Đồng hành cùng thí sinh

GD&TĐ - Khắp các tỉnh thành trên cả nước, không khí Kỳ thi THPT quốc gia đang diễn ra sôi động. Mỗi người dân, các thầy cô giáo, đến các tổ chức, đoàn thể luôn đồng hành, tiếp sức từ nơi ăn chốn nghỉ, phương tiện đi lại... để thí sinh hoàn thành kỳ thi tốt nhất.

Ngôi nhà của gia đình thầy Mì là phòng trọ “free” cho thí sinh và người nhà các em trong đợt thi THPT quốc gia này
Ngôi nhà của gia đình thầy Mì là phòng trọ “free” cho thí sinh và người nhà các em trong đợt thi THPT quốc gia này

Nhà trọ miễn phí của thầy giáo trên đảo Cô Tô

Thương học sinh vất vả vượt biển đi thi, thầy giáo Lưu Đức Mì - Giám đốc Trung tâm GDNN - GDTX huyện Cô Tô (Quảng Ninh) đã dọn nhà đón học trò và phụ huynh các em về ở cùng. Trong tổng số 73 thí sinh đăng ký dự thi tại điểm thi Trường THPT Cô Tô (khu 4, thị trấn Cô Tô, huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh) có 10 học sinh thuộc diện khó khăn. Trong số đó, Trung tâm GDNN - GDTX nơi thầy Mì làm Giám đốc có 5 em đến từ xã Thanh Lân (cách thị trấn Cô Tô 20 phút đi đò).

Theo chủ trương chung của toàn tỉnh Quảng Ninh là không để học sinh bỏ thi vì đi lại khó khăn, huyện Cô Tô cử 6 chiến sĩ công an đi đò sang tận xã Thanh Lân để đón thí sinh và người nhà đưa đến điểm thi an toàn. Đồng thời, huyện cũng hỗ trợ mỗi thí sinh 300 nghìn đồng tiền ăn trưa trong những ngày diễn ra Kỳ thi THPT quốc gia.

Tuy nhiên, thương trò, cảm thông trước nỗi vất vả của phụ huynh khi bỏ công việc lận đận đưa con đi thi, thầy Mì đã nảy ra ý tưởng dọn dẹp, dành riêng hai phòng ngủ của gia đình đón cả học sinh và người nhà các em về ở cùng trong những ngày diễn ra kỳ thi.

Vậy là căn nhà 2 tầng, 100 m2 của gia đình thầy Mì tại khu 2, thị trấn Cô Tô trở thành phòng trọ “vui vẻ” của thí sinh và người nhà các em. Nhưng, không chỉ có 5 em là học sinh của Trung tâm GDNN - GDTX mà thầy Mì còn dang rộng vòng tay đón thêm 2 học trò cũ hiện là thí sinh tự do dự thi tại điểm thi Trường THPT Cô Tô đợt này. Trong đó có em Vũ Văn Thanh - học sinh duy nhất vượt 60 hải lý từ đất liền ra đảo Cô Tô thi.

Chị Phạm Thị Chung, một phụ huynh học sinh đang ở tại nhà thầy Mì chia sẻ: “Tôi rất cảm động trước tấm lòng của thầy Mì. Thầy không những là người trực tiếp dạy dỗ Minh mà còn rất chu đáo, nhiệt tình đón các con và phụ huynh về ở miễn phí tại nhà mình. Hành động của thầy khiến chúng tôi vô cùng xúc động và biết ơn.

Bữa cơm nóng hổi dành cho các sĩ tử sau khi thi môn Ngữ văn
Bữa cơm nóng hổi dành cho các sĩ tử sau khi thi môn Ngữ văn  

Thi xong được đãi bữa cơm nóng hổi

Điểm thi Trường THPT Thốt Nốt có 706 thí sinh dự thi ở 30 phòng thi, đây là quận ngoại thành của TP Cần Thơ. Để hỗ trợ thí sinh nhà ở xa, trưa ở lại trường thi, nhà trường đã vận động xã hội hóa để tổ chức bữa cơm trưa cho 250 em (mỗi suất khoảng 45 nghìn đồng), hỗ trợ trong suốt 3 ngày thi. Ban đại diện Cha mẹ học sinh đứng ra nấu ăn, tất cả các khâu đều được kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm.

Địa điểm tổ chức bữa ăn trưa miễn phí cho thí sinh được nhà trường bố trí tại Nhà thi đấu đa năng trong trường. Bữa cơm trưa được chuẩn bị nóng hổi, thí sinh thi xong buổi thi sáng là có cơm ăn ngay.

