'Đồng hành cùng ký túc xá vùng biên' giúp trò Đan Lai yên tâm tới trường

GD&TĐ - Mô hình "Đồng hành cùng ký túc xá vùng biên” đã hỗ trợ học sinh Đan Lai hòa nhập trường mới cấp THCS, giảm hẳn tình trạng bỏ học giữa chừng.

Ra mắt mô hình "Đồng hành cùng ký túc xá vùng biên" cho trò Đan Lai tại Trường THCS Môn Sơn, huyện Con Cuông, Nghệ An.
Ra mắt mô hình "Đồng hành cùng ký túc xá vùng biên" cho trò Đan Lai tại Trường THCS Môn Sơn, huyện Con Cuông, Nghệ An.

Tổ công tác đặc biệt "cắm trường" biên giới

Trường THCS Môn Sơn đóng tại xã biên giới Môn Sơn, huyện Con Cuông, Nghệ An. Phần lớn học sinh của trường là người Thái, sinh sống ở các bản lân cận và giao thông đến trường cơ bản thuận lợi. Tuy nhiên, trường có hơn 70 em người Đan Lai – là 1 trong 11 dân tộc thiểu số rất ít người của cả nước, chỉ phân bố tại Nghệ An). Gia đình các em ở bản Búng và bản Cò Phạt - nằm sâu trong vùng lõi Vườn Quốc gia Pù Mát. Khi học tiểu học, các em có điểm trường lẻ trong bản, nhưng lên THCS thì phải ra trung tâm xã với quãng đường 15 - 20km đường đèo dốc hiểm trở hoặc ngồi thuyền vượt sông Giăng.

Để theo học, các em phải ở trọ hoặc dựng nhà tạm xung quanh trường với điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, vất vả. Vì vậy, nhiều năm liên tục, tình trạng học sinh Đan Lai bỏ học giữa chừng khi lên THCS đã trở thành nỗi lo của thầy cô giáo, nhà trường.

Ký túc xá được xây dựng cho học sinh người Đan Lai - Trường THCS Môn Sơn được từ năm 2018 để các em ổn định chỗ ăn ở, sinh hoạt.

Ký túc xá được xây dựng cho học sinh người Đan Lai - Trường THCS Môn Sơn được từ năm 2018 để các em ổn định chỗ ăn ở, sinh hoạt.

Để giúp đỡ học sinh Đan Lai, từ năm 2018, các cơ quan, ban ngành, địa phương đã quan tâm xây dựng khu nội trú riêng để các em ổn định chỗ ở đi học. Bên cạnh đó, các em được hỗ trợ chế độ tiền ăn theo Nghị định 116.

Tuy nhiên, do không phải là Trường Dân tộc nội trú, nên các thầy cô giáo và nhà trường cũng gặp nhiều khó khăn trong tổ chức quản lý học sinh.

Các em Đan Lai 100% thuộc gia đình hộ nghèo nên phụ huynh hầu như không có điều kiện chăm lo cho con cái khi xa nhà đi học. Mọi vấn đề từ học tập, sinh hoạt đều phó mặc cho nhà trường. “Cái khó nhất là do các em sống biệt lập trong núi sâu nên tính cách còn có phần “hoang dã”, kỹ năng giao tiếp hạn chế, ngại tiếp xúc với người lạ, phản kháng trước sự quan tâm của mọi người. Đặc biệt, các em Đan Lai còn có thói quen làm việc gì cũng theo nhóm, nên nếu 1 em bỏ học thường sẽ thường rủ theo hàng chục bạn khác trong bản cùng nghỉ”, thầy giáo Lê Duy Thuận, Hiệu trưởng Trường THCS Môn Sơn cho biết.

Trước thực tế này, đến năm 2019, Trường THCS Môn Sơn phối hợp cùng Đồn Biên phòng thành lập tổ công tác “cắm trường” đặc biệt. Tổ công tác gồm có 3 đồng chí bộ đội biên phòng thường xuyên đến trường cùng ban giám hiệu và thầy cô giáo quản lý, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh...

Trung tá Nguyễn Thị Trần Thanh hướng dẫn các em học sinh nữ gội đầu đúng cách.

Trung tá Nguyễn Thị Trần Thanh hướng dẫn các em học sinh nữ gội đầu đúng cách.

Trung tá Nguyễn Thị Trần Thanh – 1 trong 3 thành viên tổ công tác và cũng là cán bộ nữ biên phòng duy nhất ở trường nhớ lại ấn tượng đầu tiên khi đến khu nội trú là hình ảnh hàng chục cháu gái đang mặc nguyên quần áo và tắm. Các em mới từ trong bản ra, chưa biết cách sống tập thể và kể cả vệ sinh cá nhân cơ bản. “Lúc đó, tôi cảm thấy rất thương và bản thân phải có trách nhiệm giúp đỡ, chia sẻ, đồng hành nhiều hơn. Ban đầu cũng rất khó khăn vì các cháu sợ và phản kháng sự quan tâm của người khác. Dần dần các cô chú bộ đội biên phòng xuất hiện thường xuyên, trò chuyện nhiều, lũ trẻ mới mở lòng, xóa bỏ cảnh giác và nghe lời chỉ dạy”, Trung tá Thanh kể.

