không để “mất nhịp” học tập
Theo cô Nguyễn Thị Minh Nguyệt - giáo viên môn Hóa học, Trường THPT Chương Mỹ A (Hà Nội), để không bị “mất nhịp” học tập, học sinh (đặc biệt là các em khối 12) cần xây dựng cho mình kế hoạch tự học, tự bồi dưỡng. Trong thời gian nghỉ học ở trường, các em nên bám sát kế hoạch của mình đã xây dựng, để kết quả học tập đạt hiệu quả cao nhất. Ngoài ra, các em cần xác định trọng tâm kiến thức của từng môn học, từ đó tự sắp xếp thời khóa biểu học tập phù hợp và lựa chọn phương pháp kiểm tra, đánh giá sao cho hiệu quả nhất.
“Thời gian này, các em nên khái quát hóa toàn bộ kiến thức đã học; đồng thời xác định xem mình thiếu và yếu ở phần nào để kịp thời bổ sung, lấp đầy khoảng trống. Cùng với đó xác định mục tiêu cho mình, chẳng hạn: Kỳ thi THPT quốc gia sắp tới, mình phải đạt được bao nhiêu điểm. Khi có được mục tiêu rồi, các em sẽ có động lực học tập và sẽ có ý thức phấn đấu để đạt được mục tiêu đó” - cô Nguyệt nhấn mạnh, đồng thời chia sẻ: Quan trọng là giữ được nhịp học như bình thường, tuyệt đối không được ngắt quãng hoặc buông bỏ để đợi ngày đi học trở lại.
Để hỗ trợ học sinh khối 12 ôn tập, chuẩn bị cho Kỳ thi THPT quốc gia, cô Ngô Thị Thu Hà - giáo viên Ngữ văn, Trường THPT Sông Lô (TP Tuyên Quang) cùng với đồng nghiệp xây dựng chuyên đề ôn tập cho học sinh. Như môn Văn, các cô thiết kế 2 chuyên đề/tuần. Các chuyên đề được xây dựng theo hướng: Ôn lại kiến thức đã học và bám sát định hướng Kỳ thi THPT quốc gia.
Ngoài ra, cô Hà và học sinh còn chat video hoặc sử dụng livestream qua nhóm chat trên Facebook để thảo luận, tương tác, cùng nhau giải quyết những khó khăn, vướng mắc; đồng thời giúp học sinh không sao nhãng việc học tập. “Với những em thuộc diện bồi dưỡng học sinh giỏi, tôi tăng cường chuyên đề nhiều hơn, các chuyên đề cũng có lượng kiến thức khó hơn” - cô Hà chia sẻ, đồng thời cho hay: Với những học sinh chưa có điều kiện tiếp cận với phương pháp học trực tuyến, nhà trường thống nhất, giao cho giáo viên chủ nhiệm gửi các chuyên đề học tập cho học sinh của lớp mình. Giáo viên chủ nhiệm cũng là người thu bài, sau đó gửi lại cho giáo viên bộ môn để kiểm tra kết quả học tập của các em.
“Dù là biện pháp nào đi chăng nữa, yếu tố quan trọng nhất vẫn là ý thức tự giác học tập của học sinh. Các em cần biết tận dụng thời gian nghỉ học ở trường để sắp xếp kế hoạch học tập cho riêng mình. Việc học cần bám sát những kiến thức và các chuyên đề đã được học, tránh học theo kiểu nhồi nhét hoặc học để trả bài cho thầy, cô giáo” - cô Hà nhấn mạnh.
Bám sát chương trình
Tại Trường THPT Trại Cau (Đồng Hỷ, Thái Nguyên), thầy Phó Hiệu trưởng Đinh Xuân Giang đã chia sẻ bí quyết ôn tập cho học sinh cuối cấp: Nhà trường xác định, đây là thời điểm thuận lợi để củng cố kiến thức cho học sinh khối 12, giúp các em có kiến thức vững vàng, để tự tin bước vào Kỳ thi THPT quốc gia 2020. “Với quan điểm học đến đâu, chắc đến đấy; vì thế khi xây dựng đề cương ôn tập, chúng tôi thiết kế theo hướng mở, nội dung bám sát với kiến thức đã học và theo định hướng của Kỳ thi THPT quốc gia” - thầy Giang chia sẻ.
Qua tìm hiểu được biết, trong thời gian cho học sinh nghỉ học tạm thời, hầu hết các sở GD&ĐT đều có hướng dẫn ôn tập, trong đó có hướng dẫn hình thức học online. Sở GD&ĐT Tuyên Quang có công văn yêu cầu các cơ sở giáo dục xây dựng chuyên đề dạy học trực tuyến ôn thi THPT quốc gia năm 2020 cho học sinh lớp 12. Sở cũng đã liên hệ với Viettel Tuyên Quang để hỗ trợ các trường về kỹ thuật quay. Theo đó, các trường THPT được sở GD&ĐT phân công đã triển khai các giờ dạy trực tuyến, bài ôn tập theo từng chuyên đề để 100% học sinh lớp 12 được tiếp cận bài giảng và đề cương ôn tập.
Sở GD&ĐT Hải Dương cũng đề nghị hiệu trưởng các trường THPT triển khai và hướng dẫn học sinh ôn luyện online miễn phí trên hệ thống học tập trực tuyến. Khuyến khích giáo viên thiết kế bài giảng trực tuyến, các chuyên đề ôn tập và kiểm tra trong thời gian học sinh nghỉ học, trong đó chú trọng đến học sinh khối 12, để các em yên tâm bước vào Kỳ thi THPT quốc gia 2020.