Theo quan sát của phóng viên, bữa cơm được nhà trường chuẩn bị đầy đủ dinh dưỡng, gồm món mặn, món xào, món canh, món tráng miệng. Mỗi em học sinh còn được “bồi dưỡng” thêm 1 hộp sữa. Tất cả các món ăn được chế biến đảm bảo vệ sinh, đủ nóng để các em ăn ngon miệng, vật dụng như đũa, muỗng đều được bao bọc cẩn thận.

Vừa thi xong môn Ngữ văn, em Trần Thanh Tú vui vẻ cho biết: “Em làm bài môn Văn khá tốt nên cảm thấy yên tâm bước vào các môn thi tiếp theo. Nhà em ở xa, cách trường gần 10km nên trưa em ở lại không về, rất may là trường có tổ chức cơm trưa. Em và gia đình rất yên tâm vì có chỗ ăn, nghỉ miễn phí do nhà trường tổ chức”.

Các bến đò ngang sông ở huyện Hồng Ngự tăng chuyến và rút ngắn thời gian đỗ bến để thí sinh kịp thời gian đi thi
  • Các bến đò ngang sông ở huyện Hồng Ngự tăng chuyến và rút ngắn thời gian đỗ bến để thí sinh kịp thời gian đi thi

 Chuyến đò nghĩa tình nơi đầu nguồn biên giới

Phục vụ Kỳ thi THPT quốc gia, tại huyện đầu nguồn Hồng Ngự (Đồng Tháp), nhiều bến đò khách ngang sông tăng chuyến, đưa rước miễn phí thí sinh đi thi, rút ngắn thời gian đỗ bến bảo đảm các em đến địa điểm thi đúng giờ.

Lực lượng đoàn viên thanh niên cũng được bố trí tại bến đò hỗ trợ các em lên xuống an toàn. Nhiều thí sinh ở các xã Long Thuận, Phú Thuận A, Phú Thuận B, Long Khánh A, Long Khánh B quãng đường đến địa điểm thi khá xa, cách trở bởi con sông Tiền nên phải thức sớm để chuẩn bị cho hành trình đến phòng thi.

Em Huỳnh Văn Kiệt, ở xã Long Khánh A, cho biết: “Em thi tại điểm thi Truờng THCS An Thạnh, đoạn đường khá xa, nên phải thức sớm để chuẩn bị. Em và các bạn phải qua đò, nên tranh thủ đi sớm để tránh bị kẹt đò”.

Đồng hành cùng thí sinh, lực lượng đoàn viên thanh niên cũng được bố trí, túc trực tại các điểm thi hướng dẫn các em địa điểm phòng thi, khu vực đỗ xe và phát nước miễn phí. Huyện Hồng Ngự cũng thành lập tổ hỗ trợ các em trong việc ăn uống và nghỉ ngơi sau khi thi, nhằm bảo đảm sức khỏe để các em hoàn thành tốt kỳ thi.

Hồng Ngự là huyện đầu nguồn của tỉnh Đồng Tháp, tiếp giáp với Vương quốc Campuchia. Kỳ thi THPT quốc gia 2019, huyện Hồng Ngự có 640 thí sinh dự thi tại 2 địa điểm thi: Trường THPT Hồng Ngự 3 và Trường THCS An Thạnh.

Các tình nguyện viên vượt 8km kịp thời đưa nam sinh Hồ Văn Lích tới phòng thi
  • Các tình nguyện viên vượt 8km kịp thời đưa nam sinh Hồ Văn Lích tới phòng thi

Chỉ việc thi, mọi việc khác có thầy cô lo

Đúng 13 giờ ngày 25/6, thầy Hoàng Đức Lợi - giáo viên môn Thể dục, phụ trách quản sinh khu KTX của Trường THPT Kim Bình (huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang) đã gõ cửa từng phòng, gọi HS dậy chuẩn bị giấy tờ, tài liệu cho môn thi Toán.

Điểm thi Trường THPT Kim Bình có 181 thí sinh, 21 thí sinh đăng ký thi tổ hợp môn KHTN, 160 thí sinh đăng ký thi tổ hợp môn KHXH, không có thí sinh tự do.

Vào những ngày ôn và thi THPT quốc gia 2019, có 80 HS ở trong KTX của nhà trường, 40 HS trọ ở nhà dân khu vực cổng trường và nhà dân xung quanh. Các cấp lãnh đạo, tổ chức đoàn thể và người dân rất ủng hộ nhà trường, ủng hộ ngành GD khi chăm lo cho HS như con em trong nhà. Có nhà dân không lấy tiền trọ, có người lấy tượng trưng 80.000 - 100.000 đồng/tháng/phòng 2 - 3 HS.

