Cuộc chia tay về bản mới
Những ngày cuối cùng của tháng 7, không khí ở bản Búng trở nên chộn rộn, nôn nao. Đây là bản làng của tộc người Đan Lai, nằm sâu trong vùng lõi rừng quốc gia Pù Mát thuộc xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, Nghệ An. Bà con đang chuẩn bị cho một cuộc chia tay lớn, khi mà có những gia đình đã chấp nhận “rời cội”, rời mảnh đất năm xưa tổ tiên, ông bà trong “cuộc chạy trốn lịch sử” đã dừng chân, đốt đống lửa, chặt cây tre dựng nhà, lập bản…
Ông Lê Văn Nhị (SN 1970) có vóc người nhỏ, da đen, tóc hơi dài và nụ cười thật thà: “Mình sắp chuyển nhà rồi, đưa cả gia đình rời khe, đi tái định cư. Trong này giờ thuộc rừng quốc gia, cấm săn bắn, phát rẫy, khai thác rừng, nên phải ra thôi”. Ông nói, vẻ dứt khoát, nhưng ánh mắt nhìn về ngôi nhà sàn lợp mái tranh đã cũ, con đường mòn quen thuộc dẫn ra con khe Khặng, không giấu được lưu luyến, nhớ tiếc.
Ông Nhị cùng gia đình hai người con trai La Văn Hùng và La Văn Bảy là 3 trong số 10 hộ ở bản Búng ký cam kết tái định cư vào nơi ở mới tại Kẻ Tắt, xã Thạch Ngàn, huyện Con Cuông.
Trẻ Đan Lai đi học mầm non tại điểm trường bản Cò Phạt |
Các con ông Nhị tuổi còn trẻ, lo làm ăn kinh tế, nuôi vợ con nên mong muốn về nơi ở mới sẽ có nhiều thuận tiện. Các anh cũng đã sang thử bản mới, xem nơi ở bên đó thế nào, thấy giao thông đi lại dễ dàng hơn, gần trạm y tế, trường học. Ở đây, đồn biên phòng và chính quyền địa phương có nhiều hỗ trợ “nhưng người thì ngày ngày một đông lên, mà đất thì ít, không được phát rừng làm rẫy, khó khăn lắm”, hai người con ông Nhị cho biết.
Ngoài bản Búng với 112 hộ với 500 nhân khẩu thì còn có hơn 100 hộ người Đan Lai nữa ở Cò Phạt, bản làng cách đó một quãng đường vượt sông Giăng. Hai bản làng tách biệt trong rừng. Muốn ra ngoài, hoặc chỉ bằng cách đi đò vượt sông, hoặc đi đường bộ với dốc núi cheo leo, hiểm trở. Buổi đêm trước ngày chia tay bản cũ, người già làm mâm cơm “bốc vía” cúng tổ tiên xin phép rời bản. Sáng hôm sau, mọi người vượt núi, rời khe. Từ 2 bản Búng và Cò Phạt sang Kẻ Tắt, Thạch Ngàn cách khoảng hơn 60km.
Cuộc dừng chân mang tên tái định cư
Chính quyền hỗ trợ đào giếng đón bà con Đan Lai ra tái định cư tại bản Kẻ Tắt |
Lịch sử bi thương và cuộc truy sát của tên bạo chúa nay chỉ còn trong chuyện kể. Những mái nhà sàn đã ngày một nhiều lên ở cộng đồng người Đan Lai nơi thượng nguồn sông Giăng. Dù không phải là nguồn cội xuất thân, nhưng nơi đây là cưu mang, che giấu để dòng họ La vẫn tồn tồn tại qua bao nhiêu năm, bao nhiêu đời, hình thành nên quê hương, nguồn cội của tộc người Đan Lai. Nhưng cuộc sống biệt lập trong rừng thẳm, thất học, đói nghèo và hôn nhân cận huyết qua nhiều thế hệ lại khiến tộc người này đứng trước nguy cơ sinh tồn khác: Suy vong giống nòi! “Anh em ruột thịt thì không lấy nhau được rồi, nhưng con con cô con cậu, họ hàng trong 2 bản thì lấy nhau, chứ có ai nữa đâu”, người già nói.
Cũng vì sinh tồn, dân bản xâm hại vào rừng quốc gia Pù Mát. Để bảo tồn tộc người Đan Lai, thì cần đưa họ ra khỏi rừng, để hòa nhập với cộng đồng. Năm 2001, 36 hộ dân Đan Lai được tỉnh Nghệ An di dời ra đầu tiên, đến định cư tại bản Thái Hòa, Tân Sơn gần trung tâm xã Môn Sơn. Năm 2006, Chính phủ phê duyệt Đề án bảo tồn, phát triển bền vững tộc người Đan Lai tại vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát, đặt mục tiêu đưa 146 gia đình tộc người Đan Lai ở hai bản Búng và Cò Phạt ra khỏi rừng. Năm 2007, 42 hộ dân đầu tiên đã được đưa đến bản tái định cư Thạch Sơn, ở xã Thạch Ngàn cách chỗ ở cũ khoảng 60 km. Và 12 năm sau, vào ngày 30/7 vừa qua, 22 hộ dân tiếp theo đã đến Kẻ Tắt.
Các hộ dân Đan Lai chuyển từ trong bản Búng và Cò Phạt ra tái định cư ở Kẻ Tắt, Thạch Ngàn, Con Cuông |
Khi đối mặt trước một cuộc di dân lịch sử nữa, với người Đan Lai là cả một thử thách, một sự đánh đổi khó khăn, dù cho họ được lựa chọn và đã thành những con người tự do. “Ngày đó, nhiều người muốn quay về bản cũ lắm”, ông La Quang Vinh (bản Thạch Sơn, xã Thạch Ngàn, Con Cuông) nhớ lại 12 năm trước, khi 42 hộ dân đầu tiên đến tái định cư tại Thạch Sơn.
Khu tái định cư Kẻ Tắt – Bá Hạ gồm 35 nhà sàn để ở và các công trình phụ trợ, cùng với 10 ha đất sản xuất, 100 ha đất rừng. Trong năm đầu tiên tại nơi ở mới, các hộ Đan Lai tái định cư sẽ được hỗ trợ điện, nước sinh hoạt, lương thực, tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, đào tạo nghề, hỗ trợ sản xuất và mua sắm công cụ lao động…
Nhớ mà, và quen cách sống trong khe rồi, ra đây lạ đất, lạ người, lạ cách canh tác, sản xuất. Nhiều người đến nói, chỉ cần gia đình ông về, là bà con về theo. Lúc ấy, ông Vinh trả lời chắc nịch: Không thể quay về được! Trong đó là rừng quốc gia, Đảng và Nhà nước đã đưa chúng ta ra, thì cố gắng làm quen, sản xuất, thoát đói nghèo. Nói cứng vậy, nhưng trong lòng ông cũng lung lay lắm. Đến vợ con ông cũng nhớ con khe, con suối. “Trước khi chuyển tới Thạch Sơn, tôi đại diện cho bà con được cho đi xem một số vùng để chọn làm nơi tái định cư. Những nơi khác đất đai khô cằn, dốc cao tôi lắc đầu không ở được. Đến đây tôi thấy địa hình bằng phẳng hơn, gần suối, có nước, ống nứa cũng to hơn nơi khác, vậy là người Đan Lai sẽ sống được”, Trưởng bản La Quang Vinh kể.
Tại đây, bà con cấy lúa nước lấy gạo ăn trên thửa ruộng mới, trồng keo, trồng xoan lấy gỗ bán và nuôi trâu bò trên rẫy. Sau những khó khăn và bất ổn ban đầu, dân bản đã làm quen và yên tâm định cư. 12 năm, từ 42 hộ dân chuyển đến ban đầu, đến nay bản có 54 hộ dân, 279 nhân khẩu. Ông La Quang Vinh phấn khởi khoe: “Cả bản đã có hơn 100 con trâu. Nhà mình có 8 con, ngoài ra còn nuôi lợn, gà và gần 2ha xoan khoảng 6, 7 năm tuổi rồi. Các hộ trong bản hầu hết đều đang là hộ nghèo, nhưng đã có hộ khá như hộ ông Lê Văn Thám vừa chăn nuôi, trồng keo, xay xát và buôn bán tạp hóa. Nơi ở mới nhìn chung thuận tiện hơn nhiều, từ đường giao thông đi lại, khám chữa bệnh, tất cả bọn trẻ đều đến trường. Bản cũng đã có 2 cháu La Văn Tuấn và La Thị Sơn tốt nghiệp cấp 3 và giờ đang đi làm ăn xa”.
Chiều ngả nắng, bản Thạch Sơn vắng vẻ, không có cảnh đàn ông, đàn bà bên hiên nhà sàn cùng với lũ trẻ ngồi nhìn ra đường chờ hết ngày. Ngoài ruộng, là những bóng người đang cấy lúa cho một mùa vụ mới. “Đàn ông đi rẫy hết rồi, ở đây phải làm mới có ăn, chứ không vào rừng là có cái đưa về như ngày xưa. Cũng vất vả nhưng quen rồi, giờ ở lại đây chứ không đi đâu nữa”, bà La Thị Tình nói. Dịp này, ruộng của nhà bà chưa có nước để cấy lúa, nên ở nhà thái chuối cho 5 con lợn ăn. Gia đình bà cũng có 1ha keo, cũng gần đến ngày thu hoạch.
Tin có thêm người Đan Lai rời khe ra Kẻ Tắt, bà con ở Thạch Sơn cũng háo hức, đợi chờ. Giờ đây, họ đã là người đi trước, dựng xây cuộc sống ổn định để đón bà con, họ hàng thân thiết tiếp tục theo ra. 22 bếp lửa mới đã được đốt lên và được giữ cháy trong căn nhà kiên cố. Cuộc chạy trốn trong câu chuyện người già đã thành quá vãng. Cuộc di dân mang tên tái định cư lần này, họ sẽ là những người viết nên lịch sử mới, cởi mở, hòa nhập hơn cho tộc người kỳ lạ, đặc biệt nhất miền Tây xứ Nghệ.