Đồng bằng sông Cửu Long sẵn sàng đón ngày khai giảng

GD&TĐ - Trước ngày khai giảng năm học 2023 - 2024, các địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long chuẩn bị chu đáo cơ sở vật chất, trường lớp...

Cô trò Trường Tiểu học Âu Dương Lân (TP Mỹ Tho, Tiền Giang) trong ngày tựu trường.
Cô trò Trường Tiểu học Âu Dương Lân (TP Mỹ Tho, Tiền Giang) trong ngày tựu trường.

Sẵn sàng trường lớp

Trước thềm năm học mới, nhiều trường lớp ở tỉnh Sóc Trăng được xây dựng, sửa chữa khang trang. Đặc biệt trường lớp được đầu tư xây dựng đáp ứng Chương trình GDPT 2018 và đạt chuẩn quốc gia. Năm học 2023 - 2024, toàn tỉnh có 5.930 phòng học kiên cố ở các cấp học, tăng 377 phòng so với năm học trước; 379/461 trường công lập đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 82,21%.

Theo đại diện Sở GD&ĐT Sóc Trăng, để chuẩn bị cho năm học 2023 - 2024, sở đã hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị, trường học tập trung rà soát, bổ sung trang thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi; Sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất trường, lớp học, ưu tiên các hạng mục công trình phòng học, thư viện, nhà vệ sinh, công trình nước sạch; Bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tối thiểu phục vụ triển khai Chương trình GDPT 2018...

Theo bà Huỳnh Thị Diễm Ngọc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, ngành Giáo dục phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố có kế hoạch đảm bảo cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ cho năm học mới, có phương án hỗ trợ SGK cho học sinh hoàn cảnh khó khăn.

Ngành cũng đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác dạy và học, đồng thời khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ; quan tâm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ trong năm học mới.

Trường lớp ở tỉnh Bạc Liêu cũng sẵn sàng đưa vào sử dụng kịp thời cho ngày khai giảng. Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT Bạc Liêu, toàn ngành được đầu tư xây dựng mới nhiều công trình khang trang, đủ chuẩn với kinh phí hàng trăm tỷ đồng. Trong đó chủ yếu là xây dựng mới phòng học, phòng chức năng cho các cấp học trên địa bàn, tập trung nhiều nhất ở thị xã Giá Rai với kinh phí gần 400 tỷ đồng; huyện Hồng Dân với kinh phí hơn 300 tỷ đồng…

Để giải quyết khó khăn về trường lớp, tỉnh Cà Mau bố trí nguồn kinh phí trên 19 tỷ đồng sửa chữa trường lớp ở 21 đơn vị, trường học trực thuộc sở GD&ÐT. Với các đơn vị, trường học trực thuộc huyện, thành phố, việc sửa chữa trường, lớp với kinh phí 95,5 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Thanh Luận, Giám đốc Sở GD&ĐT Cà Mau, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng công tác chuẩn bị cho ngày khai giảng năm học 2023 - 2024 đã hoàn tất, những khó khăn về cơ sở vật chất cơ bản được giải quyết.

Trường học xây dựng khang trang tại huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng).

Trường học xây dựng khang trang tại huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng).

Giải quyết nhiều vấn đề “nóng”

Theo ông Nguyễn Thanh Luận, năm học 2023 - 2024 có nhiều vấn đề “nóng” được dư luận quan tâm. Cụ thể là vấn đề xác minh nơi cư trú, thường trú nhằm bảo đảm tiếp nhận đúng học sinh, tránh tình trạng quá tải ở một số trường; chống lạm thu đầu năm học và vấn đề học sinh bỏ học...

Đối với tình trạng lạm thu đầu năm, sở GD&ÐT yêu cầu các đơn vị, trường học tiếp tục thực hiện tốt văn bản chỉ đạo; tuỳ vào nhu cầu thực tiễn đặt ra, sở sẽ có những chỉ đạo cụ thể. Về học phí, sở chủ động tham mưu UBND tỉnh trình HÐND tỉnh ban hành Nghị quyết về mức thu học phí năm học 2023 - 2024 khi Chính phủ có chỉ đạo mới.

Vấn đề học sinh bỏ học, theo ông Nguyễn Thanh Luận, ngành tăng cường rà soát để chủ động tìm các giải pháp vận động trẻ trở lại trường trong năm học 2023 – 2024, thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn được đến trường.

Một trong những giải pháp căn cơ nhất là thực hiện chính sách miễn, giảm học phí theo quy định; kêu gọi sự giúp đỡ từ các nhà hảo tâm. Các đơn vị, trường học thực hiện tốt phong trào tiếp sức đến trường với nhiều nội dung như tổ chức các hoạt động đưa trẻ đến trường nhân ngày khai giảng năm học mới; giúp đỡ trẻ có nguy cơ bỏ học được trở lại trường tham gia học tập…

Chuẩn bị cho năm học mới, ngành Giáo dục tỉnh Bạc Liêu quyết liệt chỉ đạo đơn vị, trường học công khai các khoản thu, chi đầu năm học theo quy định hiện hành. Nhằm khắc phục tình trạng “lạm thu, loạn thu”, tỉnh Bạc Liêu ban hành văn bản thống nhất quy định các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục ngoài học phí đối với cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn, được triển khai từ năm học 2023 - 2024.

Tương tự, tỉnh Tiền Giang tập trung giải quyết tình trạng thiếu giáo viên trước thềm năm học mới. Theo thống kê của sở GD&ĐT, toàn tỉnh thiếu khoảng 400 giáo viên mầm non; 300 giáo viên tiểu học; 300 giáo viên THCS và 100 giáo viên THPT. Trước mắt, tỉnh hợp đồng giáo viên, tiếp theo là các trường thỉnh giảng giáo viên từ trường khác.

Theo ông Nguyễn Phương Toàn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, ngành Giáo dục mở 11 lớp bồi dưỡng môn mới theo Chương trình GDPT 2018. Trong đợt 1 năm 2023, có 189 giáo viên môn Tin học và Công nghệ, 370 giáo viên Khoa học tự nhiên, 330 giáo viên Lịch sử và Địa lý được bồi dưỡng. Chương trình bồi dưỡng do Trường ĐH Sư phạm TPHCM thực hiện.

Thực hiện chủ đề năm học “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, hoàn thành tốt các nhiệm vụ và mục tiêu đổi mới và nâng cao chất lượng GD-ĐT”, thầy cô phải lấy người học làm chủ thể; học sinh trực tiếp tham gia các hoạt động giáo dục. Đối với giáo viên, phải bám chặt vào Chương trình GDPT 2018 để xây dựng kế hoạch môn học. Làm tốt hai việc này mới tạo nên giá trị chủ đề năm học, thực hiện tốt trọng tâm năm học mới, đặc biệt là truyền được cảm hứng đổi mới, sáng tạo. - Ông Nguyễn Minh Luân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