Kiến thức cần nhớ
Phần đại cương dòng điện xoay chiều, theo cô Ngọc, thí sinh nên ôn tập các đặc điểm của cường độ dòng điện, hiệu điện thế và để ý quan hệ độ lệch pha giữa chúng (sau này biện luận hộp kín). Còn phần nguyên tắc tạo ra dòng điện xoay chiều để dành học ở máy phát điện xoay chiều 1 pha và 3 pha. Các dạng bài phần này chủ yếu khai thác tính chất điều hòa của u qua phương trình điều hòa (hiểu đơn giản là lấy lại các dạng đại cương dao động điều hòa như: Thời điểm, thời gian, giá trị tức thời, số lần... (nên học theo đường tròn pha). Chú ý thêm dạng bài đồ thị hình sin.
Dòng điện xoay chiều hình sin (gọi tắt là dòng điện xoay chiều), là dòng điện có cường độ biến thiên tuần hoàn với thời gian theo quy luật của hàm số sin hay hàm cosin, với dạng tổng quát i = I0 cos(ωt +φ). Trong đó: I là cường độ dòng điện tại thời điểm t, được gọi là giá trị tức thời của I (cường độ tức thời).
I0>0 được gọi là giá trị cực đại (cường độ cực đại).
Nội dung các mạch điện xoay chiều: Thí sinh cần nhớ công thức xác định cảm kháng và dung kháng ngay. Phải tưởng tượng được cùng i, uL mình lên, uC dí xuống (giản đồ pha). Phải biết cái nào sớm pha, trễ pha cụ thể ra sao.
Biết cách tổng hợp vectơ chung gốc hoặc nối đuôi, nắm vững công thức tổng trở, đặc điểm pha giữa u với i để biện luận sau, nhớ được hệ thức tức thời 3 phần tử.
Với mạch có R, L, C mắc nối tiếp cần để ý kĩ giản đồ pha, các em chỉ cần vẽ được hình còn lại sử dụng pitago hay tan hoặc cos là lựa chọn từng người. Tuy nhiên, thí sinh chú ý độ lệch pha giữa u với i để biện luận mạch tính cảm (tính chất thể hiện của cuộn dây) hay tính dung (tính chất của tụ điện thể hiện rõ hơn). Các dạng bài ở phần này thường là tìm giá trị hiệu dụng, cực đại, độ lệch pha (tìm qua giản đồ pha) và viết phương trình 1, 2, 3 phần tử…
Công suất điện tiêu thụ của mạch điện xoay chiều, hệ số công suất, thí sinh cần nhớ hệ thức cơ bản của P để giải bài dựa trên cơ sở các mạch đã học, đừng vội học biện luận công suất ngay. Để nắm được những kiến thức trên, cô Ngọc khuyên thí sinh cố gắng học chắc ngay từ đầu, dùng giản đồ để định hướng bản chất và giải các bài mạch có phần tử.
Kinh nghiệm đạt điểm tối đa
Đề thi minh họa môn Vật lý có 9 câu hỏi liên quan Dòng điện xoay chiều. Trong đó, nhận biết và thông hiểu 5 câu, vận dụng: 2 câu và 2 câu vận dụng cao. Nội dung câu hỏi vận dụng cao nằm trong phần kiến thức về mạch điện xoay chiều R,L,C có các thông số thay đổi, đồ thị điện, các máy điện, đòi hỏi HS giỏi cả Toán và Lý mới có thể làm được.
Cô Ngọc cho rằng: Để đạt điểm tối đa những câu hỏi thuộc phần Dòng điện xoay chiều thí sinh chú ý: Làm câu nào chắc câu đó, cần tô đáp án ngay không để dành; Không sa đà vào các câu hỏi khó, dành thời gian làm trước những câu dễ; Đánh dấu câu chưa làm được, lưu nháp lại để về sau không phải giải lại từ đầu. Sau khi làm xong bài cần rà soát lại lần cuối xem có câu nào chưa tô đáp án không. Nguyên tắc là không bỏ sót câu nào dù không biết.
Thí sinh nên cập nhật đề thi thử trên các trang uy tín: thuvienvatly.com; baigiang.bachkim; theo dõi, tham gia thi thử trên các trang học thi thử trực tuyến; Thường xuyên trao đổi với nhóm lớp, GV giảng dạy khi gặp vướng mắc. Lên thời gian biểu, kế hoạch học tập phù hợp bảo đảm sức khỏe và hiệu quả ôn tập.