Nhiều phương án linh hoạt để ứng phó với nguy cơ tiềm ẩn của dịch được nhà trường xây dựng.
“Vùng xanh” chuẩn bị đón học sinh
Sau khai giảng, một số địa phương tổ chức dạy học trực tiếp ở “vùng xanh” nhưng do phát sinh ca nhiễm mới nên chuyển từ “vùng xanh” thành “vùng đỏ”. Theo chia sẻ của lãnh đạo ngành Giáo dục các địa phương, cần có kịch bản dạy học linh hoạt, chủ động trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp.
Theo Sở GD&ĐT Kiên Giang, từ ngày 4/10, học sinh tiểu học, THCS, THPT, GDTX sẽ đến trường; trẻ mầm non đến trường từ ngày 18/10. Ông Trần Quang Bảo, Giám đốc Sở GD&ĐT Kiên Giang, cho biết: Sở chỉ đạo khi học sinh đến trường phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch, không chào cờ đầu tuần tập trung tại sân. Giờ giải lao giữa các tiết, học sinh không tập trung tại sân trường, đeo khẩu trang thường xuyên…
Trước khi học sinh đến trường ít nhất 2 ngày, nhà trường phải thực hiện tiêu độc khử trùng theo quy định. Khi học sinh vào học, trường bố trí nước và xà phòng để các em rửa tay, có thiết bị đo thân nhiệt và sổ ghi chép theo dõi sức khỏe hàng ngày. Riêng các trường được trưng dụng làm khu cách ly, phải phối hợp với địa phương để hỗ trợ tiêu độc khử trùng bảo đảm đúng quy định của ngành Y tế. Sở cũng yêu cầu UBND các huyện, thành phố ưu tiên tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho 100% cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ sở giáo dục.
Theo ông Phạm Hoàng Gan, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau, tỉnh dự kiến đầu tháng 10 sẽ cho học sinh các trường ở “vùng xanh” đến trường. Sở GD&ĐT đã trình phương án và chờ UBND tỉnh phê duyệt. Theo ông Gan, nếu được UBND tỉnh phê duyệt phương án, ở những vùng có dịch, các trường vẫn dạy trực tuyến, tận dụng vùng an toàn để dạy học trực tiếp nhằm bảo đảm chất lượng…
TP Cần Thơ dự kiến cho học sinh vùng thực hiện Chỉ thị 15 học tập trung trở lại từ ngày 4/10 (trừ cấp học mầm non). Đối với những phường, quận còn áp dụng Chỉ thị 16, sở sẽ yêu cầu trường đánh giá tình hình dịch bệnh rồi có phương án dạy học phù hợp (trực tuyến kết hợp trực tiếp), bảo đảm an toàn sức khỏe, kiến thức cho học sinh…
Chia sẻ về việc trở lại trường, em Lê Tuấn Kiệt, học sinh lớp 9, Trường THCS An Thới, quận Bình Thủy (TP Cần Thơ), cho biết: “Năm học này rất quan trọng vì em và các bạn còn thi tuyển sinh vào lớp 10. Việc trở lại trường học tập trung là cần thiết để bảo đảm kiến thức. Từ cuối tháng 5 đến nay, em và các bạn chưa gặp nhau trực tiếp, rất nhớ thầy cô, bạn bè. Chúng em đã sẵn sàng cho ngày trở lại trường”.
Bảo đảm an toàn cho giáo viên, học sinh
TP Cần Thơ có 24 trường học được trưng dụng làm khu cách ly tập trung và 14 trường được sử dụng làm điểm tiêm ngừa và xét nghiệm Covid-19. Khi được trả lại, lãnh đạo nhà trường cùng giáo viên chung tay tháo từng tấm màn để giặt giũ, lau từng bàn, ghế… bảo đảm an toàn cho học sinh khi trở lại trường. Nhà trường cũng khẩn trương rà soát lại toàn bộ cơ sở vật chất và trang thiết bị, đặc biệt là dụng cụ hỗ trợ công tác phòng chống dịch.
Trường THPT Bình Thủy, quận Bình Thủy (TP Cần Thơ) sau gần 2 tháng được trưng dụng làm điểm cách ly tập trung được trao trả để phục vụ cho công tác giảng dạy và chuẩn bị các điều kiện đón học sinh trở lại trường. Cô Trần Thị Ngọc Sương, Hiệu trưởng nhà trường, cho hay: Trước khi bàn giao, ngành Y tế tiến hành phun khử khuẩn toàn bộ khuôn viên trường, lớp học. “Sau khi tiếp nhận bàn giao, chúng tôi tiến hành tổng vệ sinh khử khuẩn lại một lần nữa để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho cán bộ, giáo viên, học sinh”, cô Sương thông tin.
Công tác đón giáo viên, học sinh bị kẹt tại các địa phương do dịch bệnh cũng được khẩn trương thực hiện. Tỉnh Hậu Giang có 520 giáo viên và 2.783 học sinh đang lưu trú ngoài tỉnh, tập trung ở 24 tỉnh, thành phố. Nhiều nhất là TP Cần Thơ, tỉnh Kiên Giang, Sóc Trăng, TPHCM, Bình Dương…
Tỉnh đã bố trí phương tiện đón giáo viên, học sinh đang bị kẹt tại các địa phương lân cận như TP Cần Thơ, Sóc Trăng, Kiên Giang về tỉnh nhà, bảo đảm thực hiện cách ly y tế theo quy định để kịp bước vào năm học mới. Đối với học sinh ở các địa phương còn lại, do dịch bệnh diễn biến phức tạp nên sở GD&ĐT thông báo để phụ huynh chủ động liên hệ ngành chức năng bố trí học tập tại nơi đang tạm trú theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT...
Tỉnh Cà Mau vẫn còn 850 học sinh mắc kẹt ở các tỉnh, thành chưa thể trở về. Tổng số cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đi ra ngoài tỉnh kẹt lại khoảng 200 người. Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau yêu cầu đối với giáo viên ra ngoài tỉnh nhưng chưa trở về do thực hiện giãn cách thì sắp xếp, bố trí giáo viên khác dạy thay. Riêng học sinh ra ngoài tỉnh chưa trở về do thực hiện giãn cách, ngành Giáo dục phối hợp với các địa phương tạo điều kiện cho các em học tập tại địa phương; khi tình hình dịch bệnh ổn định tiến hành sắp xếp, bố trí lại cho phù hợp…