Đồng bộ giải pháp duy trì sĩ số học sinh ở vùng khó

GD&TĐ - Đạt tỷ lệ huy động và duy trì sĩ số học sinh trên 99% là nỗ lực lớn của giáo dục một huyện miền núi còn nhiều khó khăn như Kỳ Sơn, Nghệ An.

Thầy Hờ Bá Pa và học sinh Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Huồi Tụ 2 (Kỳ Sơn, Nghệ An) trong giờ học.
Thầy Hờ Bá Pa và học sinh Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Huồi Tụ 2 (Kỳ Sơn, Nghệ An) trong giờ học.

Duy trì sĩ số bền vững

Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Huồi Tụ 2 có 308 học sinh và 100% là người dân tộc Mông. Hầu hết các em đều thuộc hộ nghèo, nhiều em hoàn cảnh gia đình rất khó khăn như mồ côi, tàn tật, bố mẹ bị bệnh hiểm nghèo,… Mặc dù vậy, việc duy trì sĩ số luôn được nhà trường thực hiện tốt.

Chia sẻ của thầy Hờ Bá Pa, giáo viên chủ nhiệm lớp 2A1, mỗi tuần đầu của năm học mới, nhà trường thường kết hợp với các ban quản lý bản làng, hội cha mẹ học sinh cùng tất cả giáo viên, nhân viên trong nhà trường tham gia huy động học sinh đến lớp.

Bên cạnh sự sát sao của thầy cô, nhà trường và làm tốt công tác vận động, rất nhiều giải pháp khác được Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Huồi Tụ 2 triển khai nhằm giúp học sinh vui đến trường, thích đến trường, từ đó duy trì sĩ số bền vững.

Một giải pháp quan trọng là xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện. Trường có cây xanh, thoáng mát, lớp học đủ ánh sáng, thoáng đãng; có đủ nhà tắm, nhà vệ sinh và được giữ gìn sạch sẽ. Các hoạt động văn nghệ, thể thao được tổ chức thường xuyên, khuyến khích sự tham gia chủ động, tự giác của học sinh.

“Thầy cô luôn quan tâm đến từng học sinh, khắc phục tính thụ động giúp các em tự tin trong học tập. Ngoài học văn hóa, các em được quan tâm rèn luyện kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử, loại bỏ bạo lực và tệ nạn xã hội trong học đường”, thầy Hờ Bá Pa cho biết thêm.

Học sinh Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Huồi Tụ 2 được tham gia nhiều hoạt động vui, bổ ích ngoài học văn hóa. Ảnh: Hồ Lài.

Học sinh Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Huồi Tụ 2 được tham gia nhiều hoạt động vui, bổ ích ngoài học văn hóa. Ảnh: Hồ Lài.

Giữ chân trẻ diện nghèo và cận nghèo đến trường

Nói về giải pháp thu hút, giữ chân trẻ diện nghèo và cận nghèo đến trường, ông Phạm Viết Phúc, quyền Trưởng phòng GD&ĐT huyện Kỳ Sơn cho biết: Tại Kỳ Sơn, mọi chế độ chính sách của học sinh đều phải được chi trả đầy đủ kịp thời, thực hiện nghiêm túc việc miễn giảm học phí cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn đúng theo quy định. Tổ chức tốt các bếp ăn bán trú để giữ chân, thu hút học sinh.

Ngành Giáo dục quan tâm nhiều hơn đến những học sinh thuộc diện nghèo, cận nghèo. Chú trọng xây dựng tập thể lớp đoàn kết, sẵn sàng giúp đỡ bạn vượt qua mọi khó khăn. Luôn tạo cho học sinh cảm thấy “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui” để tạo động lực học tập cho các em.

Công tác phối hợp giữa lãnh đạo trường - đoàn - đội - giáo viên chủ nhiệm được quan tâm đặc biệt để hỗ trợ, khuyến khích, động viên kịp thời, giúp học sinh vững tin hơn trong học tập, duy trì tốt sĩ số học sinh trên lớp. Phối hợp giữa giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn cũng được duy trì. Thầy cô thường xuyên trao đổi và nắm bắt thông tin, tình hình cụ thể của từng học sinh từ ban cán sự lớp. Cùng với đó, việc giữ liên lạc thường xuyên với phụ huynh học sinh là rất cần thiết.

“Chúng tôi luôn cố gắng để làm sao học sinh xem trường lớp là ngôi nhà thứ hai của mình. Phối hợp với các cấp chính quyền địa phương trực tiếp tham gia vận động, ngăn chặn khi học sinh có dấu hiệu bỏ học. Phối hợp với tổ tư vấn học đường làm tốt công tác tư vấn cho học sinh có nguy cơ bỏ học để phát hiện sớm, ngăn chặn kịp thời. Phối hợp với các đoàn thể (đoàn, đội, công đoàn) tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí cho các em.

Kết quả, tỷ lệ duy trì sĩ số với trẻ nhà trẻ trên đại bàn huyện đạt tỷ lệ 99,87%, mẫu giáo đạt 100,03%. Với cấp tiểu học, THCS, tỷ lệ này lần lượt là 99,9% và 97,5%. Tỷ lệ huy động và duy trì sĩ số học sinh toàn huyện đạt 99,2%”, ông Phạm Viết Phúc chia sẻ.

Tuy vậy, quyền Trưởng phòng GD&ĐT Nghệ An còn trăn trở vì công tác duy trì học sinh của cấp học THCS chưa được như mong muốn. Nguyên nhân có một số học sinh bỏ học để đi làm ăn, một số lấy chồng, lấy vợ, một số theo gia đình chuyển đi nơi khác sinh sống.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.