Trong 3 năm qua, tổ công tác “cắm trường” quản lý, duy trì chế độ, giờ giấc trong ngày, tuần cho các học sinh người Đan Lai tại khu nội trú. Tăng cường kỹ năng sống, tự lập sinh hoạt cá nhân, và rèn lối sống tập thể cho các cháu. Bên cạnh đó phổ biến giáo dục pháp luật cho học sinh. Hỗ trợ vật chất phục vụ sinh hoạt, học tập; động viên, khen thưởng kịp thời cho các em có nỗ lực trong học tập, rèn luyện.

"Đồng hành cùng ký túc xá vùng biên"

Sau 3 năm tổ công tác hỗ trợ hiệu quả cho học sinh Đan Lai, tháng 11/2022, Đồn đã phối hợp cùng Trường THCS Môn Sơn và chính quyền địa phương thực hiện mô hình “Đồng hành cùng ký túc xá vùng biên”.

Mô hình này kế thừa chương trình “Con nuôi Đồn Biên phòng”, nhưng thay vì Đồn nhận 4 con nuôi như trước đây, thì giờ đây số lượng lên tới 72 học sinh người Đan Lai.

Mẹ Thanh và các con người Đan Lai ở Trường THCS Môn Sơn, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, Nghệ An.

Mẹ Thanh và các con người Đan Lai ở Trường THCS Môn Sơn, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, Nghệ An.

Lê Văn Sơn nhà ở bản Cò Phạt, năm nay đã học lên lớp 9. Thế nhưng trước đó, Sơn không nhớ bao nhiêu lần muốn bỏ học về nhà đi làm nương rẫy. “Em là con thứ 4 trong gia đình có 5 anh, chị em. Bố mẹ đều làm nương rẫy. Lúc rời bản học lên THCS, cháu thấy việc học cũng khó, ở nội trú chưa quen, chỉ muốn về nhà làm gì cũng được. Nhưng thầy cô thường xuyên động viên, các bố biên phòng tập thể dục, hướng dẫn lao động, rồi được nấu cơm cho ăn no nên em cứ ở lại lâu hơn, cho đến giờ. Thầy cô, bố mẹ biên phòng còn thường xuyên nhắc em không nghỉ học giữa chừng, phải tốt nghiệp THCS, rồi học lên cao hoặc học nghề thì khi đó đi làm mới có công việc ổn định, giúp đỡ bố mẹ ở nhà”, Lê Văn Sơn kể.

Còn Lê Thị Hoa, 15 tuổi, ở bản Búng, học sinh lớp 9A1 giờ đã thân thuộc, gần gũi với mẹ Thanh (Trung tá Nguyễn Thị Trần Thanh). Cô bé chia sẻ: “mẹ Thanh chỉ dạy cho chúng em rất nhiều thứ từ vệ sinh cá nhân, kiến thức pháp luật. Mẹ dặn không được tảo hôn, lấy chồng sớm là khổ lắm mà phải cố gắng học tập để có hiểu biết và bước ra thế giới rộng lớn ngoài kia”.

Các bố, mẹ biên phòng thường xuyên đến trường và ký túc xá trò chuyện, dạy kỹ năng, kiến thức pháp luật và dặn dò các em học sinh Đan Lai không bỏ học giữa chừng.

Các bố, mẹ biên phòng thường xuyên đến trường và ký túc xá trò chuyện, dạy kỹ năng, kiến thức pháp luật và dặn dò các em học sinh Đan Lai không bỏ học giữa chừng.

Khi thành lập mô hình đồng hành cùng ký túc xá vùng biên, chính quyền địa phương, Trường THCS Môn Sơn và Đồn Biên phòng Môn Sơn đã tập trung kêu gọi các cơ quan, tổ chức, nhà hảo tâm hỗ trợ cho học sinh Đan Lai ở bán trú. Chỉ trong thời gian ngắn, Quỹ khuyến học đã được huy động với hơn 50 triệu đồng. Quỹ này sẽ được dùng để khen thưởng và mua đồ dùng học tập cần thiết cho học sinh. Bên cạnh đó, một tổ chức phi chính phủ cam kết hỗ trợ 12 triệu đồng/tháng để thêm khẩu phần ăn bán trú. Một số doanh nghiệp khác cũng đồng hành với học sinh Đan Lai.

Thầy giáo Lê Duy Thuận, Hiệu trưởng Trường THCS Môn Sơn xúc động nói: “Mô hình ra đời có ý nghĩa thiết thực đối với học sinh Đan Lai nói riêng và phát triển giáo dục ở vùng núi cao biên giới nói chung. Qua thời gian triển khai đã giảm hẳn tình trạng học sinh nghỉ học giữa chừng. Để mô hình “Đồng hành cùng ký túc xá vùng biên” đi vào chiều sâu, có hiệu quả hơn, nhà trường sẽ phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Đồn biên phòng để quản lý, giáo dục, chăm sóc học sinh tộc người Đan Lai. Qua đó giúp các em yên tâm ở ký túc xá để học tập, rèn luyện đạt hiệu quả”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang bị đe dọa.

Kế hoạch Nga rút quân khỏi Syria?

GD&TĐ -Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng kể từ khi chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ.