Tuy nhiên, các nhà trường không để người thầy độc hành trong đổi mới, mà luôn quan tâm hỗ trợ mọi mặt, tích cực cùng tháo gỡ vướng mắc để việc dạy học vững vàng, hiệu quả.
Không để giáo viên độc hành
Thầy Nguyễn Tiến Công, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Hoàng Thu Phố (Bắc Hà, Lào Cai), trao đổi: Trong chuyên môn, ban giám hiệu (cụ thể phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn) thường xuyên thăm lớp thực hiện chương trình mới. Ban giám hiệu dự giờ để nắm bắt việc dạy học, mặt khác hướng dẫn, hỗ trợ trực tiếp giáo viên những nội dung triển khai chưa phù hợp, cần điều chỉnh tốt hơn.
“Động viên giáo viên triển khai Chương trình GDPT mới chủ yếu trên tinh thần đồng hành cùng tháo gỡ khó khăn. Chế độ chính sách vẫn dồn vào các ngày lễ tết cố định trong năm. Song, các thầy cô đều hiểu và chia sẻ khó khăn chung, vẫn chủ động đổi mới chuyên môn, nắm bắt chương trình để triển khai tốt nhất”, thầy Công cho hay.
Từ quá trình dự giờ, các nội dung còn vướng mắc sẽ được nhà trường tổ chức chuyên đề. Hiệu phó chuyên môn, tổ trưởng chuyên môn trực tiếp giảng dạy mẫu để tiếp tục điều chỉnh phương pháp, hình thức dạy học cho giáo viên. Đặc biệt, trường ưu tiên đầu tư thiết bị hiện đại nhất cho các khối lớp dạy học theo chương trình mới để đảm bảo khai thác hiệu quả học liệu điện tử…
Đồng hành cùng nhà giáo trong quá trình triển khai Chương trình GDPT mới là vấn đề Ban giám hiệu Trường THCS Ngô Sỹ Liên (Hoàn Kiếm, Hà Nội) luôn trăn trở để thực hiện đúng cách. Theo cô Hiệu trưởng Phạm Thu Hà, nhà trường chủ yếu động viên về tinh thần để các thầy cô tự giác, nỗ lực trong bồi dưỡng, tự học, nghiên cứu… đảm bảo phục vụ công tác dạy học.
Mặt khác, trường tổ chức các chuyên đề theo từng tuần để giáo viên các bộ môn cùng trao đổi bài giảng, tháo gỡ khó khăn; thay nhau dạy mẫu để cùng rút kinh nghiệm, học tập chéo. Năm học này, các hoạt động hỗ trợ chuyên môn chủ yếu hướng vào Tổ Khoa học tự nhiên, Tổ Xã hội bởi giáo viên phải đảm nhiệm công việc khó là dạy học tích hợp.
Ngoài ra, các khối lớp triển khai Chương trình GDPT mới cũng được đầu tư thiết bị dạy học, phòng chức năng để đảm bảo hỗ trợ tốt nhất giáo viên trong dạy học. Giáo viên tham gia tập huấn, bồi dưỡng do trường cử đi sẽ được đồng nghiệp hỗ trợ trong giảng dạy, đảm nhiệm các công việc khác để có thể yên tâm học tập.
Tại Trường THPT Yên Khánh A (Ninh Bình), trong sinh hoạt tổ nhóm chuyên môn, lãnh đạo nhà trường cùng dự để tháo gỡ vướng mắc và có định hướng, chỉ đạo kịp thời; Tích cực dự giờ thăm lớp mang tính chất giúp giáo viên hoàn thiện chuyên môn không đánh giá nặng nề.
Năm đầu triển khai chương trình lớp 10 mới, học sinh được lựa chọn môn học, nội dung học. Do đó, nhà trường phải cố gắng nghiên cứu bố trí giáo viên sao cho phù hợp nhất với thực tế. “Việc sắp xếp thời khóa biểu đảm bảo giáo viên không bị dồn nhiều tiết trong ngày, trải đều trong tuần để có thời gian soạn, chuẩn bị, nghiên cứu giáo án, trao đổi chuyên môn cùng đồng nghiệp. Tránh tạo áp lực không đáng có, từ đó thầy cô yên tâm, vững vàng tâm thế dạy học…”, thầy Vũ Xuân Sinh, Hiệu trưởng nhà trường thông tin.
Giáo viên và học sinh Trường Tiểu học Phan Đình Giót (Thanh Xuân, Hà Nội) hứng thú với tiết học theo Chương trình GDPT mới. Ảnh: Đức Trí |
Cùng đối diện và tháo gỡ
Bước sang năm thứ 3 triển khai Chương trình GDPT mới, song hầu hết lãnh đạo, giáo viên đều cho rằng việc làm quen ở khối lớp bắt đầu triển khai sẽ có những khó khăn nhất định. Để thoát khỏi thói quen đã hình thành nhiều năm nay với tư duy “Sách giáo khoa là pháp lệnh” chuyển sang dựa trên chương trình, giáo viên chủ động lựa chọn sách giáo khoa, lộ trình giảng dạy phù hợp cho từng đối tượng sẽ không tránh khỏi lúng túng.
Thế nhưng nếu có sự đồng hành của tập thể sư phạm trong chuyên môn, mỗi giáo viên có đủ quyết tâm để khắc phục và vượt qua khó khăn thì việc triển khai chương trình mới chắc chắn sẽ gặt hái thành quả.
Thầy Đào Chí Mạnh, Hiệu trưởng Trường Hội Hợp B (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc), chia sẻ, đến nay chưa có phụ huynh nào phản ứng tiêu cực khi con em học theo Chương trình GDPT mới. Các thầy cô dạy các lớp 1, 2 và 3 cũng chưa có phản ánh nào về chương trình quá tải hay áp lực không thể vượt qua.
Về phía ban giám hiệu, hiệu trưởng tăng cường xuống lớp gặp giáo viên và trao đổi trực tiếp với phụ huynh học sinh. Sự đồng hành của lãnh đạo nhà trường, tổ chuyên môn không chỉ mang tính động viên, khuyến khích tinh thần, mà sẵn sàng hỗ trợ, góp ý, điều chỉnh chuyên môn, phương pháp giảng dạy. Qua đó, giúp giáo viên chắc chuyên môn, thêm vững vàng kỹ năng, hoàn thiện từng tiết dạy.
Với Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc (TP Lào Cai, Lào Cai), dựa trên điều kiện thực tế, Ban Chấp hành Công đoàn trường phối hợp với ban giám hiệu và các tổ chuyên môn thực hiện nhiều giải pháp đồng hành như: Tham mưu với ban giám hiệu trong việc lựa chọn, phân công giáo viên dạy các khối lớp thực hiện Chương trình, sách giáo khoa mới phù hợp nhất. Tạo mọi điều kiện cho giáo viên tham gia đầy đủ các lớp bồi dưỡng, tập huấn tìm hiểu về Chương trình, sách giáo khoa 2018 do Bộ, sở, phòng GD&ĐT tổ chức.
Công đoàn trường đã phát động, tổ chức các phong trào thi đua “Dạy tốt, Học tốt”; Đổi mới sáng tạo trong dạy và học, duy trì các nhóm “Nhà giáo cùng phát triển”, tổ chức cho nhà giáo, cán bộ, người lao động đăng ký thực hiện và hoàn thành nhiệm vụ đổi mới trên tất cả lĩnh vực quản lý nhà trường, quản lý học sinh; đổi mới về phương pháp dạy học, kỹ thuật dạy học theo hướng nghiên cứu bài học; tổ chức các chuyên đề cấp tổ, trường, cụm trường về phương pháp, kỹ thuật dạy học theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh để nâng cao chất lượng giáo dục. Bố trí giáo viên có trình độ chuyên môn tốt hỗ trợ đồng nghiệp còn gặp khó khăn trong quá trình thực hiện chương trình mới…
“Khi giáo viên còn “loay hoay”, ban giám hiệu phải nắm bắt để hỗ trợ kịp thời từ tinh thần tới chuyên môn. Tuyệt đối không đánh giá nặng nề, gây áp lực cho giáo viên ở năm đầu triển khai dạy học theo Chương trình GDPT mới. Khi tư tưởng đội ngũ thông tỏ chắc chắn sẽ phát huy tốt chuyên môn, tâm huyết với công việc”, thầy Nguyễn Tiến Công khẳng định.