Chăm lo cho HS trong khu KTX, nhà trường còn cử hai GV làm quản sinh, chăm lo miếng ăn giấc ngủ, chia sẻ khó khăn, động viên, nhắc nhở HS trong suốt thời gian ôn thi, đi thi. Các HS rất phấn khởi, nói: HS chỉ cần tập trung học, mọi việc khác có thầy cô lo!

Trong khi đó, thí sinh Hồ Văn Lích, SN 2000, ở thôn Chân Rò, xã Đakrông, huyện Đakrông (Quảng Trị) do đi tìm bò nên quên luôn giờ thi. Nhà của Lích cách điểm thi khoảng 8km, qua 1 con suối. Biết tin, đội tình nguyện Tiếp sức mùa thi của Đoàn Trường THPT Đakrông đã cử 3 tình nguyện viên là các thầy giáo đi xe máy đến tìm thí sinh. Gặp Lích đang đi tìm bò, mọi người nhanh chóng tìm đưa đến điểm thi kịp thời.

Không may mắn như Hồ Văn Lích, thí sinh Phạm C. C. dự thi tại điểm thi Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (Nghệ An) đã đến muộn sau giờ làm bài 35 phút môn Ngữ văn do... ngủ quên. Các buổi thi sau em có thể đến làm bài bình thường để bảo đảm các quyền lợi. Tuy nhiên, theo ông Thái Văn Thành - Phó Trưởng ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia tỉnh Nghệ An: Môn Ngữ văn là 1 trong ba môn thi bắt buộc của Kỳ thi THPT quốc gia. Trường hợp thí sinh không dự thi môn Ngữ văn, đồng nghĩa với việc đạt điểm 0 và không được xét công nhận tốt nghiệp THPT năm nay.

Dàn “siêu xe ôm” tại điểm thi Trường THPT Trần Quốc Tuấn (Đồng Hỷ, Thái Nguyên)
  • Dàn “siêu xe ôm” tại điểm thi Trường THPT Trần Quốc Tuấn (Đồng Hỷ, Thái Nguyên)

Độc đáo dàn “siêu xe ôm” áo xanh chở thí sinh

Tỉnh Thái Nguyên có hơn 14.400 thí sinh đăng kí tham dự Kỳ thi THPT quốc gia 2019, được chia làm 31 điểm thi. Điểm thi Trường THPT Trần Quốc Tuấn (Đồng Hỷ, Thái Nguyên) nằm khá xa quốc lộ, điểm xe bus cách xa điểm trường rất khó khăn cho các thí sinh di chuyển.

Nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho thí sinh, Đội thanh niên tình nguyện đã có phương án lập ra đội “siêu xe ôm” áo xanh bao gồm 25 xe liên tục di chuyển từ điểm xe bus ngoài quốc lộ chở thí sinh tới điểm trường, với mục đích không để cho bất kỳ thí sinh nào bị muộn giờ thi.

Anh Trương Văn Minh, Bí thư Đoàn Trường THPT Trần Quốc Tuấn cho biết, do điều kiện địa lý của trường khá xa so với các điểm thi, điểm trường khác, nên đã 3 năm nay đội “siêu xe ôm” áo xanh đã được thành lập vào mỗi kỳ thi để bảo đảm việc di chuyển của các thí sinh đến điểm thi. Anh cho biết, năm nay có 40 tình nguyện viên tiếp sức mùa thi tại điểm Trường THPT Trần Quốc Tuấn, trong đó dàn “xe ôm miễn phí” có khoảng 25 xe, luân phiên nhau chạy liên tục từ điểm bus đến điểm trường thi.

Bạn Nguyễn Thị Hoa cho biết, đây là năm thứ 2 bạn tham gia Chương trình Tiếp sức mùa thi và cũng là năm thứ 2 bạn cầm lái đưa thí sinh đến điểm thi. Đây là một hoạt động ý nghĩa, không chỉ giúp các thí sinh và người nhà không bị muộn trong kỳ thi quan trọng, mà còn giúp các em tự tin hơn khi bước vào phòng thi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT.

Khi trách nhiệm… 'mơ màng'!

GD&TĐ - Trước khi mọi việc đi quá xa thì cần nghĩ đến đường dài cho nhạc hội bằng sự lắng nghe, cầu thị và tôn trọng khán giả.
Kết quả thi GCSE tại Anh sẽ tiếp tục giảm do ảnh hưởng từ việc đóng cửa trường học thời Covid-19.

Covid-19 vẫn 'đeo bám' học sinh Anh

GD&TĐ - Nghiên cứu do Quỹ Nuffield, quỹ từ thiện của Anh, tài trợ, dự đoán điểm số các môn thi chính trong kỳ thi GCSE sẽ giảm đến năm 2030.