Xung quanh những dự báo về động đất ở Việt Nam, PGS. TS Nguyễn Hồng Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý địa cầu) đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo An ninh Thủ đô.
- Với trận động đất dữ dội ở Nepal vào ngày 25/4, Việt Nam có lo ngại dư chấn gì không, thưa ông?
- Nepal nằm cách xa Việt Nam khoảng 3.000km vì vậy nước ta nằm ngoài vùng dư chấn của trận động đất kinh hoàng này.
- Việt Nam có khả năng xảy ra những trận động đất cường độ lớn như vậy không?
- Theo phân tích và nghiên cứu, Việt Nam không có khả năng xảy ra những trận động đất cường độ lớn như vậy.
Việt Nam nằm ngoài vành đai núi lửa của thế giới, không nằm trên những rãnh đứt gãy sâu, vì vậy không có khả năng xảy ra những trận động đất dữ dội.
Theo dõi hoạt động động đất, sóng thần tại Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần trực thuộc Viện Vật lý địa cầu; Ảnh: Như Ý
- Ông có thể kể những trận động đất mạnh nhất ở Việt Nam đã ghi nhận được?
- Năm 1935, Việt Nam ghi nhận 1 trận động đất lớn 6,75 độ richter ở Điện Biên, trên đới đứt gãy sông Mã và năm 1983, 1 trận động đất 6,8 độ richter xảy ra ở Tuần Giáo nằm trên đới đứt gãy Sơn La. Tuy nhiên, 2 trận động đất này đều không gây ra hậu quả nặng nề.
Vì thời điểm đó, khu vực Điện Biên, Lai Châu dân cư còn thưa thớt, nhà cửa chủ yếu làm bằng gỗ, vách đất, chưa có công trình cao tầng lớn. Ngoài ra, vùng ngoài khơi Nam Trung bộ, năm 1923 cũng có 1 trận động đất 6,1 độ richter (thuộc ở vùng biển Vũng Tàu, Phan Thiết).
- Những trận động đất cường độ lớn như vậy có tái diễn ở khu vực Tây Bắc?
- Khu vực Tây Bắc nằm trên đới đứt gãy Điện Biên - Lai Châu vẫn đang hoạt động, vì vậy, khả năng tái diễn những trận động đất lớn tương tự năm 1935 và 1983 là hoàn toàn có thể xảy ra.
Tuy nhiên, chưa quốc gia nào trên thế giới dự báo được động đất, chỉ lập bản đồ cảnh báo các vùng có thể xảy ra động đất và dự báo cường độ lớn nhất là bao nhiêu mà thôi. Việt Nam hiện đã xây dựng 25 trạm địa chấn, ghi nhận động đất. Trận động đất ở Nepal vừa qua, trạm quan trắc ở Việt Nam cũng ghi nhận được.
- Hai vùng châu thổ sông Hồng và sông Cửu Long có khả năng xảy ra những trận động đất lớn không, thưa ông?
- Vùng đồng bằng sông Cửu Long khả năng xảy ra động đất ít hơn, vì địa chất ổn định, nằm xa những vùng kiến tạo lớn của Việt Nam. Còn khu vực đồng bằng sông Hồng khả năng xảy ra động đất cao, vì nằm trên những đới đứt gãy đang hoạt động gồm đới đứt gãy sông Hồng, sông Lô và sông Chảy.
Nhưng khó có thể xảy ra những trận động đất dữ dội như vùng Tây Bắc. Động đất mạnh nhất ở khu vực đồng bằng sông Hồng có thể gây rung chấn trên bề mặt ở cấp 8 (thang quốc tế chia 12 cấp). Đây cũng là mức rung chấn lớn, có thể gây ra thiệt hại nặng nên không thể chủ quan.
- Để giảm thiệt hại tối đa chúng ta nên phòng tránh động đất như thế nào, thưa ông?
- Rất khó nói phòng tránh động đất bằng cách nào. Nhưng có một biện pháp mà chúng tôi đã đưa ra và đến nay đã đưa vào Luật Xây dựng, đó là các tòa nhà cao tầng, công trình lớn phải có khả năng kháng chấn, tuân thủ nghiêm ngặt yêu cầu về khả năng chống động đất với cường độ nhất định.